VnReview
Hà Nội

Dân mạng đồn ăn vải, chuối sẽ có nồng độ cồn, bác sĩ khẳng định đó là vô căn cứ

Trước thông tin ăn một số loại quả tươi như vải, sầu riêng, chuối… sẽ có nồng độ cồn, đa số các chuyên gia cho rằng điều đó là vô căn cứ.

Không có chuyện ăn hoa quả tươi có nồng độ cồn

Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1/1, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt sẽ rất nặng. Mức phạt thấp nhất là 200.000 đồng.

Những ngày gần đây thông tin về việc ăn một số loại quả sẽ có nồng độ cồn trong hơi thở như vải, dứa, sầu riêng, nho… khiến nhiều người hoang mang. Bởi nếu như vậy, người tham gia điều khiển phương tiện giao thông sẽ bị vi phạm luật và bị xử lý rất nặng. Trước thông tin này, các chuyên gia y tế cho rằng mọi người đã "nói quá", việc ăn hoa quả tươi không thể có nồng độ cồn.

Bác sĩ Trần Anh Thắng - Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết hiện chưa có cơ sở khoa học hay tổ chức nào chứng minh rằng ăn trái cây như vải, chuối, sầu riêng… sẽ xuất hiện nồng độ cồn.

Bác sĩ Thắng cho biết chẳng có cơ sở nào chứng minh ăn quả tươi có nồng độ cồn.

Bác sĩ Thắng cho biết để biết được ăn hoa quả có cồn hay không thì làm một phép thử rất đơn giản và không tốn kém. Đó là cho một nhóm người ăn vải theo số lượng lớn dần, sau đó thổi thử nồng độ xem có hay không là biết ngay. "Bản thân tôi chưa từng gặp trường hợp nào ăn trái cây tươi có nồng độ cồn cả. Thay vì tranh luận ăn trái cây hay siro có làm tăng nồng độ cồn hay không, tôi cho rằng mọi người hãy nghiêm túc thực hiện việc uống rượu bia thì không lái xe", bác sĩ Thắng cho hay.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết ăn hoa quả tươi thì không thể xuất hiện nồng độ cồn. Tuy nhiên, nếu dùng một số loại thức ăn, hoa quả lên men, thuốc… thì có thể có ethanol trong đó ví dụ như socola, thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng/họng…

"Nếu dùng đồ ăn, thức uống có ethanol thì ít nhất nên đợi 15-30 phút mới tham gia giao thông. Nhưng người dân hoàn toàn yên tâm, các đồng chí công an có quy trình làm việc xét nghiệm sàng lọc ban đầu, nếu cần có thể xét nghiệm lần hai", bác sĩ Nguyên cho hay.

Khi phát hiện người vi phạm nồng độ cồn, CSGT sẽ giải thích, chứng minh vi phạm là do uống rượu bia.

Bà Trần Thị Trang - Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng cho rằng, hàm lượng cồn từ một số loại thực phẩm rất thấp, tùy thuộc vào lượng sử dụng, thời điểm đo độ cồn và hàm lượng này cũng suy giảm, đào thải rất nhanh. Thông thường sau khi ăn mọi người chỉ cần uống nước lọc, súc miệng và sau khoảng 15-30 phút thì sẽ không còn nồng độ cồn.

"Không phải cứ ăn xong ra đường là cảnh sát chặn lại thổi phạt. Việc dừng xe kiểm tra độ cồn chỉ xảy ra khi bạn có dấu hiệu vi phạm như mặt đỏ gay, đi loạng choáng, phóng nhanh, vượt ẩu, khi có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được phê duyệt hoặc khi bạn phạm một lỗi khác mà cảnh sát nghi ngờ bạn có uống rượu bia.

Việc ăn hoa quả, thực phẩm cũng không tỏa ra hơi cồn như sử dụng rượu bia dù đứng gần nên cũng khó biết được. Mọi người còn có quyền giải trình, khiếu nại theo Luật xử lý vi phạm hành chính. Do đó, mọi người không nên lo ngại", bà Trang cho hay.

Sau uống rượu bia bao lâu thì hết nồng độ cồn?

Kể từ khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100 có hiệu lực, đã có nhiều người bị phạt nặng vì hành vi vi phạm của mình. Bởi vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi: Uống rượu bia sau bao lâu thì hết cồn?

Trước đâu hỏi này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lý giải: "Đây là câu hỏi rất khó trả lời chính xác. Vì thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố như số lượng, chủng loại, nồng độ rượu, sức khỏe, "tửu lượng" của từng người, uống càng nhiều thì nồng độ càng cao….

Chúng ta phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước mà hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người".

uống rượu bia sau bao lâu thì hết nồng độ cồn

Nguồn thông tin: Sức khỏe đời sống và American Addiction Center.

Còn theo Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang, việc dung nạp, chuyển hoá và đào thải chất cồn trong rượu bia của cơ thể không có mức chung tuyệt đối cho mọi người mà phụ thuộc số lượng rượu bia uống ít hay nhiều, trọng lượng cơ thể và các điểm sinh học, chức năng gan, tình trạng sức khoẻ, uống lúc no hay đói, tần suất, cách thức uống (cấp tập hay nhâm nhi)...

"Tốt nhất là không nên uống hoặc hạn chế uống rượu bia. Nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không uống quá một đơn vị cồn một ngày và không quá 5 ngày/tuần. Bởi vì không ai trả lời được chính xác sau uống bao lâu có thể lái xe.

Các công thức tính nồng độ cồn trong máu chỉ có giá trị tham khảo để một người có thể quyết định uống hay không, tự điều chỉnh lượng bia rượu khi uống, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc, đặc biệt là cân nhắc khi điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống", Vụ phó Vụ Pháp chế thông tin.

Tham khảo cách tính nồng độ cồn bằng công thức:

Nồng độ cồn trong máu: C = 1,056*A:(10W*R)

Trong đó A là số đvc uống vào, W là cân nặng, R là hằng số hấp thụ rượu theo giới tính (r = 0,7 với nam và r = 0,6 với nữ).

Nồng độ cồn trong khí thở: B=C:210

Tốc độ đào thải nồng độ cồn trong máu: T=C:0,015

Ví dụ: Một nam giới 65kg uống 440ml bia 5% cồn tương đương 2 đơn vị cồn thì nồng độ cồn trong máu là C= 1,056*20:(10*65*0,7)= 0,04641 và tương đương 46,41mg/100ml máu.

Nồng độ cồn trong khí thở: B=C:210= 46,41:210=0,22mg/lít khí thở.

Tốc độ đào thải Nồng độ cồn trong máu: T=C:0,015 = 0,04641:0,015=3 giờ.

Theo Khampha

Chủ đề khác