VnReview
Hà Nội

Hiểu đúng về lễ cúng hóa vàng hay Tết Khai hạ trong dịp tết Nguyên Đán và tục đốt vàng mã

Lễ cúng gia tiên hay còn gọi là lễ cúng hóa vàng, Tết Khai hạ có ý nghĩa gì, thường được tổ chức vào lúc nào và vì sao lại có tục đốt vàng mã cho ông bà trong ngày này?

Bài viết tổng hợp dưới đây là những thông tin thú vị về lễ cúng hóa vàng, một nét đẹp truyền thống trong ngày tết của người Việt Nam.

Thị trường vàng mã, cá chép nhộn nhịp trước ngày tiễn ông táo về trời

Nguồn gốc sâu xa của tập tục đốt vàng mã trong tâm thức người cổ đại (phần 3)

Nguồn gốc sâu xa của tập tục đốt vàng mã trong tâm thức người cổ đại (phần 2)

Nguồn gốc sâu xa của tập tục đốt vàng mã trong tâm thức người cổ đại (phần 1)

(Ảnh: Môi trường và Đô thị)

Lễ hóa vàng và những lễ quan trọng trong tết Việt truyền thống

Quan niệm tâm linh của người Việt là, trong dịp Tết, người thân đã khuất ở cõi âm sẽ về chung vui với con cháu, do đó cần có thủ tục đón và tiễn đưa ông bà về ăn tết.

Theo truyền thống, 23 tháng Chạp là ngày cúng tiễn ông Táo về trời, còn ngày cuối cùng của tháng Chạp là 30 Tết (hoặc 29 nếu tháng thiếu), là ngày cúng tất niên và đón ông bà về ngự lại bàn thờ ăn Tết với con cháu. Trong ngày này, bàn thờ được sắp xếp, dọn dẹp chân nhang. Vàng mã của năm cũ cũng được đem đốt hết để "hóa" hết những gì còn vương vấn trong năm cũ.

Sau 3 ngày Tết, các gia đình lại làm một mâm cơm cúng lễ tạ năm mới. Với ý nghĩa chính là tiễn đưa ông bà về lại âm phủ sau những ngày ăn tết với con cháu nơi dương gian, lễ tạ năm mới còn được gọi là lễ hóa vàng cho tổ tiên, "đưa ông bà", lễ cúng đưa.

Lễ hóa vàng thường được tổ chức vào lúc nào?

Theo sách "Phương Sóc chiêm thú" của Đông Phương Sóc, thời xưa lễ tạ được thực hiện vào ngày mùng 7 tháng giêng, ngày khai hạ, ngày cuối cùng của Tết vì ngày thứ 7 đầu năm là ngày của người, còn các ngày khác từ mùng 1 đến mùng 8 là ngày của các giống thực vật, động vật khác.

Ví dụ, mùng 1 là ngày của gà, mùng 2 là ngày của chó, mùng 3 là ngày của lợn, mùng 4 là ngày của dê, mùng 5 là ngày của trâu, mùng 6 là ngày của ngựa, mùng 8 là ngày của thóc.

Đông Phương Sóc là một học giả Trung Quốc kỳ trí hơn người, tinh thông văn sử. Ông sinh cùng thời với nhà sử học nổi tiếng Tư Mã Thiên, được vua Hán Vũ Đế trọng dụng tài năng.

Thời nay, do điều kiện sống, sinh hoạt thay đổi nên lễ hóa vàng có thể được thực hiện sớm hoặc muộn hơn tùy theo mỗi gia đình, chủ yếu từ mùng 3 đến mùng 10 Tết Nguyên Đán, có gia đình còn cúng lễ từ mùng 2.

Còn theo giáo sư sử học Lê Văn Lan, hóa vàng là để tiễn đưa tổ tiên về lại cõi "vĩnh hằng", do đó nên chọn mùng 4, 5 vì mùng 3 được xem là ngày Tết thầy, nên để tổ tiên vẫn ở lại ăn Tết.

Lễ hóa vàng theo phong tục được cúng như thế nào?

