VnReview
Hà Nội

Tổng thống Mỹ phóng tên lửa hạt nhân như thế nào?

Biscuit, Footbal, và mọi thứ khác liên quan đến quy trình phóng tên lửa hạt nhân của Mỹ.

nuke

Tổng thống Mỹ, Donald Trump, có thể phóng một quả tên lửa hạt nhân bất kỳ khi nào ông muốn. Không ai có thể can thiệp vào vấn đề này. Ông cũng không phải hỏi ý kiến Quốc hội, Lầu năm góc, hay bất kỳ ai trong nội các trước khi quyết định sử dụng đến loại vũ khí có sức hủy diệt khủng khiếp nhất lịch sử thế giới.

"Quy trình này thực ra đơn giản đến đáng sợ" – Eryn MacDonald, một nhà phân tích tại Union of Concerned Scientists, một tổ chức phi lợi nhuận gồm các nhà khoa học tận tâm vì một thế giới an toàn hơn, cho biết. "Mọi người đều nói về cái nút bấm lớn màu đỏ, nhưng tất nhiên làm gì có thứ đó".

Nước Mỹ có 1.365 món vũ khí hạt nhân được triển khai trong các dàn phóng tên lửa, các máy bay ném bom, và tàu ngầm, và gần 4.000 món khác đang nằm trong kho dự trữ. Trong số này, có 650 món là B83. Với khối lượng 1,2 tấn, B83 là loại vũ khí hạt nhân mạnh nhất trong kho vũ khí của Mỹ, mạnh hơn 80 lần so với quả bom từng được thả xuống Hiroshima. Chỉ một trong số đó cũng đủ để tạo nên một vụ nổ kinh thiên động địa, thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới.

Và khi nước Mỹ đang trong tình hình cực kỳ căng thẳng với Iran – bởi kế hoạch ám sát Đại tướng Qasem Soleimani của Donald Trump, người ta bắt đầu đặt ra những câu hỏi về cơ chế kích hoạt một cuộc chiến hạt nhân. Như đã nói ở trên, Donald Trump là người duy nhất nắm quyền phóng bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào, vào bất kỳ thời điểm nào mà ông muốn.

Để khởi đầu quy trình, Tổng thống Mỹ sẽ cần Biscuit và Football.

"Luôn có một phụ tá đi cùng, mang chiếc cặp da khẩn cấp của Tổng thống" – MacDonald nói. "Chiếc cặp da khẩn cấp của Tổng thống" chính là tên gọi chính thức của "Football". Football một chiếc va ly quân sự bằng nhôm của hãng Zero Halliburton, được phủ da đen bên ngoài. Football và vị phụ tá mang nó xuất hiện khắp nơi trong các bức ảnh chụp Tổng thống. Vào năm 2017, vị phụ tá này thậm chí còn chụp một bức ảnh selfie với một nhà đầu tư đã về hưu tại Mar-a-Lago. Trong hình ảnh đầu bài, bạn có thể thấy một vị phụ tá quân sự xách theo Football đi sau lưng Tổng thống Donald Trump. Để bắt đầu phóng vũ khí hạt nhân, Tổng thống có thể tự mình đến thẳng Lầu Năm Góc, hoặc sử dụng trang thiết bị liên lạc bên trong Football để gọi cho Trung tâm Chỉ huy Quân sự Quốc gia tại Lầu Năm Góc.

Một khi Tổng thống đã thực hiện cuộc gọi, ông cần Biscuit để xác nhận danh tính. Biscuit là một tờ giấy ép laminate có ghi một đoạn mã dài gồm số và ký tự mà Tổng thống lúc nào cũng mang theo bên mình. Một mật mã xác thực danh tính Tổng thống được ẩn giấu trong đoạn mã đó và được thay đổi mỗi ngày bởi Cơ quan An ninh Quốc gia. Tổng thống không cần phải nhó toàn bộ đoạn mã, chỉ cần nhớ vị trí của mật mã ngày hôm đó giữa một loạt các ký tự khó hiểu kia.

Một khi danh tính đã được xác thực, Tổng thống có thể chọn từ một menu các loại hình tấn công đã được chọn sẵn cho mình. Theo Marin Pfiefer, một nghiên cứu sinh tiến sỹ chuyên về nhân chủng học vũ khí hạt nhân tại Đại học New Mexico, hệ thống menu này xuất hiện từ thời chính quyền Carter.

"Carter muốn rút ngắn danh sách lựa chọn" – Pfiefer nói. Những lựa chọn đó có kèm theo ước tính số lượng thương vong mỗi lần tấn công. "Do đó, về cơ bản, thì Tổng thống sẽ nói kiểu như ‘Tôi muốn món Nga chín vừa và món Trung Quốc chín kỹ', Lầu Năm Góc sẽ hỏi ‘Ngài Tổng thống, ông có muốn chừa lại nhà lãnh đạo không?' (tức không ném bom hạt nhân vào tòa nhà chính phủ), và Tổng thống có thể đáp là ‘Không, dọn sạch chúng luôn'".

