VnReview
Hà Nội

Cựu thủy quân lục chiến trải lòng: Công nghệ không giúp Mỹ "tốt đẹp hơn" trong chiến tranh

Một cựu thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng công nghệ khiến việc chiến đấu dễ dàng hơn, nhưng nó trở nên nguy hiểm hơn vì công nghệ làm thay đổi bản chất của cuộc chiến.

Bài viết của tác giả Anthony Swofford, cựu thủy quân lục chiến Mỹ, chia sẻ về cuộc đời ông được đăng tải trên trang MIT Technology Review. VnReview xin gửi tới bạn đọc bản dịch của bài viết này.

Ngay khi bước sang tuổi 18, tôi gia nhập lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và họ đã huấn luyện tôi cách sống, cách suy nghĩ và hoạt động để trở thành một trong những người nguy hiểm nhất sinh sống trên Trái Đất này. Họ biến tôi từ một thằng nhóc người Mỹ thành một cỗ máy chiến đấu hoàn hảo thông qua các quá trình khoa học về đào tạo tâm lý, nâng cao thể chất và tạo ra quy chuẩn đạo đức mới trong tôi. Sau 10 tháng huấn luyện, tôi được phân công vào một trung đoàn bộ binh. Tôi tham chiến với một cơ thể và một linh hồn mới, chúng không chỉ giúp tôi sẵn sàng mà còn khiến tôi khao khát được tham gia vào các cuộc chiến hơn. Tôi dần hiểu được cách mà một cỗ máy chiến tranh hoàn hảo nhìn nhận, lắng nghe và cảm giác như thế nào. Tôi đã trở thành một cỗ máy chiến đấu.

Swofford vào tháng 01/1991 ở trụ sở Sư đoàn thủy quân lục chiến 1 đóng quân tại Ả Rập Saudi.

Khả năng giết người của tôi tăng dần theo mỗi lần thăng chức: từ một tay bắn súng trường cho đến đội 4 người, tiểu đội, trung đội, đại đội, rồi thành một tiểu đoàn. Mỗi lần, thêm một người mới, thêm một tên khát máu, sát thương lớn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn và nhiều công nghệ hơn giúp hạ gục nhiều kẻ thù hơn. Khi số lượng quân càng ngày càng lớn thì càng không có thời gian để ngừng nhiệm vụ lại và xem xét vấn đề giết chóc có chính đáng hay đúng đạo đức không: việc giết chóc đã là một phần của công việc.

Mỗi thế hệ quân đội Mỹ đều được trang bị nhiều thiết bị mới rất tuyệt vời để phục vụ chiến tranh. Ai lại không muốn sử dụng những vũ khí mới? Những người phát triển vũ khí trở nên giàu có nhanh chóng bằng việc huấn luyện quân đội và giúp triển khai các công nghệ mới nhất. Các công nghệ này thường được đặt tên rất hấp dẫn và phù hợp với khả năng sát thương trên diện rộng như MOAB (Mother of all Bombs), Fat Man, Hellfire, Sidewinder…

Trong chiến dịch Lá chắn Sa mạc, khẩu súng trường bắn tỉa Barrett bán tự động với cỡ nòng .50 xuất hiện trên khắp các sa mạc của Ả Rập Saudi, cũng là nơi tôi cùng tiểu đoàn của mình và 10 ngàn quân Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc chiến với Iraq. Vào thời điểm đó, quân đội chỉ đang sử dụng khoảng vài chục loại vũ khí, tôi cùng một đồng đội nữa trong đội bắn tỉa được chọn để thực nghiệm khẩu Barrett trên chiến trường lần đầu tiên.

Một buổi lễ đã được tổ chức với bầu không khí vui tươi tại vùng đất sa mạc này. Nhiều sĩ quan cấp sư đoàn đã trực tiếp đến để xem chúng tôi tập luyện. Chúng tôi còn được phục vụ ba bữa một ngày. Đến tối thì chúng tôi nhóm một đống lửa to và ngồi thảo luận về cuộc chiến đang chờ chực xảy ra sắp tới.

"Chúng tôi sử dụng công nghệ để gia tăng sự cách biệt về đạo đức; vì vậy số người chết sẽ tăng lên".

