VnReview
Hà Nội

Trung Quốc chính thức “quét khuôn mặt” khi đăng ký dịch vụ viễn thông

Hôm qua (1/12), Trung Quốc chính thức đưa ra quy định mới yêu cầu tất cả mọi người phải quét khuôn mặt khi đăng ký dịch vụ điện thoại di động, do các chuyên gia và thậm chí cả các phương tiện truyền thông lo ngại vẫn chưa có biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của người dân.

>> Người Trung Quốc bắt đầu sợ nhận dạng khuôn mặt

Công nghệ quét khuôn mặt đã chính thức được áp dụng khi công dân Trung Quốc đăng ký các dịch vụ di động

Theo báo South China Morning Post, yêu cầu quét khuôn mặt này được Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin công bố vào tháng 9. Trước khi có yêu cầu này, người dân đăng ký dịch vụ điện thoại di động chỉ phải cung cấp một bản sao thẻ chứng minh nhân dân.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết biện pháp mới sẽ giúp ngăn chặn hành vi bán lại SIM và bảo vệ mọi người khỏi việc vô tình đăng ký các dịch vụ điện thoại trong trường hợp danh tính của họ bị đánh cắp.

Nhiều dịch vụ trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội ở Trung Quốc gắn với số điện thoại di động để đảm bảo chính quyền có thể theo dõi người dùng.

Một số người nói rằng các nhà khai thác viễn thông đã bắt đầu quét khuôn mặt người dùng trước khi chính sách ra mắt chính thức. Họ hy vọng các biện pháp mới sẽ giúp giảm gian lận viễn thông và lừa đảo qua điện thoại, trong khi những người khác nói đó chỉ là một ví dụ khác về việc chính phủ tăng cường giám sát công dân.

Hôm thứ Năm, Bắc Kinh đã cùng khoảng một chục thành phố trên khắp Trung Quốc sử dụng các hệ thống nhận dạng khuôn mặt trên mạng lưới đường sắt ngầm. Công nghệ này cũng đã được sử dụng cho nhiều ứng dụng thương mại và các bộ phận an ninh công cộng.

Một số chuyên gia lo ngại rằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang được sử dụng tràn lan mà không có biện pháp bảo vệ thích hợp.

Lao Dongyan, giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa, cho biết Trung Quốc không có luật bao quát về các công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

"Dữ liệu cá nhân chỉ được bảo vệ trong luật hình sự là chưa đủ", bà nói tại một hội nghị chuyên đề về nhận dạng khuôn mặt và bảo vệ quyền riêng tư ở Bắc Kinh vào tuần trước.

"Hầu hết chúng tôi không biết dữ liệu của mình đang được thu thập và việc lưu trữ và sử dụng dữ liệu có theo yêu cầu pháp lý hay không".

"Theo luật pháp và quy định của Trung Quốc, khi thu thập dữ liệu cá nhân cần có sự đồng ý của cá nhân, nhưng trên thực tế, các công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng rộng rãi trong khi công chúng hiếm khi biết về chúng".

Tháng trước, một giáo sư luật ở tỉnh Chiết Giang, người chuyên mua thẻ thông hành hàng năm cho công viên động vật hoang dã, đã kiện chính quyền công viên vì vi phạm hợp đồng, sau khi công viên thay thế hệ thống nhập cảnh dựa trên dấu vân tay bằng một thiết bị nhận dạng khuôn mặt.

Một thông tin trên đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết nhiều ứng dụng ở Trung Quốc đã thu thập dữ liệu khuôn mặt của mọi người mà không có thỏa thuận người dùng.

Đã có trường hợp, hơn 5.000 dữ liệu khuôn mặt được bán trực tuyến chỉ với giá 10 nhân dân tệ (1,40 USD). Báo People Daily đã đưa ra bình luận nói rằng mọi người nên có quyền "nói không" khi được yêu cầu quét khuôn mặt.

"Ngoài ra, việc sử dụng sai dữ liệu được thu thập hợp pháp cũng có thể là một mối đe dọa lớn hơn, nhưng chúng ta không có quy định về việc lạm dụng dữ liệu trong luật hình sự", giáo sư Lao Dongyan nói.

Nhưng ngay cả khi có luật pháp bảo vệ dữ liệu khuôn mặt của người dân, một số chuyên gia pháp lý cho rằng luật pháp cũng không ngăn chặn được nguy cơ thông tin cá nhân bị lạm dụng.

"Một khi công nghệ này được sử dụng trên quy mô lớn, chúng sẽ gây ra nhiều hệ lụy", Philip Xinrui, một luật sư ở Bắc Kinh nói. "Nguy cơ của các công nghệ nhận dạng khuôn mặt là rất cao và sâu rộng".

Hoàng Lan

Chủ đề khác