VnReview
Hà Nội

Có thực sự các tựa game được thiết kế để gây nghiện hay không?

Đã nửa đêm. Sáng mai bạn phải đi làm (hoặc đi học), và lẽ ra bạn nên đi ngủ. Nhưng không, bạn đang cầm điện thoại trên tay chơi ghép kim cương hoặc xây trụ bảo vệ căn cứ trước các đợt tấn công của địch.

mobilegame

Nghe quen chứ? Đó là tình huống nhiều người trong chúng ta từng gặp phải. Chúng ta đôi lúc dù muốn, nhưng lại rất khó có thể từ bỏ trò chơi điện tử. Trong quá trình chơi, bạn có nhận thấy những yếu tố khiến bản thân tự hỏi phải chăng trò chơi điện tử cố ý được thiết kế để chúng ta không thể ngừng chơi? Và nếu quả thực có những mánh khóe để khiến một trò chơi điện tử có tính gây nghiện, liệu các nhà phát triển trò chơi có tận dụng chúng để mang về lợi ích cho họ?

Nghiện là gì?

Từ điển Merriam-Webster định nghĩa "nghiện" là "hành vi thể hiện một nhu cầu bắt buộc, liên tục về mặt sinh lý hay tâm lý đối với một chất, hành vi, hoặc một hoạt động có khả năng hình thành thói quen". Một người có thể nghiện không chỉ các vật chất như thuốc lá hay rượu, mà còn nghiện các hoạt động như đánh bạc, mua sắm, hay trộm cắp.

Dù là nghiện điều gì, thì vật chất hay hành vi gây nghiện kia cũng khiến "hệ thống thưởng" của não bộ bị quá tải, đẩy nhanh quá trình tiết ra các hormone tạo cảm giác hài lòng khi người nghiện sử dụng vật chất hoặc thực hiện hành vi gây nghiện. Nó khiến bạn có cảm giác mọi thứ quá tuyệt, không thể dễ dàng từ bỏ được - ngay cả khi bạn nhận ra bản thân mình muốn từ bỏ, và khi hành vi gây nghiện kia rõ ràng sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực.

Trò chơi điện tử có thực sự gây nghiện?

Có, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Năm 2018, WHO định nghĩa "rối loạn chơi game" là "một loại hành vi chơi game biểu hiện qua việc mất kiểm soát về việc chơi game, tăng sự ưu tiên cho chơi game hơn các hoạt động khác đến mức đặt game lên trước các sở thích và hoạt động thường ngày khác, và chơi game liên tục hoặc với tần suất ngày càng cao mặc cho sự hiện diện của các hậu quả tiêu cực".

Tất nhiên, có sự khác biệt giữa chơi game cho vui và nghiện game. Ngay cả khi bạn chơi PUBG mỗi ngày, bạn không bị xem là nghiện. Đúng là nó khiến bạn tiêu tốn nhiều thời gian, nhưng bạn vẫn ổn, miễn là bạn biết khi nào nên ngừng để ăn trưa hoặc đi học. Nhưng một khi bạn bỏ cả tắm rửa và ngồi lì trong phòng để có thêm thời gian cày game, hoặc nếu bạn nghỉ việc và bắt đầu bán sạch đồ đạc cá nhân để mua tiền ảo trong game, thì đã đến lúc bạn cần đến sự giúp đỡ.

Bằng cách nào mà trò chơi điện tử khiến chúng ta chơi mãi không ngừng nghỉ?

casino

Hãy nghĩ về một sòng bạc. Hình ảnh gì sẽ nảy ra trong suy nghĩ của bạn? Có thể là những bàn đánh bài blackjack, poker chip, hay những cỗ máy đánh bạc bóng loáng với đèn đóm lập lòe cùng những tiếng bip vui tai. Ai cũng biết sòng bạc được thiết kế để kích thích giác quan của con người theo một cách nào đó. Những kích thích đó khiến não tiết hormone tạo cảm giác hài lòng, vốn là thứ làm cho những con bạc tiếp tục lao đầu vào cuộc chơi đỏ đen và giúp các sòng bạc ăn nên làm ra.