Đồng đội của tôi, Johnny, là một xạ thủ cấp sư đoàn, được huấn luyện bài bản và thật sự mà nói anh ta bắn tốt hơn tôi nhiều. Với khẩu Barrett, chúng tôi đều có thể bắn trúng bia ở khoảng cách 1.500m đến 1.700m. Những phát đạn bắn ra rất dễ dàng và đầy thích thú. Với món quà này, khả năng tiêu diệt kẻ thù từ trong bóng tối tăng lên cả nghìn mét. Công ước Geneva cấm việc sử dụng vũ khí có cỡ nòng .50 trở lên vào mục tiêu con người, vì vậy lý do chính thức của việc cho phép chúng tôi sử dụng nó là ngăn chặn phương tiện của quân địch. Nhưng điều mà ai cũng biết là cách tốt nhất để dừng một chiếc xe là giết tài xế. Các công nghệ hiện đại đã chứng minh điều đó, và chúng tôi tin vào công nghệ.

Nếu có cơ hội, tôi vẫn sẽ chọn sử dụng Barrett trên con người. Đặc biệt là nhắm vào đầu. Mỗi đêm, khi nằm ngủ dưới chiếc Humvee, tôi đều mơ về một nhóm quân Iraq đi vào phạm vi của mình. Johnny là hoa tiêu, còn tôi sẽ phụ trách khẩu Barret. Tôi ngắm vào đầu của tên tài xế trên chiếc xe đầu tiên từ một khoảng cách đáng sợ và sau đó là thêm một vài mạng nữa. Trên lý thuyết và cả trong những giấc mơ thì công nghệ trên khẩu Barrett có thể giúp tôi nâng cao khả năng bắn tỉa hơn nữa, và cả trên mặt đạo đức.

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng việc sử dụng lính thủy đánh bộ hay lính bộ binh với những cây súng trường đã lỗi thời. Cuộc đua công nghệ vũ khí đang diến ra nhắm đến những loại vũ khí có khả năng giết người với ít sự tham gia của con người nhất, từ đó giải phóng con người khỏi mặt đạo đức và khả năng bị thương, để có thể dành được tài trợ từ DARPA. Các công ty khởi nghiệp tư nhân đang hướng đến một loại vũ khí sử dụng AI hay những người lính robot. Trong phòng thí nghiệm, nơi những cỗ máy chiến tranh mới nhất được chế tạo ra, những câu chuyện được bàn bạc không còn là vấn đề đạo đức, mà là về cách để chiến thắng. Những khi chúng ta dựa vào công nghệ và khoảng cách tấn công để tiến hành một cuộc chiến dễ dàng, thì đất nước của bạn sẽ mất đi sức sống.

"Chúng ta sẽ gặp kẻ thù tại nơi chúng ta yếu đuối nhất", một phi công từng nói với tôi. Ở Việt Nam, những chiếc oanh tạc cơ hiện đại của Mỹ đã bị miền Bắc Việt Nam phục kích chỉ với những chiếc tiêm kích cổ lỗ sỉ MiGs của Nga. Đáng lý ra chúng ta không mất nhiều máy bay và phi công như vậy.

Tại Afghnistan, suốt 18 năm, chúng tôi biết rằng Taliban, al Qaeda và ISIS không thường xuyên xuất hiện trên chiến trường. Những thiết bị quân sự hiện đại của lịch sử thế giới không thể giành chiến thắng trước những nhóm nhỏ phiến quân sử dụng súng phóng lựu, tên lửa vác vai cũng những chiến thuật du kích cơ bản. Mỹ hầu như không thể xác định chính xác vị trí kẻ thù dù sử dụng hệ thống giám sát vệ tinh và máy bay không người lái trị giá hàng tỷ đô. Chúng tôi chỉ tìm được kẻ thù nhờ vào may mắn hoặc bằng một ít tiền cho già làng. "Công nghệ giấy" muôn năm.

Trung đội của Swofford vào tháng 4/1991 tại Ả Rập Saudi. Tác giả ngồi ở hàng đầu, thứ ba từ bên trái sang. Trung sĩ Johnny (tham gia huấn luyện cùng tác giả) ngồi hàng đầu, thứ hai từ bên trái sang.

Tuy nhiên, hệ thống vũ khí tinh vi cũng có nhược điểm của nó: mục tiêu phải lộ diện trong phạm vi hoạt động của chúng. Mà một chiến binh thông minh thì chẳng bao giờ dễ dàng bị lộ vị trí. Vì vậy, để tiêu diệt kẻ thù, chúng tôi đã sử dụng một chiếc máy bay chiến đấu trị giá 30 triệu USD ném một quả JDAM (bom tấn công trực diện phối hợp) và tiêu diệt khoảng chục mạng sống trong mấy cái lều bên dưới máy bay. Công nghệ 30 triệu USD mang lại lợi ích gì? Là một phi công được huấn luyện kỹ càng (và tốn kém nữa) lái một chiếc máy bay chiến đấu xinh đẹp với khả năng tiêu diệt vài chục mạng người sống dưới những cái lều thô sơ với các loại vũ khí nhỏ. Phi công sẽ quay về căn cứ sau nhiệm vụ, tắm táp một chút, một bữa ăn nóng hổi, gọi điện về cho vợ con, chơi một vài trò chơi điện tử và tập thể hình. Họ sẽ không mảy may suy nghĩ hay bị chất vấn về chục mạng người vừa bị tước đoạt vài tiếng trước. Và bên dưới những tán cây ngoài kia, nơi viên phi công nọ ném bom, những nhóm người chỉ có một cuộc sống tạm bợ với cơm và có thể là một ít thịt nướng. Và vào sáng hôm sau, họ sẽ phục kích một đoàn xe của Mỹ hoặc một ngôi làng thân chính phủ nào đó. Sự tồn tại của lực lượng này chính là một vết nhơ đối với quân đội tinh nhuệ và trang bị tận răng của Mỹ. Những tên phiến quân đã chiến thắng cuộc chiến này.

