VnReview
Hà Nội

Vì đâu mà 1/4 số lợn trên thế giới lại chết chỉ trong chưa đầy một năm?

*Bài viết là phóng sự điều tra của cây viết trẻ Yanzhong Huang thuộc tờ New York Times nhân dịp về Trung Quốc. Câu chuyện ở Trung Quốc nhưng cũng phần nào phản ánh thực trạng tương tự ở Việt Nam.

Trong một chuyến về thăm quê ở bên bờ sông Dương Tử ở miền đông Trung Quốc mới đây, người thân đã vui mừng chào đón tôi. Như mọi lần, một bữa tiệc thịnh soạn được bày ra, gồm có cá rô hấp, cua lông, tôm sông chiên giòn và thịt lợn om.

Người cha đã 84 tuổi vẫn ân cần nấu món thịt lợn cho tôi mặc dù giá của nó bây giờ đắt gấp đôi so với năm trước. Lần này, ông không còn lấy thịt lợn từ anh trai tôi nữa. Anh tôi từng là người cung cấp thịt lợn nhiều nhất ngôi làng này nhưng giờ thì đã hết. Tất cả 150 con lợn trong trang trại của anh tôi đều đã chết và bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi.

Dịch lần đầu bùng phát tại Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh vào đầu tháng 8/2019. Đến cuối năm 2019, toàn bộ đàn lợn của Trung Quốc đã giảm khoảng 40%. Trung Quốc hiện chiếm hơn một nửa nguồn cung thịt lợn trên toàn cầu tính tới năm 2018. Nhưng chỉ riêng dịch bệnh đã giết chết gần 1/4 số lượng lợn trên thế giới.

Theo Li Defa, trưởng khoa Khoa học và Công nghệ Động vật tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, dịch tả lợn Châu Phi đã gây ra thiệt hại kinh tế lên tới 141 tỷ USD cho Trung Quốc tính đến tháng 9/2019. Trong khi đó Qiu Huaji, một chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về các bệnh truyền nhiễm của lợn khẳng định dịch bệnh lần này có sức tàn phá khủng khiếp không kém một cuộc chiến tranh. Bởi lẽ nó ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và sinh kế của người dân, đồng thời tác động đến chính trị, kinh tế và xã hội.

Chị dâu tôi đau xót chia sẻ: "Nhà ta đã mất hàng trăm ngàn nhân dân tệ". Tôi có hỏi: "Chính phủ có bồi thường cho số lợn chết không?". Chị dâu cho biết: "Chính phủ chỉ tính 100 nhân dân tệ cho mỗi con lợn chết. Con số ấy quá nhỏ nhoi và chẳng giúp được là bao". Số tiền này tương đương 15 USD/con.

Chính phủ nói rằng, họ sẽ trả khoảng 170 USD/con lợn bị tiêu hủy nhưng tính toán dựa trên tổng số lợn bị chết hoặc buộc phải tiêu hủy. Trong suốt thời gian có dịch, hai vợ chồng anh chị tôi đã cố gắng bán tống bán tháo những con lợn còn sống dù không biết chúng có bệnh hay không.

Sự đau khổ của anh trai tôi, chị dâu và cả vợ tôi đã phơi bày những thiệt hại mà dịch tả lợn Châu Phi đã gây ra trên khắp Trung Quốc.

Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) từng bộc lộ những thiếu sót lớn của hệ thống y tế công cộng tại Trung Quốc khi nó trở thành đại dịch bùng phát vào năm 2002-2003. Trong khi đó với tình hình dịch tả lợn Châu Phi hiện nay, nó đã phơi bày những điểm yếu về năng lực phòng chống bệnh tật trên động vật của Trung Quốc.

Theo Yu Kangzhen, thứ trưởng bộ nông nghiệp Trung Quốc cho biết, các địa phương đang phải vật lộn với dịch tả lợn Châu Phi chỉ vì thiếu nhân sự, nguồn tài trợ và các nguồn lực khác để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên rõ ràng những lý do đó không thể đem ra để lý giải cho tốc độ lây lan chóng mặt của dịch bệnh tại Trung Quốc.

Quay trở lại hồi năm 2007, Nga cũng đã phải đối mặt với dịch bệnh trên đàn lợn, đầu tiên là ở khu vực phía Nam vùng Kavkaz. Tuy nhiên nhờ một hệ thống theo dõi và phát hiện dịch bệnh khoa học nên phải mất tới một thập kỷ sau đó, dịch tả lợn Châu Phi mới lan tới vùng phía đông Siberia, cách khoảng hơn 5 ngàn km tính từ vùng dịch. Còn ở Trung Quốc, bệnh dịch này chỉ mất hơn 6 tháng để lan rộng ra khắp cả nước.

Nguyên nhân dẫn tới dịch bệnh này lan nhanh là do các biện pháp chưa triệt để của chính phủ Trung Quốc

Vào năm 2015, để ngăn nước bị ô nhiễm do phân động vật và chất thải khác, chính quyền Trung Quốc bắt đầu cấm chăn nuôi ở một số khu vực phía nam nước này. Tuy nhiên thay vì cho người chăn nuôi lợn công nghiệp thời gian để nâng cấp cơ sở chuồng trại để tuân thủ các tiêu chuẩn xử lý chất thải mới, chính quyền địa phương đã nhanh chóng cho tạm dừng và phá dỡ các trang trại, dẫn tới nguồn cung thịt lợn giảm mạnh ở miền nam Trung Quốc.