Một trò chơi điện tử cũng có thể được xem là một thương vụ kinh doanh – và đó thực sự là một thương vụ lợi nhuận cao. Công ty game Supercell, nổi tiếng với các game như Clash of Clans, Clash Royale, và Brawl Stars, đã thu về hơn 1,7 tỷ USD doanh thu trong năm 2018. Các game của hãng này cho người dùng chơi miễn phí, nhưng kèm theo đó là các tùy chọn cho phép họ tiêu tiền mặt vào các giao dịch trong game để đạt được những lợi thế nhất định so với các người chơi khác. Đây là mô hình kinh doanh của đại đa số các game di động ngày nay.

Bởi giao dịch trong game là nguồn doanh thu chính đối với các game chơi miễn phí như đã đề cập ở trên, các nhà phát triển sẽ muốn giữ chân người chơi càng lâu càng tốt. Tạo ra một tựa game tuyệt vời là một khởi đầu thuận lợi, nhưng với hàng trăm ngàn game di động miễn phí hiện có trên thị trường, nhà phát triển phải tìm ra cách nào đó để khiến sản phẩm của họ nổi bật hơn và khiến người chơi không rời mắt được.

Đồ họa sexy, thiếu vải

Một số game thu hút người chơi với mánh khóe rẻ tiền nhất trong sách vở: sự hiện diện của những cô nàng sexy, thiếu vải trong các hình ảnh minh họa cho game. Chắc bạn đang tự cười thầm, nhưng đó là sự thật: cánh đàn ông dễ bị kích thích bởi những hình ảnh như vậy – họ đơn giản là cảm thấy thích, và cảm giác đó khiến họ chơi game nhiều hơn.

mobilegame

Không phải ngẫu nhiên mà những tựa game như vậy có vẻ hào nhoáng, màu sắc sáng sủa. Nghiên cứu tìm hiểu mối liên hệ giữa màu sắc và cảm xúc con người – như nghiên cứu vào năm 1995 của Michael Hemphill, xuất bản trên tạp chí Genetic Psychology - đã chỉ ra rằng màu sáng sẽ mang lại nhiều phản ứng tích cực hơn màu tối.

Mánh khóe độ khó

Rất nhiều game mới đầu dễ đến kỳ quặc kèm theo những hiệu ứng nhằm mang lại cho người chơi cảm giác đạt được thành tựu vĩ đại: những tràng pháo hoa rực rỡ và những âm thanh khải hoàn xuất hiện khi bạn giành chiến thắng hoặc lên level, kể cả khi bạn chẳng làm gì cả. Trong Mario Kart Tour, bạn sẽ thắng trong vài cuộc đua đầu mà chẳng cần chạm vào điện thoại khi đang đua nữa. Chẳng cần các món đồ tăng sức mạnh, chẳng cần kỹ năng, cũng chẳng cần xoay vô-lăng. Không tin bạn cứ thử mà xem!

Nhưng sau khởi đầu hoành tráng dó, game sẽ trở nên khó hơn hoặc buộc bạn phải chờ đợi trước khi chơi tiếp. Lẽ tự nhiên, nó sẽ đề nghị bạn mua một món hàng nhỏ để khỏi tốn công chờ đợi.

Giao dịch trong game

Giao dịch trong game là một món hời mà các nhà bán lẻ đã và đang tận dụng để kiếm lời trong nhiều năm qua. "Chỉ dành riêng cho bạn: rương ngọc 10 USD sẽ được giảm giá 50% chỉ trong hôm nay!" – và chỉ một giao dịch nhỏ này thôi cũng đã có khả năng tạo ra thói quen cho bạn bỏ tiền mặt mua hàng trong game để có được những lợi thế nhất định. Có những người đã ném hàng chục triệu đồng vào game di động, và họ thừa nhận rằng càng bỏ ra nhiều tiền, họ càng khó bỏ game hơn. Đó không phải là game nữa. Đó như một khoản đầu tư mà bạn buộc phải duy trì.

