VnReview
Hà Nội

Đừng tin vào ứng dụng đo huyết áp trên điện thoại

Những chiếc điện thoại thông minh ngày nay được trang bị khá nhiều cảm biến để người dùng có thể tương tác nhanh hơn và mượt mà hơn. Một cảm biến ánh sáng môi trường để điều chỉnh độ sáng màn hình; một gia tốc kế giúp tự động chuyển sang chế độ tràn màn hình khi xoay ngang điện thoại xem Youtube và cơ số cảm biến "xịn xò" khác như chiếc điện thoại Pixel 4 thậm chí có thể phát hiện các thao tác vẫy tay trước điện thoại.

Tuy nhiên, vẫn còn một loại cảm biến chưa hề xuất hiện trên điện thoại. Đó chính là cảm biến đo huyết áp. Và đây là một vấn đề rất nghiêm trọng.

Hiện nay có rất nhiều ứng dụng trên Play Store và App Store được miêu tả với những tính năng mà thực tế chúng lại hoàn toàn vô tác dụng, như ứng dụng phát hiện ma hay ứng dụng phát hiện nói dối chẳng hạn. Tất nhiên những ứng dụng kia chỉ được tạo ra với mục đích trêu đùa là chính, nhưng những ứng dụng giả với tính năng đo huyết áp lại có thể để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Những ứng dụng đo huyết áp hiện có trên "thị trường"

Giao diện rất "chuyên nghiệp"

Hiện bạn có thể tìm thấy hai loại ứng dụng đo huyết áp trên kho ứng dụng. Loại đầu tiên là sử dụng camera và đèn flash để đo huyết áp. Bạn sẽ phải đưa ngón trỏ lên camera và đèn flash sẽ sáng lên, sau khoảng 10-15 giây thì ngạc nhiên chưa, bạn đã có chỉ số huyết áp của mình. Loại thứ hai thì thậm chí còn không cần làm ra vẻ "chuyên nghiệp" như yêu cầu đặt ngón tay lên một vị trí nào đó trên màn hình để đo huyết áp chẳng hạn. Sau đó, kết quả đưa ra sẽ là một con số ngẫu nhiên trong giới hạn chỉ số huyết áp bình thường ở người có sức khỏe tốt.

Trước khi tiến hành đo, người dùng có thể sẽ được yêu cầu nhập các thông số như giới tính, tuổi, chiều cao, cân nặng để tăng thêm độ chính xác. Tất nhiên là "tăng thêm độ chính xác" ở đây không có nghĩa những ứng dụng này có khả năng đưa ra con số chính xác. Các nhà khoa học tại Đại học Y John Hopkins đã thử nghiệm độ chính xác của một trong những ứng dụng đo huyết áp nổi tiếng nhất. Và kết quả là, đúng như bạn nghĩ đó, tỉ lệ chính xác là con số không. Trong số các lần đo, chỉ số đưa ra nằm trong khoảng chỉ số trung bình của người khoảng 24%. Các kết luận mà ứng dụng đưa ra "hoàn toàn không chính xác""bốn trên năm người sẽ được thông báo là bình thường trong khi họ được chẩn đoán mắc bệnh cao huyết áp".

Ngày nay, hầu hết những người dùng điện thoại thông minh đều nhận thức rõ việc những ứng dụng dạng như thế này hoàn toàn không thể tin tưởng được. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người lớn tuổi sử dụng điện thoại thông minh và họ hầu như không thể nắm bắt hết toàn bộ tính năng cũng như giới hạn của chiếc điện thoại. Nếu như nó có thể nhận diện khuôn mặt thì chắc hẳn nó cũng sẽ đo huyết áp được đấy nhỉ. Không may là những người dùng lớn tuổi cũng là những người có nguy cơ mắc các tình trạng bệnh liên quan huyết áp cao nhất. Đối với họ, việc không có thông tin gì còn tốt hơn là việc nhận được thông tin sai lệch. Việc ngộ nhận về tình trạng sức khỏe của bản thân là một vấn đề rất nghiêm trọng.

Dù những ứng dụng đo huyết áp hiện nay đều là lừa đảo, nhưng trong tương lai thì mọi thứ có thể sẽ khác…

Liệu những chiếc điện thoại trong tương lai có thể đo huyết áp không?

Các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực phát triển chiếc điện thoại thông minh thành một thiết bị chăm sóc sức khỏe và các học giả tại Đại học Toronto tin rằng họ đã tìm ra cách thức đo chính xác chỉ số huyết áp bằng điện thoại. Điểm đặc biệt là phương pháp này không cần thêm bất cứ cảm biến nào trên điện thoại, thay vào đó, nó chỉ cần camera trước.

Quá trình đo được mô phỏng trực quan

Công nghệ này có tên "ảnh quang học xuyên da", nó ghi nhận ánh sáng phản xạ từ các huyết sắc tố trong máu của chúng ta sau khi xuyên qua da. Sau đó, các thuật toán sẽ đo đạc huyết áp từ sự thay đổi trong dòng chảy của máu. Sau khi thử nghiệm ứng dụng này trên hơn 1,000 trường hợp và chỉnh sửa thuật toán, các nhà nghiên cứu cho biết tỉ lệ chính xác của công nghệ này là 95%. Phần mềm này hiện vẫn chưa thể đạt độ chính xác tuyệt đối cũng như việc duy trì độ chính xác với các loại màu da khác nhau. Nhưng với sự phát triển trong tương lai, các nhà nghiên cứu hy vọng ứng dụng này sẽ sớm được phát hành rộng rãi.

Cho đến lúc đó thì tốt nhất là bạn hay gặp bác sĩ nếu cảm thấy không khỏe. Và quan trọng nhất là hãy giữ bố mẹ và ông bà của bạn tránh xa những ứng dụng lừa đảo như thế này để tránh những hậu quả đáng tiếc.

Minh Bảo

Chủ đề khác