VnReview
Hà Nội

Thanh niên Đức máu nhiều mỡ đến mức trắng như sữa, làm tắc cả máy lọc huyết tương đến hai lần

Bệnh nhân này đã mắc phải chứng tăng triglyceride máu cực cao.

blood

Một thanh niên ở Đức có quá nhiều mỡ trong máu, khiến máu anh này đặc lại, chuyển sang màu trắng nhợt, trông như sữa. Và lẽ ra anh này đã "đi gặp tổ tiên" nếu các bác sỹ không quyết định sử dụng một phương thức chữa trị đã bị bỏ quên từ lâu, do các thầy thuốc từ xa xưa phát minh ra từ hàng ngàn năm về trước.

Bệnh nhân chúng ta đang nói ở đây đã mắc một chứng bệnh gọi là "tăng triglyceride máu cực cao", biểu hiện qua nồng độ phân tử triglyceride béo rất cao trong máu.

Thông thường, các bác sỹ sẽ giải quyết tình trạng này bằng một kỹ thuật gọi là lọc huyết tương, tức trích xuất huyết tương máu từ cơ thể, loại bỏ triglyceride thừa (và các thành phần độc hại khác), sau đó đưa máu sạch đã được lọc vào lại cơ thể bệnh nhân.

Nhưng có một vấn đề ở đây.

Khi các bác sỹ thuộc khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Đại học Cologne thử phương thức nói trên với bệnh nhân 39 tuổi kia, số máu nhờn đặc với đầy chất béo của anh ta đã khiến máy lọc huyết tương tắc đến… 2 lần.

Ca bệnh kinh hoàng - mà theo các nhà nghiên cứu là họ chưa bao giờ thấy trước đây - đòi hỏi một phương thức khác nhằm hút lượng chất béo khổng lồ và nguy hiểm kia ra khỏi máu của bệnh nhân.

Mức độ triglyceride bình thường trong máu người là dưới 150 millligram/decilit (mg/dL), trong khi mức cao sẽ vào khoảng từ 200 – 499 mg/dL, và 500 mg/dL sẽ là "rất cao".

Tuy nhiên, bệnh nhân nói trên có mức triglyceride cao gấp… 36 lần so với mức rất cao, tức vào khoảng 18.000 mg/dL.

Theo các nhà nghiên cứu, đó là lý do tại sao thanh niên này gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, ói mửa, đau đầu, và có khả năng phản ứng kém khi nhập viện. Tất cả các triệu chứng này được gọi là "hội chứng suy giáp" – hội chứng xuất hiện khi máu quá đặc đến bất thường, mà trong các trường hợp nghiêm trọng có thể gây co giật và hôn mê.

Tại sao bệnh nhân này lại rơi vào trường hợp nguy hiểm như vậy? Các nhà nghiên cứu cho biết có một loạt các yếu tố liên quan đến tình trạng béo phì, chế độ ăn, kháng insulin, và khả năng là do di truyền – đó là chưa kể đến việc anh này dù đang chữa trị tiểu đường nhưng không phải lúc nào cũng uống thuốc đầy đủ.

Các bác sỹ đặt ra giả thuyết rằng tình trạng của bệnh nhân ban đầu có thể xuất phát từ việc nhiễm toan keto, nay đã nặng hơn và chuyển sang một ca đặc biệt nghiêm trọng – bệnh nhân hầu như không có phản ứng gì, chỉ còn cách tình trạng thực vật theo thang hôn mê Glasgow đúng một điểm mà thôi.

VÌ không thể sử dụng phương pháp lọc huyết tương, các bác sỹ phải chuyển sang một phương pháp khác lâu đời hơn nhiều, nay đã không còn được sử dụng nữa – một liệu pháp chữa trị hầu như đã bị lãng quên, không còn được thực hiện trong y học chính thống kể từ thế kỷ 18 và 19: trích máu.

blood

Một ca trích máu thời xưa

Kỹ thuật trích máu từ cơ thể này đã được phát minh ra từ thời Ai Cập cổ đại, vào khoảng 3.000 năm trước, và từng được xem là một dạng phẫu thuật phổ biến nhất thế giới.

Tuy nhiên, trong thời đại xa xưa đó, bản thân y học là một khái niệm hoàn toàn khác so với những gì chúng ta hình dung ngày nay, và ngày nay, trích máu hầu như được xem là một dạng giả khoa học lỗi thời, có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực hơn là những kết quả tích cực cho các bệnh nhân bị "hút máu" (đôi lúc, đúng là các bệnh nhận bị hút máu thật, theo đúng nghĩa đen của từ "hút"!).

Nói vậy không có nghĩa phương thức trích máu không hữu dụng – nó đã cứu mạng của bệnh nhân có máu nhiễm mỡ nặng như đã nói ở trên.

Cụ thể, sau khi lọc huyết tương bất thành, các nhà khoa học quyết định rút 2 lít máu của bệnh nhân, thay thế lượng máu này bằng một nguồn huyết tương đông lạnh chứa đầy hồng cầu, kèm theo một lượng dung dịch muối sinh lý.

Mặc cho những câu chuyện kinh dị bạn từng được nghe về phương pháp trích máu, khá bất ngờ là nó thực sự được việc. Mức triglyceride trong máu bệnh nhân đã được giảm thành công, và đến ngày thứ 5, anh này hoàn toàn không còn bất kỳ triệu chứng về mặt thần kinh nào liên quan căn bệnh của mình nữa.

Thú vị hơn là, nhóm bác sỹ chữa trị cho anh cho biết ca bệnh kỳ lạ, nhiều khả năng là chưa từng có tiền lệ, cho thấy phương pháp trích máu có thể vẫn có thể được sử dụng trong nền y học của thế kỷ 21 – tất nhiên là khi không còn giải pháp nào khả thi.

"Nếu lọc huyết tương không thể thực hiện được vì tình trạng suy giáp nặng, thì những gì chúng tôi đã thực hiện cho thấy phương pháp trích máu truyền thống với các dung dịch thay thế có thể là một giải pháp hiệu quả" – các nhà nghiên cứu nói.

"Theo những gì chúng tôi biết, đây là ca đầu tiên thực hiện phương thức này".

Minh.T.T

Chủ đề khác