VnReview
Hà Nội

Vì sao đến giờ xe máy vẫn 'vô tư' xả khí thải ô nhiễm ra môi trường?

Dù xe máy tạo ra lượng khí thải rất lớn và gây ô nhiễm môi trường nhưng hiện tại vẫn chưa có quy định nào cụ thể về tiêu chuẩn khí thải và niên hạn với loại phương tiện này.

Ngày 1/10/2019, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại thành phố hiện nay trong đó có khí thải từ ô tô, xe máy. Tuy nhiên, Việt Nam hiện tại mới chỉ có quy định về niên hạn và khí thải với ô tô còn xe máy thì chiếm số lượng rất lớn trong các phương tiện lưu thông nhưng lại chưa hề có quản lý cụ thể và cũng không có niên hạn sử dụng. Điều này khiến có rất nhiều xe tồn tại 40 - 50 năm vẫn lưu thông trên đường, xả một lượng khí thải khổng lồ ra môi trường.

Theo thông tin từ Cục đăng kiểm Việt Nam, đến năm 2016 cả nước có khoảng 40 triệu xe máy, trong số này có những xe đi vào hoạt động từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước nhưng đến giờ vẫn lưu thông trên đường. Việc thu hồi những phương tiện giao thông xả thải lớn, gây ô nhiễm môi trường gặp rất nhiều khó khăn do người dân không tự giác và thường bán lại cho người ở vùng sâu, vùng xa để thu hồi vốn.

Tính riêng tại Hà Nội, theo Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội thì tính đến giữa năm 2019 trên địa bàn có 9.000 ô tô hết niên hạn sử dụng. Đối với xe máy có niên hạn 30 năm thành phố có trên 43.400 xe, xe máy trên 40 năm có hơn 10.500 xe, trên 50 năm còn gần 480 xe.

Tuy nhiên, theo nghị định 95/2009/NĐ-CP của chính phủ, xe tải có niên hạn sử dụng 25 năm, xe khách 20 năm, xe chở người từ 9 chỗ trở xuống (kể cả người lái) không bị quy định về niên hạn sử dụng. Riêng các xe 9 chỗ trở xuống nhưng dùng vào mục đích kinh doanh taxi (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) phải có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác. Tuy nhiên niên hạn sử dụng của xe máy hiện chưa có quy định cụ thể. Cơ quan chức năng hiện khi phát hiện chỉ tạm giữ các xe máy vi phạm có niên hạn sử dụng 30 - 40 năm đề xuất thành phố thanh lý, hủy các phương tiện này.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam từng trả lời phỏng vấn báo chí cho biết: 'Hiện tại chưa có một văn bản nào quy định niên hạn sử dụng đối với xe mô tô, xe gắn máy'.

Theo nhiều chuyên gia đầu ngành về môi trường, xe máy hiện tại là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, xe máy đóng góp tới 90% lượng khí thải CO, 65,4% NMVOC, 37,7% bụi và 29% NOx. PGS.TS Hồ Quốc Bằng - trưởng phòng ô nhiễm không khí, viện môi trường và tài nguyên từng nhận định: 'Xe gắn máy là phương tiện phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí nhiều nhất. Vì vậy Trung ương cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm định khí thải cho tất cả xe gắn máy chứ không chỉ xe từ 175 cm3 trở lên'.

Trên thực tế, từ năm 2011, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định số 49/2011/QĐ-TTg về việc quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Tuy nhiên, quyết định này chỉ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Theo đó, các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 (tương đương với tiêu chuẩn Euro 3) từ ngày 01 tháng 01 năm 2017

Năm 2010, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án kiểm soát khí thải xe máy do Bộ GTVT trình với mục tiêu tới năm 2015 kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải 80 - 90% xe máy ở Hà Nội, TP.HCM, và mở rộng cho 60% xe máy tại các thành phố loại 1, 2. Tuy nhiên, đến tận bây giờ các cấp thẩm quyền vẫn chưa ban hành lộ trình áp dụng và thực hiện cụ thể quyết định này.

Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao bộ Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn; đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí. Trong đó, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, đề xuất mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ; tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố.

Như vậy, tại Việt Nam hiện nay mới chỉ quy định về tiêu chuẩn khí thải và niên hạn với ô tô. Với xe máy, hiện vẫn chưa có chính sách nào cụ thể dù đây là loại phương tiện chủ yếu và nguyên nhân gây ô nhiễm lớn tại Việt Nam.

T.T

Chủ đề khác