Theo quy định của chính phủ, khi phát hiện một con lợn bị nhiễm bệnh, tất cả đàn lợn của trang trại sẽ cần phải bị tiêu hủy.

Nhằm bù đắp sự thiếu hụt này, Trung Quốc đã vạch ra một chiến lược mới đó là "nuôi lợn ở miền Bắc và tiêu thụ ở miền Nam" vào tháng 4/2016. Những con lợn sau khi được nuôi lớn ở các tỉnh miền Bắc sẽ được chuyển vào trong Nam để tiêu thụ.

Nguyên nhân số 1: Trong số 689 triệu con lợn được nuôi để giết mổ trong năm 2017, có 102 triệu con được phân phối đi khắp các tỉnh tại Trung Quốc. Đây có thể là cơ hội để phát tán dịch bệnh từ tỉnh này qua tỉnh khác. Trên thực tế có khoảng 45% trong số 87 ca lợn nhiễm bệnh công bố hồi tháng 12/2018 có liên quan đến việc vận chuyển lợn đường dài. Chúng ta có thể tạm gọi đây chính là nguyên nhân số 1.

Tại thời điểm đó, sự lây lan đã có thể ngăn chặn kịp thời nếu có những báo cáo chính xác và kịp thời hơn.

Nguyên nhân số 2: Các cơ quan trung ương tuyên bố chỉ trả một phần tiền bồi thường cho nông dân. Phần tiền còn lại sẽ do chính quyền các địa phương gánh vác.

Nhưng tới cuối tháng 6/2019, nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc còn đang phải gánh khoản nợ lên tới 3 ngàn tỷ USD, tương đương khoảng 23% GDP của Trung Quốc trong năm 2018. Và khi chính quyền Bắc Kinh ra lệnh cho các địa phương phải kiên quyết chống dịch bệnh và ngăn chặn sự lây lan, đã có không ít địa phương gian dối không báo cáo tình hình dịch bệnh, cốt để tránh việc phải chi tiêu ngân sách quá nhiều trong bối cảnh còn đang nợ nần.

Tại tỉnh Sơn Đông, mặc dù dịch bệnh đã bùng phát từ tháng 8/2018 và đàn lợn đã giảm đáng kể. Nhưng theo báo cáo sau đó vào tháng 2/2019 chỉ ghi nhận có một ổ dịch với 17 con lợn bị mắc bệnh. Trái ngược lại người dân địa phương khẳng định dịch bệnh đang lây lan khủng khiếp ở Triệu Khánh, Quảng Đông. Và khi nhận yêu cầu tiền bồi thường cho nông dân, chính quyền ở đây cũng đã trả số tiền thấp hơn nhiều so với quy định của trung ương.

Như vậy nguyên nhân thứ hai đến từ việc các địa phương không báo cáo sớm tình hình để kịp tìm ra hướng giải quyết. Điều này dẫn tới việc nhiều người chăn nuôi lợn quyết định không báo cáo dịch bệnh và âm thầm chôn lấp lợn chết không theo đúng quy trình. Thậm chí còn có nhiều hộ bán tống bán tháo lợn bệnh, khiến dịch bệnh càng dễ lây lan hơn.

Đây cũng là cơ hội không thể tốt hơn cho những tay buôn. Họ thường đi đến nhiều hộ gia đình để thu mua những con lợn bệnh, sau đó chuyển đến các địa phương khác để tiêu thụ hoặc thậm chí xuất khẩu vượt biên để tránh bị các cơ quan chức năng thu giữ. Tại nhiều nơi ví dụ ở miền Bắc Trung Quốc, một số kẻ xấu còn cố tình lây lan dịch bệnh bằng cách dùng drone để thả thịt lợn bệnh vào các trang trại. Sau khi dịch bệnh bùng phát và khiến người dân sợ hãi, họ sẽ thu mua lợn với giá rẻ, tích trữ tới khi địa phương thiếu hụt thịt lợn, họ sẽ bán ra với mức giá lời hơn.

Nguyên nhân số 3: Mặc dù việc giết mổ tập trung từ lâu đã là một quy tắc an toàn mà tất cả mọi hộ gia đình chăn nuôi và đầu mối tiêu thụ thịt lợn phải tuân thủ. Tuy nhiên chính quy tắc này lại đang tiếp tay cho dịch bệnh ngày càng lan rộng. Chính những lò mổ tập trung đang trở thành nơi trung gian truyền nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.

Bất chấp tất cả những nguyên nhân kể trên, chính phủ Trung Quốc cho biết đang kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Và trong bối cảnh thiếu thịt lợn, chính phủ đã bắt đầu khuyến khích người dân tái đàn trở lại.

Bên ngoài làng, một trang trại nuôi lớn dự kiến sẽ hồi phục trở lại sau khi phải dừng hoạt động. Nguồn kinh phí hoạt động được cho lấy từ nguồn trợ cấp chính phủ và các khoản vay lãi suất thấp.

Đáng tiếc thay những người điều hành các trang trại nhỏ như của anh trai tôi không được may mắn như vậy. Anh tôi đã chuyển đổi trang trại lợn trước đây thành nơi nuôi gà. Anh hiện đang nuôi khoảng 400 con gà. Tuy công việc mới ít sinh lời hơn so với nuôi lợn nhưng ít ra không gặp nhiều rủi ro.

Tôi đã hỏi anh ấy rằng: "Anh sẽ làm gì nếu có một đợt cúm gia cầm xảy ra vào năm tới?". Anh ấy không trả lời được và chỉ nở một nụ cười đầy bất lực và mệt mỏi.

Tiến Thanh

Chủ đề khác