VnReview
Hà Nội

Tin buồn: Phải mất từ 1-3 năm mới có vắc-xin chống lại virus Corona

Một số công ty công nghệ sinh học đã bắt đầu lên kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vắc-xin chống lại virus Vũ Hán nhưng cũng giống như các dịch bệnh Zika và Ebola, có lẽ chúng ta sẽ phải chờ nhiều năm nữa mới có thể sử dụng vắc-xin.

Theo báo Business Insider, các quan chức y tế Mỹ và nhiều tổ chức y tế toàn cầu đang rốt ráo đối phó với sự lây lan của loại virus chết người đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Những biện pháp được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đó là khoanh vùng ổ dịch, tích cực phát hiện các trường hợp nghi vấn. Ngoài ra, các công ty sinh học cũng đã bắt đầu nghiên cứu một loại vắc-xin mới nhằm chữa trị căn bệnh này.

Một số công ty có thể kể đến như Moderna, Novavax và Inovio đã công bố kế hoạch phát triển vắc-xin sơ bộ. Tuy nhiên nếu nhìn lại lịch sử chống các căn bệnh truyền nhiễm khác như Ebola, Zika và hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) cho thấy, việc chế tạo ra vắc-xin ngăn chặn căn bệnh này sẽ đầy thách thức và mất nhiều thời gian.

Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIH) cho biết, các thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về vắc-xin chống lại virus corona sẽ chỉ có thể thực hiện trước mùa hè này.

Fauci chia sẻ: "Chúng tôi có thể tiến hành thử nghiệm nhưng trừ phi không có những rào cản bất ngờ xuất hiện. Giai đoạn 1 của thử nghiệm sẽ bắt đầu trong khoảng 3 tháng".

Nếu bạn nghi ngờ về sự chậm trễ này thì bạn cần biết, vắc-xin Ebola lần đầu tiên được phê duyệt tại Mỹ hồi tháng trước sau khoảng 2 thập kỷ nghiên cứu và 4 năm thử nghiệm lâm sàng trên hàng ngàn người. Viện Y tế quốc gia Mỹ đang thử nghiệm một loạt các mẫu vắc-xin chống lại bệnh Zika, một loại virus do muỗi lan truyền vào năm 2015.

Vào năm 2003 khi dịch SARS bắt đầu bùng phát cũng đã dẫn đến một cơn sốt vắc-xin. Nhưng hơn 15 năm sau vẫn chưa có một mẫu vắc-xin cụ thể nào được chọn để chữa trị cho người bệnh. Một phần bởi những nỗ lực y tế công cộng đã giúp ngăn chặn sự lây lan của virus, giảm số ca nhiễm bệnh và giảm sự cần thiết về một loại vắc-xin mới.

Maria Elena Bottazzi, đồng giám đốc Trung tâm Phát triển Vắc-xin thuộc Bệnh viện Trẻ em Texas cho rằng, một thách thức khác chính là việc tìm kiếm nguồn tài trợ để phát triển và sản xuất vắc-xin hàng loạt.

Bottazzi cho biết, những khoản tài trợ rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến quá trình phát triển vắc-xin. Cụ thể khi nhóm nghiên cứu của Bottazzi đang phát triển vắc-xin SARS thì lại bùng phát Hội chứng hô hấp ở Trung Đông (MERS).

Lúc này các nguồn tài trợ lại bắt đầu chuyển hướng sang tập trung phát triển vắc-xin chống lại dịch bệnh MERS, dẫn tới việc nghiên cứu các mẫu vắc-xin SARS bị chậm trễ. Với dịch bệnh coronavirus mới, Bottazzi cho rằng thách thức phía trước còn rất lớn.

Có thể mất từ 1-3 năm để phát triển vắc-xin

Bottazzi ước tính rằng, có thể mất từ 1-3 năm để phát triển vắc-xin chống lại virus Vũ Hán.

Moderna, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại Cambridge, Massachusetts hiện đang trong quá trình sản xuất một loại vắc-xin mới. Nhưng CEO của công ty, ông Stephane Bancel thừa nhận rằng, con người vẫn còn nhiều điều chưa biết về căn bệnh này và vẫn còn nhiều thách thức trong việc thử nghiệm vắc-xin.

Bancel cho biết: "Chúng tôi không biết nhiều về thời gian ủ bệnh của virus. Có thể là 2 ngày nhưng cũng có thể 2 tuần. Chúng tôi không biết một người bị bệnh trong bao lâu, 1 ngày hay 3 tuần? Những thông tin này rất quan trọng đối với việc chế tạo vắc-xin".

Dịch bệnh đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Ảnh Business Insider

Triệu chứng của dịch bệnh viêm phổi lạ có các đặc điểm chung là ho, đau họng, chảy nước mũi, có thể sốt, đau đầu và khó thở. Khi bệnh tiến triển nặng hơn có thể gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tính, sốc nhiễm trùng và rối loạn đông máu.

Theo số liệu do chính quyền Trung Quốc công bố, đã có hơn 830 người bị lây nhiễm virus corona và có 26 người chết. Dịch bệnh cũng đã lây lan sang ít nhất 9 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tiến Thanh

Chủ đề khác