VnReview
Hà Nội

Android 10 chính thức khai tử phím menu với các ứng dụng lỗi thời

Với Android 10, tùy chọn Menu trên các ứng dụng lỗi thời sẽ bị loại bỏ, người dùng bắt buộc sẽ phải lựa chọn một ứng dụng mới hơn để thay thế.

Rất nhiều người trong chúng ta đã từng có một thời gắn bó với điện thoại Android từ những phiên bản Froyo (2.2) hay Gingerbread (2.3). Những chiếc smartphone Android thời kỳ đầu được trang bị các phím cứng vật lý để điều hướng UI, gồm các nút Back, Menu, Home và Search. Trong những năm tiếp theo, nhu cầu về một thiết bị tối giản nút vật lý đã khiến các nhà sản xuất dần dần loại bỏ chúng và thay vào đó là phím điều hướng cảm ứng điện dung ẩn trong màn hình. Trải qua qua nhiều phiên bản Android khác nhau, hệ thống menu điều hướng ngày càng được hoàn thiện mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Android 3.0 Honeycomb ra mắt, làm tiền đề để các nhà sản xuất máy tính bảng bắt đầu áp dụng các nút điều hướng điện dung trong màn hình thay vì sử dụng các nút vật lý, và Action Bar là giải pháp hiệu quả để có thể thực hiện các thao tác tùy chọn từ người dùng hiển thị ngay lập tức và nhanh chóng. Đồng thời những ý tưởng về phím Menu cũng dẫn đến việc ra đời của Action Overflow, một menu con nằm riêng phía trên cùng của ứng dụng giúp gọi ra các tùy chọn phụ trợ bên cạnh các phím điều hướng căn bản. Đồng thời, Homneycomb cũng là phiên bản Android đầu tiên có sự xuất hiện của Recent Apps dành cho máy tính bảng, thứ mà sau này đã được mang lên smartphone với Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Từ đây trở đi, cụm phím điều hướng mang tính biểu tượng bao gồm Back, Home và Recent Apps, menu/ Action Overflow chuyển lên phía trên Action Bar và Search bị loại bỏ.

Menu rời hiển thị phía trên ứng dụng phần nào gây ra khó khăn cho các nhà phát triển khi họ phải lựa chọn các thiết kế giao diện người dùng tệ hại, vô tình tạo ra những bất cẩn đối với những hành động sẽ hiển thị trên màn hình và những gì sẽ có trong menu. Thế nhưng, trong tiềm thức người dùng, họ mong muốn có chút gì đó hữu dụng trong menu, tuy nhiên cuối cùng lại là những tính năng không mong muốn và thừa thãi. Vì vậy Action Bar được tạo ra để mang lại sự thống nhất về thiết kế hơn khi yêu cầu các nhà phát triển hiển thị các thao tác trực tiếp trên Action Bar hoặc thiết lập các nút tùy chọn nằm đâu đó trên màn hình, trong trường hợp không còn lựa chọn nào khác, thì mới bỏ chúng vào Action Overflow.

Một vấn đề mới phát sinh, khi nhiều ứng dụng hỗ trợ Android 2.3 Gingerbread trở về trước chưa thể cập nhật để hiển thị nút menu trên màn hình, vì vậy nhiều người dùng không có cách nào để truy cập được vào menu ứng dụng. Để khắc phục tình trạng này, Google đã tích hợp thêm một nút Action Overflow/Menu ngay bên cạnh tổ hợp phím điều hướng để hỗ trợ các ứng dụng chạy Android 2.3 và cũ hơn.

Cấu trúc cụm phím điều hướng và menu này đã được giữ nguyên từ phiên bản Android 3.0 Honeycomb cho đến Android 9 Pie. Nhưng từ Android 10 trở đi, Google sẽ chính thức loại bỏ nút menu đối với những ứng dụng tương thích Android 2.3 trở về trước.

Quyết định này sẽ gây ảnh hưởng đến một số ít người dùng, những ai vẫn đang sử dụng các ứng dụng đã quá cũ kỹ và ngưng hỗ trợ từ lâu. Nếu bạn đột nhiên phát hiện ra rằng một trong những ứng dụng yêu thích của mình không còn hiển thị menu nữa, thì có lẽ đã đến lúc bạn nên cân nhắc loại bỏ nó đi và lựa chọn một ứng dụng thay thế mới và tốt hơn.

Quang Minh (nguồn XDA)

Chủ đề khác