VnReview
Hà Nội

Trình tự ngày Tết của người Việt thực hiện thế nào cho “chuẩn”?

Tết là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt với nhiều tập tục truyền thống mang ý nghĩa thieeng liêng được các thế hệ lưu giữ và phát huy.

Thăm mộ tổ tiên

Con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau đi thăm viếng, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên và người thân của mình. Đây là một phong tục phổ biến của người Việt, thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.

Cúng tất niên

Các gia đình tại Việt Nam thường làm mâm cơm thắp hương mời thần linh, gia tiên về ăn tết cùng gia đình vào chiều 30 Tết đồng thời để kết thúc một năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới.

Đón giao thừa

Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, là thời gian quan trọng khi đất trời giao hòa. Lễ cúng giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch diễn ra vào phút cuối cùng của năm với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng giao thừa được thực hiện ở ngoài trời.

lễ cúng giao thừa

Hái lộc

Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Hái lộc thường được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết để cầu may mắn, rước lộc vào nhà.

Xông đất

Sau thời điểm giao thừa, bước sang năm mới, ai là người đầu tiên bước vào nhà cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó là người xông đất.

Theo quan niệm của người Việt, người xông đất đầu năm rất quan trọng vì vậy, các gia đình thường chọn những người hợp tuổi, hiền lành, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt, tính tình vui vẻ để xông đất nhà mình.

Chúc tết và mừng tuổi

Người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè trong những ngày Tết. Thường trong sáng mồng một Tết, con cháu sẽ tới chúc thọ, mừng tuổi ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại những đồng tiền mới đựng trong phong bao lì xì màu đỏ để lấy may kèm theo những lời chúc các con cháu hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, hạnh phúc, vui vẻ trong năm mới. Tiền mừng tuổi không quan trọng ở số tiền nhiều hay ít mà quan trọng ở ý nghĩa.

Xuất hành

Ngày mồng một Tết Nguyên Đán, người Việt thường chọn giờ đẹp, hướng đẹp phù hợp với tuổi để xuất hành với hy vọng gặp may mắn mỗi khi ra khỏi nhà.

Đi lễ Chùa đầu năm

Phong tục đi lễ chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Đi lễ Chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.

đi lễ Chùa đầu năm

Ý nghĩa các phong tục ngày Tết

Tết với người Việt mang rất nhiều ý nghĩa. Tết kết nối quá khứ và hiện tại, mở ra đường hướng tương lai. Tết bắt đầu với những tin yêu và hy vọng. Tết rũ bỏ tị hiềm, khúc mắc trong tâm tưởng để con người trở nên rộng lượng, nhân hòa hơn. Người Việt coi Tết như thời điểm "dọn lại mình" bằng những điều tốt đẹp hơn, tươi sáng hơn. Những tập tục truyền thống được các thế hệ Việt lưu giữ, phát huy chính là cách nâng giá trị cho Tết Việt.

Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp với tục tiễn ông Táo về trời, còn gọi là Tết ông Công ông Táo.

Ý nghĩa quan trọng nhất trong Tết Việt là sự đoàn viên. Theo truyền thống, ở mỗi gia đình Việt vào dịp Tết, dù ai đi đâu, làm gì, xa xôi cách trở thế nào, đều cố gắng trở về nhà. Trở về không chỉ mang nghĩa thông thường là tìm về nơi chốn có ông bà, cha mẹ, hay nơi sinh ra lớn lên, in dấu một thời thơ dại. Trở về ở đây mang ý nghĩa về với cội nguồn để được soi mình vào gốc gác mà sống vững vàng hơn.

Hướng về nguồn cội với người Việt không chỉ là tình cảm dành cho người đang sống mà còn bao hàm cả những thế hệ đã khuất. Trong gia đình, nơi được trang hoàng, sắp đặt cẩn trọng nhất vào dịp Tết là bàn thờ gia tiên, bởi nơi đó vong linh sẽ về ngự trị, cùng sum vầy ăn Tết.

Tết đoàn viên như vậy càng tròn vẹn ý nghĩa nên một phong tục không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về là phong tục cúng rước ông bà ngày Tết. Thờ cúng tổ tiên, ông bà thể hiện sự tri ân của các thế hệ đi sau với những người có công sinh thành, dưỡng dục, nhìn rộng ra là những người tạo dựng nền tảng cho cuộc sống tốt đẹp, nối tiếp nhau. Dòng chảy ân tình này trở thành truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt.

Tết là thêm một năm mới, thêm năm mới là thêm tuổi. Mừng tuổi cũng là phong tục ngày Tết nhiều ý nghĩa, kèm theo tục mừng tuổi là lì xì. Theo quan niệm của người Việt, mừng tuổi đầu xuân thay cho lời chúc may mắn, sức khỏe và sung túc. Mừng tuổi được thực hiện vào đầu năm mới, ngày mùng 1 Tết, con cháu trong gia đình sum vầy, chúc thọ ông bà, cha mẹ. Ý nghĩa chính không nằm ở tiền, mà quan trọng ở thông điệp con cháu chúc ông bà bách niên giai lão, ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, trẻ nhỏ thêm tuổi thì càng trưởng thành, ngoan ngoãn.

Theo GiadinhNet

Chủ đề khác