VnReview
Hà Nội

Tại sao chúng ta lại hoài cổ về những công nghệ từ quá khứ?

Thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc đã mang đến cho chúng ta những tiến bộ công nghệ trên các lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt, thực tại tăng cường, internet băng thông rộng, và xe tự hành. Nhưng khi thập kỷ 2020 sắp đến, chúng ta dường như đang càng lúc càng hoài niệm về những công nghệ xưa cũ.

hoai co

Năm 2019, chúng ta đã chứng kiến sự trở lại của điện thoại nắp gập với chiếc Motorola Razr mới, và những ứng dụng biến iPhone trông chẳng khác gì một chiếc iPod. Chúng ta cũng đang xem lại những bộ phim Disney cổ điển và các show Disney Channel TV thưở xưa thông qua dịch vụ Disney+. Thậm chí những cỗ máy chơi game console trước đây cũng trở cùng các tựa game kinh điển gắn liền với tuổi thơ nhiều người.

Krystine Batcho, chuyên gia hoài cổ và giáo sư tâm lý học tại Đại học Le Moyne, cho biết quãng thời gian chuyển tiếp (như việc chúng ta đang chuẩn bị bước sang một thập kỷ mới) chính là thứ đã tạo ra cảm giác hoài cổ, dù rằng đó là hoài cổ về công nghệ.

"…Đó là một nghịch lý thú vị. Văn hóa của chúng ta từ trước đến nay luôn bị ám ảnh với những tiến trình; chúng ta luôn hướng về phía trước" – bà nói. "Công nghệ chưa bao giờ là thứ để hoài cổ… nó không bao giờ nhìn về quá khứ, luôn là về hiện tại và tương lai".

Batcho nói rằng sự hoài cổ của chúng ta thông thường sẽ tập trung vào những con người khác, hoặc những dấu tích của quá khứ, như ảnh hay nhật ký. Nhưng lần đầu tiên trong lịch sử, công nghệ đã gần như trở thành một phần mở rộng của chính bản thân chúng ta – những thứ chúng ta không bao giờ thực sự có thể sống thiếu được.

"…Chúng ta luôn là những người nắm quyền kiểm soát đối với những vật thể trong cuộc sống của mỗi người" – bà nói. "Với công nghệ hết sức thông minh ngày nay, chúng khiến chúng ta tự hỏi có phải mình đang dần trao một phần quyền kiểm soát cho công nghệ hay không"

Trên phạm vi toàn xã hội, chúng ta có lẽ đã quá gắn kết với nhau – điều mà nhiều nghiên cứu đã cho thấy có thể khiến mọi người trở nên căng thẳng và áp lực hơn vì phải tìm cách bắt kịp lẫn nhau. Do đó không lạ khi mỗi chúng ta thèm khát một khoảng thời gian riêng tư – một khoảng thời gian ít áp lực hơn.

razr

Batcho nói rằng chúng ta không thực sự thích điện thoại nắp gập hơn so với smartphone, hay máy ảnh Polaroid hơn máy ảnh tích hợp trên điện thoại; thứ chúng ta muốn là những ký ức gắn kết với công nghệ xưa cũ đó.

"Điều chúng ta thèm khát trong các công nghệ xưa cũ đơn giản là những lời nhắc nhở về những thứ đang dần trôi xa khỏi chúng ta" – Batcho nói.

Đó có thể là những việc giản đơn như từ trường về nhà rồi đăng nhập vào trang Yahoo! 360, hay gặp gỡ nhóm bạn thân, mỗi đứa dùng một chiếc Motorola Razr mỗi màu khác nhau – chúng không phải là những công nghệ chúng ta muốn, mà là những khoảnh khắc giản đơn chúng ta từng được tận hưởng.

"Chúng ta không thực sự muốn những công nghệ xưa cũ trở lại, chúng ta chỉ muốn cảm thấy vui khi mơ mộng về nó và có lẽ là chơi đùa với nó một chút" – bà nói.

Thay vì chờ ngóng những công nghệ cũ, hay thậm chí là trông đợi những công nghệ của tương lai, có lẽ trong năm 2020, điều tốt nhất chúng ta nên làm là dành thời gian với những thứ mình đang có; bởi một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhìn lại chiếc iPhone 11 và chiếc Nintendo Switch như những cột mốc đáng nhớ của quá khứ.

Minh.T.T

Chủ đề khác