VnReview
Hà Nội

Gần hai thập kỷ, Hàn Quốc chưa vượt qua được 'thung lũng tử thần' để bắt kịp Nhật Bản

Hàn Quốc muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào vật liệu công nghệ cao Nhật Bản, tuy nhiên việc san bằng khoảng cách hiện tại tương đối khó khăn.;

Lệnh hạn chế xuất khẩu đưa ra hồi mùa hè của Nhật đã làm Hàn Quốc rung chuyển. Nó vén màn điểm yếu của những ngành công nghiệp chủ chốt khi quá phụ thuộc vào công nghệ Nhật bấy lâu. Người ta nhắc lại những thất bại trong quá khứ khi các doanh nghiệp cố gắng tự sản xuất một số thứ thiết yếu, ví dụ khí khắc (khí ăn mòn). Việc vượt qua các rào cản để đi đến thương mại hóa sản phẩm giống như vượt qua Thung lũng Tử thần (Death Valley), chạm vào giấc mơ 'Made in Korea'. 

Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa giải quyết dứt điểm những bất đồng trong quá khứ

Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc như "nổ tung" khi giữa tháng Mười, LG Display tuyên bố có thể bản địa hóa hoàn toàn khí ăn mòn HF, rất quan trọng với hoạt động sản xuất màn hình. Nhiều người ca ngợi nó như một đột phá lớn lao của ngành công nghiệp màn hình Hàn Quốc, sau hơn 100 ngày lệnh hạn chế xuất khẩu được đưa ra. Tuy nhiên, tuyên bố "100% được sản xuất tại Hàn Quốc" cũng có thể chỉ là lời nói quá.

Sản phẩm của LG Display được đánh giá có độ tinh khiết chưa cao, vốn không chịu lệnh kiểm soát xuất khẩu của Tokyo. Công ty vốn phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu nguyên liệu từ Nhật Bản, nay đang cố cải thiện logistics địa phương. Họ đã chuẩn bị từ trước khi lệnh cấm đưa ra, xử lý HF kém tinh khiết thành khí ăn mòn ở Hàn Quốc. Và vốn loại HF này cũng được mua từ… Nhật Bản. Một nguồn tin trong ngành xác nhận: "Nó có nghĩa là việc xử lý được diễn ra ở Hàn Quốc, nhưng trước đó thì họ vẫn nhập khẩu nguyên liệu thô của Nhật".

Các công ty Hàn Quốc đang cố gắng bản địa hóa quy trình sản xuất vật liệu công nghệ cao 

Hồi tháng Tám, chính quyền Hàn Quốc đã soạn thảo một kế hoạch cực chi tiết trong tâm thế tập trung cao độ. Vạch ra chiến lược nội địa hóa 100 loại vật liệu, thành phần và thiết bị sản xuất khác nhau. Hướng tới tham vọng là thoát khỏi lệ thuộc công nghệ Nhật Bản trong vòng 5 năm tới. Chính phủ tuyên bố sẽ rót mỗi năm gần 900 triệu USD, tìm kiếm nguồn cung thay thế bắt đầu từ năm tới cho 20 mặt hàng xuất khẩu Nhật Bản, bao gồm cả những loại đang chịu lệnh hạn chế.

Mặc dù khác biệt về ngân sách dự kiến và tên các mặt hàng, nhưng kế hoạch này lại rất giống với một kế hoạch trước đó, được đề ra từ năm 2001. Thực tế, mỗi khi quan hệ căng thẳng, chính quyền Hàn Quốc lại lấy nó ra để cập nhật theo kịp tình hình. Mỗi đời tổng thống đều từng nhắc đến bản kế hoạch này, kéo dài cho đến tận bây giờ. Mặc dù thâm hụt thương mại đã giảm xuống còn 15 tỷ USD trong năm 2018 đối với vật liệu và thành phần. Nhưng với những loại đòi hỏi trình độ kỹ thuật tiên tiến, Hàn Quốc vẫn phụ thuộc nặng nề vào Nhật Bản.