Do được tổ chức khi hết tết nên tên gọi chính thức của lễ hóa vàng là Tết Khai hạ. Việc cúng lễ Tết Khai hạ cũng quan trọng không kém lễ Giao thừa. Ngày xưa, lễ này có cả đốt pháo mừng trước khi dâng hương và nhiều gia đình còn làm cả lễ ngoài trời y như lễ Giao thừa.

(Ảnh: Dân trí)

Lễ hóa vàng hay lễ tạ năm mới gồm có lễ tạ gia tiên, gia thần và chư vị thánh thần, chư Phật.

Lễ vật dâng cúng trong lễ hóa vàng thường gồm nhang, hoa, ngũ quả, trầu cau, rượu, đèn, nến, bánh kẹo, mâm lễ thần linh mặn hoặc chay cùng mâm lễ tổ tiên gồm đầy đủ các món ăn ngày Tết tinh khiết, sạch sẽ.

Phong tục trong suốt những ngày Tết Nguyên Đán là các bậc thần linh và gia tiên luôn ngự trên bàn thờ nên gia chủ phải luôn để hương, đèn, nến cháy sáng để tôn kính thần linh, tổ tiên. Sau mỗi lần dâng cúng lễ vào các buổi, các ngày trong Tết, có thể hạ lễ các vật cúng không thể để dài ngày như xôi thịt, cơm canh. Các vật dâng cúng để được lâu như tiền vàng, bánh chưng, mứt kẹo, ngũ quả, trầu cau… thì đến sau lễ hóa vàng mới được phép hạ xuống.

Mâm cơm chay cúng hóa vàng mùng 2 tết của một gia đình ở quận 6, TP.HCM gồm bánh tét chay và các món chay (Ảnh: HLT)

Phần hóa vàng diễn ra sau phần lễ, đầu tiên là hóa tiền vàng của gia thần, rồi tới tiền vàng, đồ dùng của tổ tiên.

Thời xưa, người ta đặt vài cây mía dài tại nơi đốt vàng tượng trưng cho đòn gánh để các linh hồn lấy làm gậy chống hoặc mang hàng hóa. Ngày nay, nhiều vùng ở đồng bằng Bắc Bộ còn có tục đưa tổ tiên về lại thế giới bên kia bằng nghệ thuật hát chèo.

Vì sao lễ cúng hóa vàng lại có tục đốt vàng mã?

Lễ cúng hóa vàng là một hình thức tiễn gia tiên về trời sau những ngày về ăn Tết cùng con cháu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc nên lễ tiễn gia tiên này lại có thêm phần hóa vàng. Việc hóa vàng làm cho lễ cúng tiễn gia tiên mang thêm một ý nghĩa khác là cầu nguyện may mắn, tài lộc cho năm mới, chuẩn bị tiền đầu năm cho tổ tiên khi quay về cõi âm để tổ tiên phù hộ cho con cháu trên dương gian làm ăn phát đạt.

Trong loạt bài dài kỳ Nguồn gốc sâu xa của tập tục đốt vàng mã trong tâm thức người cổ đại trên VnReview tháng 3/2018, chúng tôi đã lý giải chi tiết nguồn gốc vàng mã ở nhiều góc độ từ khảo cổ học đến văn hóa.

Một số nền văn hóa cổ đại như Ai Cập, Trung Quốc và cả Việt Nam đều quan niệm chết không phải là hết mà là bắt đầu một cuộc sống mới nơi âm phủ. Dương sao âm vậy nên người xưa có tục chôn theo người chết các đồ vật khi còn sống, đồ mã như tượng nhà mồ (tục tùy táng), chôn người sống theo người chết (tuẫn táng)…

Từ đời Đường, thay cho các hình nhân, đồ vật thật, đồ mả chôn theo người chết khi có tang ma, người Trung Quốc chế ra giấy vàng mã. Hàng mã tồn tại một thời gian thì bị sa sút khi chư tăng Trung Quốc phản đối việc đốt vàng mã trong ngày lễ Vu Lan, trái với ý nghĩa của ngày này là dịp báo hiếu cho cha mẹ.

Sau đó, Vương Luân, hậu duệ Vương Dũ-ông tổ nghề làm vàng mã, bị thất nghiệp nên nghĩ kế làm người chết sống lại để người đời tin tưởng là nhờ hối lộ vàng mã mà thần thánh cho mình được phục sinh.

