VnReview
Hà Nội

Sự thiếu chuyên nghiệp của Philippines tạo lợi thế cho U22 Campuchia có thể đánh bại Việt Nam

Ở Philippines, bóng đá không phải môn thể thao được yêu thích nhất. Vậy nên, khi tổ chức Sea Games 30 họ không thể có cơ sở vật chất tốt cho môn thể thao này.

Những người yêu bóng đá Việt Nam có lẽ không thể nào quên được kỳ Sea Games 23 (năm 2005) diễn ra ở Philippines. Đó là kỳ Đại hội chứng kiến một trong những vụ tiêu cực lớn nhất lịch sử bóng đá nước nhà, cướp đi một 'thế hệ vàng' tài năng bậc nhất từ trước đến nay của chúng ta. Từ đó, những Lê Bật Hiếu, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm... phải chịu những án phạt của pháp luật và sau đó chẳng thể trở lại đỉnh cao phong độ được nữa.

Nhưng kỳ Sea Games 23 cũng chứng kiến một trong những vụ 'đày đọa' bộ môn bóng đá nam nổi tiếng bậc nhất lịch sử của Đại hội thể thao Đông Nam Á. Philippines tổ chức môn thể thao này ở Bacolod - nơi duy nhất thời đó phát triển bóng đá ở nước này và cũng là nơi có sân cỏ duy nhất tại đây đủ tiêu chuẩn để tổ chức các trận bóng đá mang tính chuyên nghiệp.

Nói là vậy nhưng SVĐ Panaad ở Bacolod cũng chỉ có hơn 9.000 chỗ ngồi, bao phủ quanh đó là 60.000 cây cao su và thậm chí cũng chẳng đạt tiêu chuẩn Đông Nam Á. Đồng thời, ở quanh Bacolod cũng chẳng có sân nào khác đủ tiêu chuẩn ngoài Panaad để làm sân bóng đá cho Sea Games. Ban tổ chức thời đó đã nâng cấp một sân bóng cực xấu, không có hàng rào, mặt cỏ không khác gì SVĐ cấp làng để các đội đá với nhau khi lịch trùng giờ với các trận trên sân Panaad.

Đến năm 2014, khi mà với chính sách nhập tịch cầu thủ giúp bóng đá Philippines có những tiến bộ vượt bậc thì nước này mới có giải chuyên nghiệp đầu tiên. Nhờ đó, kỳ Sea Games 30 lần này, họ có 2 sân cỏ nhân tạo xung quanh Manila là Binan và Rizal để tổ chức giải đấu. Tuy nhiên, 2 sân này cũng không đủ tiêu chuẩn để tổ chức các trận đấu lớn mà phải cải tạo nâng cấp và đến sát ngày tổ chức mới tạm xong. Tạm bỏ qua những bất cập đó thì việc thi đấu trên sân cỏ nhân tạo là rất khó khăn cho các cầu thủ trong khu vực - đã quen ăn tập từ nhỏ với sân cỏ tự nhiên.

Cần phải biết rằng, cầu thủ đã quen thi đấu trên sân cỏ tự nhiên khi thi đấu trên sân cỏ nhân tạo rất dễ bị chấn thương vì mặt sân quá cứng, lực phản xạ từ mặt sân đến cầu thủ trong những pha va chạm cũng lớn hơn. Điều này đã được cảnh báo từ khi giải chưa bắt đầu và đến khi tuyển U22 Việt Nam liên tiếp gặp phải chấn thương thì chúng ta mới được kiểm chứng. Đặc biệt với những đội bóng có lối chơi kỹ thuật thì chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo chẳng khác nào hành xác bởi mặt sân cứng không chỉ dễ bị chấn thương mà chất lượng đường chuyền cũng không giống như sân cỏ.

Phần lớn các nước ở Đông Nam Á quen với việc thi đấu trên sân cỏ tự nhiên trừ 2 quốc gia đó là chủ nhà Philippines và đối thủ của chúng ta ở bán kết: Campuchia. Nhiều người bất ngờ với kỳ tích của bóng đá 'xứ sở chùa tháp' ở Sea Games lần này. Nó đến từ quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng của đội bóng này nhưng cũng không thể không kể đến việc họ quá quen thuộc với mặt sân cỏ nhân tạo.

Cần phải biết rằng rất nhiều sân bóng ở Campuchia được xây dựng và thi công với mặt cỏ nhân tạo. Đến SVĐ quốc gia Olympic nằm tại Phnom Penh (thủ đô Campuchia) với sức chứa hơn 50.000 chỗ ngồi cũng được rải mặt cỏ nhân tạo. Rất nhiều đội bóng khi đến thi đấu trên SVĐ này đã tỏ ra e ngại về chất lượng mặt sân.

Đội tuyển quốc gia Việt Nam khi đến đây thi đấu vào năm 2017 trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup cũng đã gặp phải muôn vàn khó khăn và chỉ có được chiến thắng 2 - 1. Không lâu sau đó, chúng ta tiếp Campuchia trên sân nhà Mỹ Đình và đè bẹp đối thủ với tỷ số 5 - 0. Hai trận đấu kể trên diễn ra cách nhau chỉ một thời gian ngắn và chứng minh được rằng thi đấu trên sân cỏ tự nhiên dễ dàng hơn rất nhiều so với sân cỏ nhân tạo.

Thi đấu trên sân cỏ nhân tạo tại Sea Games 30 là bất lợi chung của nhiều đội nhưng là lợi thế riêng của Campuchia. Họ không ngại va chạm, chất lượng những đường chuyền cũng chuẩn xác hơn bởi đã ăn tập trên những mặt sân như vậy từ nhỏ. Trong trận đấu ngày mai (7/12), chắc chắn các cầu thủ U22 Campuchia sẽ thi đấu rất mãnh liệt, mạnh mẽ, dứt khoát một phần bởi được nghỉ nhiều hơn chúng ta 1 ngày, và phần khác đến từ việc được chạy trên mặt cỏ nhân tạo. Những cầu thủ U22 Việt Nam vốn đã rất mệt mỏi vì đá với tần suất dày đặc ở Sea Games 30 sẽ cực kỳ ngại va chạm. Điều đó nhiều khả năng sẽ là mấu chốt của vấn đề trong trận đấu bán kết 2 của Sea Games 30 bởi khi những đôi chân đã mệt mỏi thì đẳng cấp dù cao hơn bao nhiêu cũng chưa chắc đã vượt trội đối thủ.

Cuộc chạm trán giữa U22 Việt Nam và U22 Campuchia trong khuôn khổ bán kết môn bóng đá nam của Sea Games 30 chắc chắn yếu tố 'nhân hòa' đang thuộc về Việt Nam bởi chúng ta có những cầu thủ chất lượng hơn đội bạn. Tuy nhiên, Campuchia cũng có yếu tố 'địa lợi' bởi được nghỉ nhiều hơn 1 ngày và thi đấu trên mặt sân cỏ nhân tạo quen thuộc. Còn lại, yếu tố 'thiên thời' thì cả 2 đội đều đang mong muốn có được. Điều này chắc chắn sẽ tạo nên một trận bán kết đầy máu lửa, căng thẳng và khó đoán biết.

T.T

Chủ đề khác