VnReview
Hà Nội

Bản prototype “Nintendo Play Station” cực hiếm sắp lên sàn đấu giá

Đã từng có một khoảng thời gian ngắn, PlayStation là một sản phẩm của Nintendo. Vào đầu thập niên 90, một kỹ sư của Sony Computer Entertainment và sau này là Chủ tịch, đồng thời là CEO của mảng này, Ken Kutaragi, đã tạo ra con chip âm thanh Super Nintendo. Sau này, lại có một sự hợp tác khác giữa hai công ty này: chiếc máy chơi game Nintendo Play Station.

Bản prototype

Bất chấp sự bất đồng từ cả hai phía, Kutaragi đã thiết kế ra chiếc máy console này và có vài trăm chiếc prototype được sản xuất dựa trên hệ thống Super NES CD-ROM System, hay thường được gọi là SNES-CD hay Nintendo Play Station.

Sau một khoảng thời gian dài, chẳng ai có thể chắc chắn được một trong số chúng vẫn còn tồn tại. Hầu hết chúng đã bị phá hủy. Nhưng vẫn còn một chiếc tồn tại, thuộc sở hữu của Terry Diebold. Anh chàng mua chiếc máy này trong một cuộc đấu giá mù (blind auction) khi công ty anh làm việc, Advanta Corportation, phá sản. SNES-CD nằm trong một hộp đựng đồ của Olaf Olafsson – cựu CEO Sony Computer Entertainment và sau đó chuyển sang làm việc tại Advanta. Sau khi đưa chiếc máy console này đến các triển lãm gaming trong nhiều năm, Diebold hiện đã nghĩ đến việc "thu hồi lại vốn".

Valarie McLeckie, một giám đốc của tổ chức Heritage Auctions cho biết: "Đây là lần đầu tiên một bản prototype như thế này được đưa lên sàn đấu giá công khai. Sony và Nintendo hiện là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trên thị trường game, thật đáng kinh ngạc khi cả hai từng đồng sở hữu một cỗ máy chơi game - và nó còn có tên Play Station nữa chứ!"

Không có trò chơi nào được phát triển cho chiếc prototype console này, nhưng nó vẫn có thể chơi game. Vào năm 2017, chuyên gia "vọc vạch" Ben Heckendorn đã tháo chiếc console này ra và sửa lại ổ đĩa CD-ROM. McLeckie xác nhận rằng mọi thứ vẫn hoạt động.

Cuộc đấu giá này dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 5-7/3/2020, nhưng những người quan tâm có thể đấu giá trực tuyến vào giữa tháng 2 tại đây. "Chúng tôi không có cách nào để định giá cho cỗ máy này", McLeckie cho hay. "Nó sẽ phụ thuộc vào những người đấu giá."

Tuần trước, Diebold cho Kotaku biết rằng anh đã từ chối lời đề nghị mua lại với giá 1,2 triệu USD từ một người sinh sống tại Na Uy.

Bản prototype

Bản prototype

Bản prototype

Bản prototype

Heritage Auctions bắt đầu thực hiện các buổi đấu giá những bộ sưu tập video game vào hồi tháng 2/2019. McLeckie cho biết, họ cũng dần nhận được nhiều bộ sưu tập video game hơn trong năm qua. Đầu tháng 11, một bản sao Mega Man siêu hiếm đã được bán với giá 75.000 USD. Đây là một con số cao kỷ lục và nó đã trở thành trò chơi có giá trị nhất được bán đấu giá. Hàng trăm trò chơi khác cũng được bán vào thời điểm đó, chẳng hạn Bubble Bobble Part 2, Super Mario Bros. và The Legend of Zelda với giá 19.200 USD cho mỗi bản, hay 15.465 USD cho tựa game Mario Bros.

Để các bộ sưu tập có thể lên sàn đấu giá, chúng cần phải thông qua một dịch vụ phân loại đáng tin cậy từ bên thứ ba có tên là Wata Games. Mọi thứ đều được xếp hạng để xác định tình trạng của nó, từ đó chốt được giá trị cuối cùng. Wata Games được thành lập vào năm 2018 với vai trò là dịch vụ chuyên gia đánh giá và chứng nhận các video game cùng những bộ sưu tập có liên quan.

Nintendo Play Station chắc chắn sẽ được bán khi lên sàn đấu giá vào tháng 3 tới. "Nếu nhìn vào mặt sau, bạn sẽ thấy nó là một điểm đặc trưng của Nintendo, nhưng nó lại sử dụng đầu kết nối của Sony", McLeckie cho hay. "Nếu tính về độ hiếm có, nó quả thật là rất độc đáo."

Minh Hùng theo Polygon

Chủ đề khác