Tại thời điểm đó, các mệnh lệnh sẽ được phổ biến xuống các hạm đội tàu ngầm, các hầm chưa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), và các đội máy bay ném bom để thực hiện. Tất cả mọi thứ diễn ra chỉ trong vòng vài phút. Logic thời Chiến tranh lạnh xoay quanh ý tưởng "Hủy diệt nhau hoàn toàn" – thứ duy nhất khiến Liên bang Soviet không phóng tên lửa hạt nhân vào Mỹ là bởi họ biết ngay khoảnh khắc Mỹ phát hiện ra vụ phóng tên lửa, Mỹ sẽ đáp trả bằng kho vũ khí hạt nhân của chính mình.

Những người thiết kế nên trạng thái cân bằng đáng sợ này muốn đảm bảo rằng chỉ cần phóng một vũ khí hạt nhân thôi cũng sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt nền văn minh loài người. Để đảm bảo điều đó xảy ra, quy trình ra lệnh và phóng một loại vũ khí hạt nhanh phải thật nhanh.

"Nó phải là một thủ tục rất nhanh" – MacDonald nói. "Vào thời đó, chúng ta còn lo ngại về những cuộc tấn công bất ngờ từ phía Soviet, và chỉ có 10 phút từ khi chúng ta phát hiện ra các tên lửa cho đến khi chúng đến mục tiêu. Chúng ta cần phải đưa ra các quyết định thật nhanh chóng. Thời thế đã thay đổi, nhưng chúng ta vẫn giữ thủ tục này".

Như vậy, theo thiết kế, thứ vũ khí có sức hủy diệt kinh hoàng nhất mà loài người từng tạo ra lại có thể được triển khai bởi chỉ một người duy nhất trong vài phút ngắn ngủi.

"Tổng thống hầu như có quyền phóng tên lửa hạt nhân không giới hạn" – Pfiefer nói. "Suy cho cùng, không có ai có đủ tư cách pháp lý để kiểm tra lại và nói kiểu như ‘Yes, lệnh phóng này ok đấy. Làm đi', hay ‘Cái lệnh nhảm nhí, đừng có làm nữa'".

nuke

Một lính thủy đánh bộ Mỹ mang mã phóng hạt nhân đến Nhà trắng vào ngày 22/4/2018

Tuy nhiên, một cuộc tấn công hạt nhân vẫn có thể không diễn ra dù Tổng thống đã ra lệnh. "Mỗi giai đoạn của quá trình phóng có sự tham gia của nhiều cá nhân" – Pfiefer nói. "Có một hệ thống bầu chọn tại hầm ICBM. Các tàu ngầm phóng tên lửa đòi hỏi một lượng lớn hạm đội và mệnh lệnh".

Ví dụ, trong một hầm ICBM, 5 đội, mỗi đội gồm 2 người, phải xoay các khóa một cách đồng bộ để "bầu chọn" có tuân thủ lệnh và phóng vũ khí hạt nhân hay không. Hai trong số năm đội đó phải bầu chọn phóng, nếu không mệnh lệnh sẽ không được thông qua. Trên một tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân, tàu phải nổi lên ở một độ sâu nhất định và tuân theo một danh sách phức tạp các thủ tục để phóng vũ khí hạt nhân.

Trong quá trình đó, có vô vàn những tình huống khiến một người nào đó từ chối mệnh lệnh, có nghĩa họ thách thức một mệnh lệnh trực tiếp từ Tổng chỉ huy quân đội mà không bị tác động bởi bất kỳ tình huống hay thông tin nào từ bên ngoài.

Việc các binh sỹ trong quân ngũ từ chối một mệnh lệnh trực tiếp là rất khó có khả năng xảy ra, nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không có. Trong quá khứ, đã có những người từng từ chối mệnh lệnh và ngăn thảm họa hạt nhân xảy ra. Trong khủng hoảng tên lửa Cuba, sỹ quan Hải quân Soviet là Vasili Alexandrovich Arkhipov đã đề nghị thuyền trưởng của mình ngừng phóng vũ khí hạt nhân.

Năm 1983, sỹ quan quân đội Soviet là Stanislav Petrov đang ngồi trong một boong-ke ở phía Nam Moscow, giám sát báo động, thì hệ thống máy tính của anh cho biết Mỹ vừa phóng 5 tên lửa về phía Nga. Anh này cho rằng đó là báo động nhầm và từ chối kích hoạt một cuộc phản công.

Trong trường hợp của cả Arkhipov và Petriv, các hệ thống máy móc đã gặp lỗi, và nếu họ không giữ được cái đầu lạnh, chiến tranh hạt nhân có lẽ đã nổ ra. Xét việc chỉ một người cũng có thể dễ dàng ra lệnh tấn công hạt nhân, thật đáng ngạc nhiên khi kể từ Thế chiến II đến nay, thế giới vẫn chưa chứng kiến bất kỳ cuộc tấn công nào với sự góp mặt của vũ khí hạt nhân.

"Các trường hợp sử dụng vali hạt nhân nhiều khả năng xảy ra nhất luôn là vì tính toán sai, sự cố, lỗi con người, và căng thẳng leo thang ngoài ý muốn" – Pfiefer nói. Mọi thứ đều có thể dễ dàng xảy ra bởi quyền năng phóng vũ khí hạt nhân không thể kiểm soát của Tổng thống khi không có bất kỳ sự kiềm chế, cân nhắc, hay chấp thuận nào từ phần còn lại của chính phủ.

Minh.T.T

Chủ đề khác