Hãy thử tưởng tượng sự kiện 9/11 đi kèm với một cuộc tấn công mặt đất với năng lực công nghệ tiên tiến hơn. Hay khi thành phố của bạn bị chiếm đóng, bạn phải chiến đấu chỉ với gạch đá, súng trường và bom tự chế. Cuộc khủng bố 9/11 đã kích hoạt một lực lượng của Mỹ đã không hoạt động hàng thập kỷ: lực lượng an ninh nội địa. Nhưng kể từ Thế chiến thứ 2 kết thúc, dù là thật hay tin được tung ra vì mục đích chính trị, thì quân đội Mỹ chưa thật sự có một chiến thắng nào ở nước ngoài.

Sự thật là rất khó để xác định ranh giới đạo đức và sự khát vọng bảo vệ một khu đồn trú quân sự của Mỹ ở nước ngoài khỏi các mối đe dọa bên ngoài hàng rào lưới. Quân địch sẽ tấn công vào điểm yếu của chúng tôi và điểm yếu đó nằm ngay trong một nhóm binh lính của Afghanistan khi bị binh sĩ bên Taliban trà trộn vào. Bố hay anh trai của anh ta đã chết trong đợt ném bom kia, hoặc cũng có thể là trận ném bom năm ngoái, cũng có thể là từ 15 năm trước. Bên trong hàng rào của khu căn cứ, chúng tôi vẫn nghĩ là mình an toàn và đủ mạnh để chống lại kẻ thù, nhưng thực tế chúng tôi lại rất yếu đuối vì thiếu kinh nghiệm để sinh tồn ở nơi này. Tên lính Taliban với khẩu AK-47 và 30 viên đạn đã giết được một vài nhân viên ở đây, có cả binh lính, đặc vụ CIA, nhà thầu quân sự và một vài binh sĩ của Afghanistan.

Chúng tôi không thể ngăn chặn cuộc tấn công này vì nó không được đưa vào nghiên cứu trong phòng thì nghiệm vũ khí được tài trợ bởi DARPA; nó được hình thành từ những ngọn núi, từ những ngôi làng hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi. Ý chí phục thù đã ăn sâu vào những chiến binh trẻ tuổi của vùng đất này, nó hiện hữu trong từng mảnh đất, từng cơn mưa và cả những cánh đồng tại quê hương của họ. Những đoàn quân cùng đống vũ khí chết người đã giết hại đồng bào của họ trong nhiều thập kỷ, thậm chí là hàng thế kỷ. Chúng tôi sẽ không bao giờ có thể chế tạo ra thứ công nghệ để có thể giành chiến thắng trên vùng đất của người dân nơi này và chỉ thuộc về họ.

Ở một khía cạnh khác, chiến tranh là một cuộc kinh doanh. Và con người thì rất phức tạp. Con người quá mỏng manh, cơ thể con người dễ dàng bị tổn thương và ngừng hoạt động trước những công nghệ vũ khí tối tân nhất. Thực tế rằng số lượng thương vong cả về dân sinh và binh lính đều không thay đổi dù có công nghệ hiện đại tới đâu đi nữa, vì mục đích của chúng vẫn là nhắm vào con người.

Tham vọng tạo ra các loại vũ khí phòng thủ tiên tiến xuất phát từ chính nhu cầu trốn tránh trách nhiệm về đạo đức và xã hội khi cả người dân và chính phủ lao vào một cuộc chiến. Vấn đề không nằm ở những công nghệ mới nhất như máy bay không người lái, bộ giáp gia cố khung xương hay đạn bắn tỉa dẫn đường. Mà vấn đề nằm ở chỗ những công nghệ vũ khí mới này được tung hô là tuyệt vời trong việc giảm thiểu tính sát thương của một cuộc chiến tranh. Từ đó làm cho chúng ta không còn màng đến các vấn đề mấu chốt như chúng ta sẽ chiến đấu như thế nào, khi nào và hơn hết là lý do chúng ta làm điều này.

