VnReview
Hà Nội

TikTok khẳng định Trung Quốc chưa từng yêu cầu gỡ bất kỳ nội dung nào

TikTok vừa mới công bố bản Báo cáo minh bạch đầu tiên của mình, trong đó bao gồm thông tin những quốc gia đã gửi yêu cầu xóa nội dung cũng như yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu của người dùng.

Đáng chú ý là Trung Quốc lại vắng mặt trong danh sách này. Ứng dụng chia sẻ video thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance xác nhận họ không hề nhận được một yêu cầu gỡ xuống nội dung nào đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019.

Đây là một năm đầy khó khăn với TikTok, khi nền tảng này phải đối mặt với sự giám sát gắt gao tại nhiều nước do nghi ngờ có liên hệ với chính quyền Trung Quốc. Vào tháng 9 năm 2019, ;tờ The Washington Post cho rằng TikTok đã cố tình kiểm duyệt nội dung có dính dáng đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nhằm xoa dịu chính phủ Trung Quốc. TikTok đã phủ nhận những cáo buộc, nhưng chỉ chừng đó là không đủ để ngăn các nhà lập pháp Hoa Kỳ kêu gọi một cuộc điều tra an ninh quốc gia.

Sau đó, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) đã tìm đến ByteDance vì những lo ngại về an ninh quốc gia Hoa Kỳ sẽ đe dọa đến sự tồn tại của ứng dụng này. Vì CFIUS quản lý việc sáp nhập và mua lại với các công ty Hoa Kỳ, cuộc điều tra của họ làm dấy lên mối lo ngại rằng ByteDance có thể bị buộc phải bán TikTok. Gần đây nhất, quân đội Hoa Kỳ đã cấm các binh lính của mình sử dụng ứng dụng này với cáo buộc "là mối đe dọa trên không gian mạng".

Báo cáo của TikTok cho thấy các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ đã làm việc với công ty này để yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu người dùng và gỡ bỏ nội dung vi phạm luật pháp Hoa Kỳ. Trong năm qua, TikTok đã nhận được 79 yêu cầu về dữ liệu người dùng từ phía Hoa Kỳ và 6 yêu cầu gỡ bỏ nội dung. Công ty này đã tuân thủ theo 86% các yêu cầu về dữ liệu người dùng và hạn chế hoặc chặn 7 tài khoản có liên quan đến các yêu cầu gỡ bỏ nội dung.

"TikTok cam kết hỗ trợ thực thi pháp luật trong các trường hợp thích hợp, đồng thời tôn trọng sự riêng tư và quyền của người dùng", theo bài đăng trên blog của Eric Ebenstein, người quản lý chính sách công của TikTok.

Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách, sau Ấn Độ, quốc gia đã gửi 107 yêu cầu về dữ liệu người dùng và 11 yêu cầu về gỡ nội dung. Điều này có thể hiểu được vì TikTok rất phổ biến ở cả 2 quốc gia trên trong khi tại Trung Quốc, ứng dụng này lại không góp mặt, đó là lý do tại sao Trung Quốc lại không nằm trong danh sách. Phiên bản dành riêng cho thị trường Trung Quốc của ứng dụng, hoạt động một cách tách biệt, có tên là Douyin.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc có xu hướng kiểm duyệt các nội dung mà họ không có thiện cảm, thì thông tin này vẫn là một điều đáng ngạc nhiên. Theo báo cáo về tự do internet trên toàn thế giới được cung cấp bởi tổ chức giám sát Freedom House thì Trung Quốc là quốc gia không có sự tự do về internet vì sự kiểm duyệt và giám sát của họ.

Hoạt động này không chỉ áp dụng đối với riêng công dân Trung Quốc. Vào tháng 11 năm 2019, The Verge đưa tin nhiều người Mỹ gốc Hoa đã bị khóa hoặc hạn chế tài khoản WeChat của họ vì bàn luận về cuộc bầu cử ở Hồng Kông, thậm chí là ngay cả với những người Mỹ khác.

Gần đây, ByteDance được cho là đang tìm cách thiết lập trụ sở TikTok bên ngoài Trung Quốc nhằm tạo khoảng cách với quốc gia này.

Giang Vu

Chủ đề khác