Cảm giác suýt soát

Nếu từng chơi Candy Crush Saga, đã bao nhiêu bạn không thể hoàn thành màn chơi khi mà chỉ cần một nước đi duy nhất nữa là xong? Khá nhiều đúng không? Và hẳn ai cũng nhớ đến Flappy Bird, tựa game mà cứ mỗi lần chơi lại khiến bạn có cảm giác hồi hộp như thể chỉ còn một gang tấc nữa thôi là đã có thể vượt qua kỷ lục…4 điểm trước đó vậy.

mobilegame

Trong cuốn sách "Addiction by Design: Machine Gambling in Las Vegas", tác giả Natasha Dow Schull viết về cảm giác kích động của sự suýt soát mà những con bạc trải nghiệm được khi chỉ còn đúng một biểu tượng nữa nhảy xuống là họ sẽ thắng tiền trên máy đánh bạc. Các máy đánh bạc đã tận dụng hiện tượng này từ giữa những năm 1900. Lý do là, khi một con bạc suýt thắng, họ không có cảm giác mình đã thua. Họ tin rằng họ gần như thắng, nên sẽ đổ thêm tiền vào máy để cơ hội tăng cao hơn.

Cảm giác nắm quyền kiểm soát, nhưng thực tế không phải

Một mánh khóe khác mà các sòng bạc đã tận dụng từ lâu. Các máy đánh bạc được thiết kế để mang lại cho người chơi cảm giác kiểm soát được kết quả của mỗi lần chơi – phải rồi, máy nào cũng có cần gạt để bạn gạt, và nút bấm để bạn bấm cơ mà. Trên thực tế, bạn thắng hay thua không phải do bạn quyết định, chính cỗ máy đó được lập trình để quyết định. Tương tự, trò chơi điện tử cho bạn nhiều hộp quà, và bạn phải chọn hộp nào muốn mở, dù rằng bạn chọn hộp nào cũng chẳng khác nhau là bao!

Tất cả những điều này có gì sai?

Rõ ràng, một lượng lớn trò chơi di động đã được thiết kế để bạn rất khó từ bỏ game, nhưng suy cho cùng, những mánh khóe trên không hề phạm bất kỳ bộ luật nào, và cũng chưa ai chứng minh được chúng gây hại cho người chơi. WHO nêu rõ rằng "rối loạn chơi game chỉ ảnh hưởng đến một lượng nhỏ những người tham gia vào hoạt động chơi trò chơi điện tử hay trò chơi số". Nghiện trò chơi điện tử đúng là có thật, nhưng đây là vấn đề nhỏ hơn nhiều so với lạm dụng các loại chất như rượu hay thuốc lá, những điều gây tác hại lớn hơn nhiều cho sức khỏe người nghiện và cho xã hội nói chung.

Chúng ta cũng không thể đổ lỗi cho các nhà phát triển vì bất kỳ điều gì họ đã làm, kể cả khi chúng không phải là những điều hợp với đạo lý. Họ làm game để kiếm tiền, và họ đơn giản là đang quảng cáo sản phẩm của họ theo cách họ thấy hợp lý. Việc một doanh nghiệp tạo điều kiện để sản phẩm của họ thành công hết sức có thể là điều hoàn toàn logic.

Nhưng ai cũng thấy được rằng game di động đang chết dần vì đối với một bộ phận lớn các nhà phát triển, kiếm tiền được ưu tiên cao hơn tạo ra các tựa game chất lượng. Dường như chẳng còn ai tìm cách phát triển một tựa game xuất sắc nữa. Một tựa game chỉ cần đủ vui để thu hút người chơi – và để khiến họ bỏ tiền ra hết lần này đến lần khác – là đủ. Những tựa game trả phí như Monument Valley, Leo's Fortune, hay series The Room không chỉ là game. Chúng là những tác phẩm nghệ thuật. Nhưng chúng cũng không phải những tựa game phổ biến, do đó không ngạc nhiên khi doanh thu chúng tạo ra thấp bé hơn nhiều so với hàng tỷ USD mà các tựa game di động phổ biến bậc nhất hiện nay tạo ra.

Minh.T.T

Chủ đề khác