VnReview
Hà Nội

Thời điểm nào bắt đầu có chị em nghỉ hưu ở tuổi 60?

Tiến tới, tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ có thể cân bằng nhau

Như đã thông tin, Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội thông qua hồi cuối tháng 11 với 17 chương, 220 điều. Theo đó, Quốc hội đã quyết định tăng độ tuổi nghỉ hưu theo phương án tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028, và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Cụ thể, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Tới năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Hình minh họa

Điều này có nghĩa đến năm 2028, tức là 9 năm nữa, mới có người lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 62, và đến năm 2035 mới có người lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở tuổi 60. Như vậy, nam giới sinh năm 1966 trở đi và nữ giới sinh năm 1975 trở đi sẽ là những lao động đầu tiên nghỉ hưu khi đủ 62 và 60 tuổi theo quy định mới.

Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.... có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn. Lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao được nghỉ hưu muộn hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.

Điểm mới đáng lư ý của luật là người lao động sẽ có thêm một ngày nghỉ lễ trong năm, là ngày liền trước hoặc sau dịp Quốc khánh 2/9. Như vậy, người lao động sẽ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết gồm: Tết Dương lịch 1 ngày; Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày 30/4; Ngày 1/5; Quốc khánh nghỉ 2 ngày; Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày...

Bộ luật Lao động cũng quy định doanh nghiệp chỉ được sử dụng lao động làm thêm giờ khi có sự đồng ý. Số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường mỗi ngày. Nếu doanh nghiệp tính giờ làm việc theo tuần, tổng số giờ làm việc và làm thêm không quá 12 giờ/ngày; không quá 40 giờ/tháng.

Bộ luật cũng nêu rõ, doanh nghiệp đảm bảo giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ mỗi năm và chỉ có một số ngành, nghề được làm thêm đến 300 giờ/năm. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh.

Quy định bổ sung trong Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực từ năm 2021 cho phép người lao động (nhân viên) được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước nếu người sử dụng lao động (thường gọi là sếp) có lời nói, hành vi nhục mạ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự với người lao động.

Đây là quy định mới so với điều kiện để người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn tại Bộ luật lao động năm 2012.

Bộ luật lao động (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021.

K.N;(th)

Chủ đề khác