Kể từ đó, nghề vàng mã lại phục hưng, người dân Trung Quốc tiếp tục dùng vàng mã để đốt cho linh hồn gia tiên và thiên, địa, quỷ, thần trong tam, tứ phủ khi ma chay, tế lễ.

Theo nghiên cứu của cố đại lão hòa thượng Tố Liên, trò lừa "buôn thần bán thánh" của Vương Luân được ghi lại trong sách Trực Ngôn Cảnh Giáo.

(Ảnh: Muaban.net)

Tục đốt vàng mã từ Trung Quốc được truyền sang Việt Nam trong thời kỳ các triều đại phong kiến Trung Quốc đô hộ nước ta, theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, các bậc hòa thượng, thượng tọa Phật giáo.

Như vậy, không chỉ mang ý nghĩa tưởng nhớ và biết ơn tổ tiên, hóa vàng còn là một hình thức gửi tiền cho thần thánh, người đã khuất để họ được sung sướng nơi cõi âm và phù hộ lại cho người sống thành công trong sự nghiệp, học hành, kinh doanh.

Hàng chục năm qua, ý nghĩa cầu tài lộc của tục đốt vàng mã bị nâng lên quá mức khiến cho tình trạng mua và đốt nhiều vàng mã ngày càng phổ biến. Thống kê cho thấy mỗi năm người dân cả nước mua và đốt 50.000 tấn vàng mã, chỉ tính riêng số tiền thật chi tiêu cho vàng mã ở thủ đô Hà Nội đã là 400 tỷ đồng.

Những con số khổng lồ đáng giật mình này là số liệu từ năm… 2003, con số thực tế những năm gần đây ắt hẳn còn cao hơn nhiều.

Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng về thực trạng vung tiền "thật" mua vàng "giả" cho tổ tiên, thần thánh này.

Báo Lao động tháng 2/2018 dẫn lời nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đốt vàng mã có thể xem là trách nhiệm của con cháu đối với tổ tiên nhưng chỉ nên đốt tượng trưng, không phải tất cả mọi thứ đều có thể đem làm vàng mã để đốt như nhà lầu, xe hơi, điện thoại đời mới. Quan niệm "trần sao, âm vậy" về vàng mã của nhiều người Việt có phần mâu thuẫn.

"Nếu chúng ta đã suy nghĩ dương sao âm vậy thì hiện nay, theo xu hướng ít tiêu tiền mặt mà chủ yếu sử dụng thẻ thì tại sao không mở cho các cụ thẻ ATM ở dưới đó để họ sử dụng?", ông đưa ra một ví dụ hài hước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc:;Dương sao âm vậy, theo xu hướng ít tiêu tiền mặt mà chủ yếu sử dụng thẻ thì tại sao không mở cho các cụ thẻ ATM ở dưới đó để họ sử dụng?

Trong một bài phỏng vấn với báo An ninh thủ đô tháng 3/2018, ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, giáo sư tiến sĩ văn hóa học Nguyễn Chí Bền cũng nêu quan điểm giống với nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông chia sẻ, việc cúng và đốt vàng mã cho ông bà tổ tiên, Thánh, Thần, Mẫu là tín ngưỡng dân gian, nhưng khi tình trạng này quá mức như ở nhiều nơi hiện nay thì không còn là tín ngưỡng mà đã trở thành mê tín, không thể chấp nhận được trong xã hội. Quá nhiều loại vàng mã gây ra hậu quả tồi tệ là lãng phí tiền thật chuyển thành vàng mã đem đốt, môi trường xung quanh các di tích, đền chùa không còn an toàn vì luôn có lửa cháy.

Có thể thấy rằng, lễ cúng hóa vàng là một nét đẹp tâm linh truyền thống trong ngày Tết Việt. Tuy nhiên, phần hóa vàng chỉ nên được thực hiện ở mức vừa phải. Việc tổ chức cúng bái linh đình, đốt vàng mã quá nhiều vừa gây lãng phí, ô nhiễm môi trường vừa làm mất đi ý nghĩa ban đầu của phong tục này là thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên.

Linh Trần (tổng hợp)

Chủ đề khác