VnReview
Hà Nội

Người Hàn Quốc đấu tranh giành lại Tết Nguyên đán sau khi bãi bỏ như thế nào?

Người Hàn Quốc cùng một số quốc gia Á Đông khác cũng đón Tết Nguyên đán như Việt Nam vào ngày mùng 1 tháng Giêng âm lịch. Tuy nhiên, nước này đã trải qua một thời gian dài đấu tranh để đón sự trở lại của phong tục này.

Tết Nguyên đán của người Hàn Quốc được gọi là Seollal và là một trong 2 lễ lớn của đất nước này cùng với Tết trung thu. Cũng giống như Việt Nam và một số đất nước Á Đông khác như Trung Quốc, Singapore, Triều Tiên..., người Hàn Quốc đón tết cổ truyền vào ngày 1;tháng Giêng âm lịch.

Tết Seolla không chỉ là thời điểm người Hàn Quốc đón năm mới mà còn là dịp để nhớ về tổ tiên, gặp gỡ những thành viên trong gia đình. Họ thường mặc trang phục truyền thống - hanbok, thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, chơi trò chơi dân gian, ăn món ăn truyền thống, gặp gỡ mọi người... vào Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, người Hàn Quốc từng bỏ Tết Nguyên đán và phải mất một thời gian rất dài họ mới khôi phục lại được truyền thống này. Cụ thể hơn, vào năm 1876, Triều Tiên ký điều ước đảo Ganghwa với Nhật Bản như một động thái mở cửa và xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước. Đến năm 1910, Đại Hàn Đế Quốc đặt dưới sự thống trị của thực dân Nhật Bản.

Trong thời điểm đó, Nhật Bản yêu cầu Hàn Quốc 'ưu tiên xóa bỏ' lịch âm. Điều này dẫn đến việc Tết âm lịch bị gắn với cái tên Gujeong hay 'Tết lỗi thời'. Cũng chính vào thời đó, việc ăn Tết Nguyên đán với người Hàn Quốc là điều cấm kỵ. Ở một bức thư gửi nhật báo Dong-A Ilbo ngày 14/2/1924, một nhà văn Hàn Quốc đã viết: '10 ngày Tết ăn theo lịch dương như thể là 'ngày Tết của ai đó, chứ không phải của dân tộc mình''.

Sau khi giành được độc lập từ Nhật Bản, người Hàn Quốc bắt đầu khôi phục lại lịch âm và đấu tranh để có lại ngày Tết cổ truyền của mình. Trong một cuộc khảo sát vào năm 1985, 90% số người được hỏi tại Hàn Quốc muốn có lại ngày Tết Nguyên Đán. Cuối cùng, sau năm 1989, ngày Tết âm lịch mới được coi là ngày lễ chính thức tại Hàn Quốc. Cũng từ thời điểm này, người dân của 'xứ sở kim chi' mới được nghỉ lễ Seollal 3 ngày.

Khác với Hàn Quốc, người Nhật Bản đã bỏ Tết Nguyên đán và đón Tết dương lịch từ rất lâu. Tuy nhiên, đến hiện nay rất nhiều người Nhật Bản vẫn tiếc nuối với điều này. Anh Koji Kiromatsu, một doanh nhân chuyên xuất khẩu đồ gỗ sang Việt Nam trả lời trên Zing cách đây không lâu cho biết: 'Tôi rất ganh tỵ với Việt Nam vì khi Tết cổ truyền đến cũng là vừa vặn hoa đào nở. Còn ở Nhật thời điểm tháng 1 đầu năm thường thời tiết còn rất lạnh, rất khó có thể cảm nhận mùa xuân mới đang về. Nếu được đón Tết theo lịch âm thì Tết đến cũng là lúc hoa anh đào nở, sắc xuân thật đẹp biết mấy!'.

Tết Nguyên đán là một dịp lễ đầu năm âm lịch và có ý nghĩa rất quan trọng tại Việt Nam và một số đất nước Á Đông. Vì Tết âm lịch tính theo lịch mặt trăng nên dịp này sẽ muộn hơn Tết dương lịch. Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm 2020 với người Việt Nam sẽ rơi vào ngày 25/1 dương lịch.

T.T

Chủ đề khác