Bài viết này không nhằm mục đích chống lại sự phát triển của con người và công nghệ. Tôi không hề có suy nghĩ rằng chiến tranh chỉ có thể chiến thắng nhờ những người lính. Tuy nhiên, sau cùng thì tất cả các cuộc chiến đều phải chiến thắng nhờ những người lính trên chiến trận. Vấn đề không nằm ở công nghệ, mà là nằm ở sự quảng bá không rõ ràng về những loại vũ khí công nghệ cao. Nếu cuộc chiến xảy ra và chúng ta có thể chống trả chỉ bằng cách vuốt vuốt trên điện thoại như đang đăng ảnh lên Instagram hay mua hàng trực tuyến, bạn hãy thử tưởng tượng xem những cuộc chiến này sẽ tồi tệ đến mức nào? Và nếu một chính trị gia bị mờ mắt trước những lời dối trá về khả năng của vũ khí công nghệ mới và dẫn đến những cuộc xung đột sai lầm, liệu đó hoàn toàn là lỗi của chính trị gia đó? Có phải chúng ta đều cho rằng những cuộc chiến tranh chỉ diễn ra trong chớp mắt?

Quy chuẩn đạo đức mới do xã hội tạo ra từ việc giết chóc sẽ làm gia tăng sự giết chóc. Chúng ta cho phép công nghệ gia tăng cách biệt về đạo đức, do đó, công nghệ cũng làm gia tăng số người chết. Trong các cuộc chiến hiện nay, số thường dân chết luôn nhiều hơn số binh sĩ chết, chính vì vậy, công nghệ làm tăng khả năng quân đội giết hại dân thường trong các cuộc chiến trên toàn thế giới.

Những người gần nhất với việc giết người, thường là lính bộ binh hoặc các lực lượng đặc biệt, là những người thường xuyên gặp vấn đề về tâm thần và cắn rứt lương tâm từ hoạt động trong các cuộc chiến. Các binh sĩ hiểu được rằng việc họ giết chóc trong trận chiến không hoàn toàn được hậu thuẫn bởi các quy chuẩn đạo đức xã hội, họ nghi ngờ mọi quyết định được đưa ra trong trận chiến. Họ cũng đặt nghi vấn về ý nghĩa của cuộc chiến mà họ tham gia. Họ đếm số đồng đội của mình bị thiệt mạng có thể lên đến hai bàn tay. Họ đếm số nạn nhân của mình, năm người, mười người hay thậm chí là vài chục mạng người. Bài toán về đạo đức sẽ không thể áp dụng trong trường hợp này.

Những tấm hình hay thước phim về các cuộc chiến trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày nay không thể cho người xem biết chính xác về sự biến đổi về mặt đạo đức trong mỗi người lính tham gia chiến trận. Những người lính hiểu rằng khi một đồng đội ngã xuống khi làm nhiệm vụ, đó cũng chỉ là một chỗ trống trong nhóm. Ngày mai sẽ có một người khác vào thế chỗ. Nhưng khi bạn sống và hoạt động lâu trong một môi trường đầy tính thù địch, lòng căm hận quân địch sẽ ngày càng tăng và lòng tin vào chỉ huy của mình sẽ giảm xuống. Bạn sẽ tự tạo ra vết thương trong chính lương tâm của mình.

Nhờ có các loại vũ khí công nghệ cao thì lẽ ra những cuộc chiến phải diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Nhưng trái lại, nó hoàn toàn vô dụng khi nhiều năm sau bạn vẫn nhìn thấy người chết, cả phụ nữ lẫn trẻ em, mỗi khi nhắm mắt vào mỗi tối.

Khi chúng tôi tin vào việc có thể số hóa chiến tranh, giảm thiểu số lượng người tham gia vào các cuộc chiến hay một bộ giáp sẽ giúp binh sĩ mạnh hơn, tốt hơn, nhanh hơn và an toàn hơn, nhưng không một ai có thể đảm bảo những điều này trong các cuộc chiến trên thực tế. Những lời giả tạo kia cho rằng công nghệ sẽ cứu sống đồng minh, người dân và cả mạng sống của quân địch, nhưng những lời này chỉ mang lại lợi ích cho giới chính trị gia và các công ty sống nhờ vào những cuộc chiến. Việc suy nghĩ rằng công nghệ sẽ giúp ngăn chặn chiến tranh hay thậm chí là giúp cuộc chiến nhân đạo hơn là sự lạm dụng thô thiển tư duy khoa học.

Minh Bảo (Theo Technology Review)

Chủ đề khác