Dù dẫn đầu thị trường màn hình, cả Samsung lẫn LG đều lệ thuộc vào công nghệ Nhật Bản

Câu hỏi đặt ra là đã gần hai thập kỷ kể từ khi họ đề ra bản kế hoạch lần đầu tiên, tại sao đến giờ Hàn Quốc vẫn chưa vượt qua được Thung lũng Tử thần đó?

Một quan chức hàng đầu của một nhà sản xuất đồ điện tử Hàn Quốc trả lời khá rõ ràng. "Sản phẩm từ Nhật bắt kịp cả ba khía cạnh là chất lượng, giá cả và nguồn cung ổn định", ông cho biết. "Các doanh nghiệp Hàn vẫn có thể bắt kịp ba mặt đó nếu thử. Tuy nhiên, sản phẩm của họ thường có tỉ lệ khiếm khuyết cao, hoặc giá đưa ra quá cao, vậy nên chúng tôi đành phải từ chối. Giá cả và thời gian cung ứng cũng quan trọng như chất lượng vậy".

Dù đã cố, gần hai thập kỷ trôi qua nhưng chính phủ Hàn Quốc vẫn thất bại trong việc thoát khoi "xiềng xích" công nghệ Nhật Bản

Yun Jong-yong, cựu phó chủ tịch của Samsung Electronics, nói rằng: "Có một rào cản rõ ràng giữa nghiên cứu và phát triển với giai đoạn thương mại hóa. Hàn Quốc gặp khó để vượt qua rào cản này. Nhật Bản có trình độ chuyên môn cao trong hoạt động sản xuất. Khi gián đoạn, họ sẽ làm mọi cách để có thể cung ứng trở lại sớm nhất". Chúng ta có thể thấy rõ tinh thần làm việc đó mỗi khi Nhật Bản hứng chịu sóng thần, động đất. Họ luôn tập trung khắc phục sự cố và đưa công việc trở lại trong thời gian ngắn nhất.

Lần này, chính quyền Hàn Quốc có quyết tâm cao hơn, họ sẽ "tất tay". Không còn những lời hứa hỗ trợ về mặt công nghệ nữa, họ buộc các tập đoàn hàng đầu như Samsung, Hyundai phải mua sắm từ các nhà cung cấp tầm trung. Đầu tháng Mười, Samsung đã phải ký một biên bản ghi nhớ hợp tác và mua sắm với một doanh nghiệp theo kiểu như vậy, tại đó cũng có sự góp mặt của tổng thống Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc ép Samsung và Huyndai phải hợp tác với các doanh nghiệp địa phương

Dù bị thúc ép, sự thật là doanh nghiệp Hàn đều miễn cưỡng chiều lòng chính phủ. Họ vẫn thích làm việc với các đối tác Nhật Bản hơn. Dù nhận thức được sự phụ thuộc vào công nghệ Nhật là nguy hiểm, có thể gây gián đoạn sản xuất bất kỳ khi nào có căng thẳng ngoại giao, nhưng doanh nghiệp Hàn Quốc không có nhiều thời gian "thảnh thơi hưởng thụ" để chờ đợi các nhà cung ứng địa phương.

"Kế hoạch của chúng tôi là mua sắm những mặt hàng có chất lượng cao nhất, với các điều khoản thuận lợi nhất". "Sản xuất ở quy mô nội địa đi ngược lại logic kinh tế thông thường. Nhật Bản vẫn là nơi lý tưởng để làm việc đó". Đó là những ý kiến của các giám đốc về tham vọng của chính phủ Hàn Quốc. Vượt qua Thung lũng Tử thần để hiện thực hóa giấc mơ 'Made in Korea' không đơn giản như họ hình dung. 

Ambitious Man

Chủ đề khác