VnReview
Hà Nội

Nóng: WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu với virus corona

Vào rạng sáng ngày hôm nay 31/1 theo giờ Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng toàn cầu (PHEIC) đối với sự lây lan của virus corona bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, gọi đây là "sự bùng phát chưa từng có tiền lệ".

Tuyên bố này được ra sau phiên họp thứ ba của Uỷ ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế (IHR). Trong hai phiên họp trước, WHO đã từ chối tuyên bố dịch bệnh mới do virus corona gây ra là một PHEIC, với lý do họ tin tưởng Trung Quốc có thể kiểm soát được dịch bệnh này bên trong đường biên giới của mình.

Nhưng tới thời điểm này, "dịch bệnh đã lây lan tới 18 nước khác, nhiễm bệnh cho 98 người bên ngoài biên giới Trung Quốc, trong đó có 8 trường hợp lây từ người sang người ở Đức, Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ", Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO cho biết.

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom (trái) và giáo sư Didier Houssin, Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp, nói chuyện với truyền thông tại trụ sở của WHO ở Geneva ngày 30/1. Ảnh:;AP.

Theo số liệu của SCMP, hiện đã có tổng cộng 9.480 ca nhiễm bệnh do virus corona được xác nhận trên toàn thế giới, với 213 người tử vong. Tổng số ca nhiễm bệnh bên ngoài Trung Quốc đã lên tới 98, lây lan 18 nước khác nhau. Có 8 ca bên ngoài Trung Quốc lây từ người sang người, ở Đức, Nhật Bản, Việt Nam và Mỹ. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào bên ngoài Trung Quốc.

Mặc dù chưa có ca tử vong bên ngoài Trung Quốc nào được ghi nhận, và số lượng bệnh nhân ở các quốc gia khác vẫn còn thấp, nhưng Tiến sĩ Tedros cho biết các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có hệ thống y tế yếu kém nên chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với sự lây lan này.

Tình trạng khẩn cấp của WHO có ý nghĩa như thế nào?

Theo New York Times, tuyên bố của WHO không mang giá trị về pháp lý nhưng đây là lời cảnh báo từ cơ quan tư vấn sức khỏe hàng đầu thế giới đến tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc về tình hình nghiêm trọng hiện nay. Theo đó, các nước sẽ tự đưa ra quyết định có nên đóng cửa biên giới, hủy chuyến bay, sàng lọc hành khách tại sân bay hoặc thực hiện những biện pháp bảo vệ khác.

Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp cũng tăng thêm tính cấp bách cho bất kỳ đề nghị hỗ trợ kinh phí nào của WHO. Cho đến nay, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất - Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Mỹ và Việt Nam - vẫn đủ khả năng tự chi trả cho cuộc chiến chống lại virus corona.

Trong đợt dịch Ebola tại Tây Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo đã phải viện đến số lượng lớn kinh phí hỗ trợ để chống bệnh dịch bùng phát. Đây cũng là một trong những lý do khiến WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế.

Tuần trước, tại WHO có hai luồng ý kiến trái chiều. Tổng giám đốc của WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho rằng tuyên bố tình trạng khẩn cấp luôn là một quyết định khó khăn, vì đóng cửa biên giới và hủy nhiều chuyến bay có thể làm xáo trộn cuộc sống của hàng triệu người khỏe mạnh gần điểm khởi phát dịch bệnh và khiến kinh tế trì trệ.

Trong trường hợp xấu nhất, nguồn cung cấp thực phẩm và thuốc men có thể cạn kiệt, gây ra làn sóng hoảng loạn lan rộng, thậm chí còn có hậu quả lớn hơn chính dịch bệnh.

Các quy định về PHEIC được xây dựng sau đợt dịch SARS bùng nổ vào năm 2003 và thông qua bởi 194 quốc gia vào năm 2005. Từ đó tới nay, mới chỉ có 5 lần WHO tuyên bố PHEIC cho các đại dịch: cúm lợn H1N1 năm 2009, bại liệt năm 2014, Ebola năm 2014, Zika năm 2015 và một đợt tái bùng phát Ebola năm 2019.

Năm 2013, WHO cũng từng thành lập một ủy ban khẩn cấp để đánh giá liệu virus MERS có nên được tuyên bố là PHEIC hay không. Nhưng rốt cuộc sau nhiều phiên họp, họ kết luận rằng căn bệnh này không phải là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe quốc tế.

Với tuyên bố PHEIC mới hiện tại, trên thế giới có tổng cộng ba dịch bệnh được coi là Tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế cộng đồng là dịch Ebola tái bùng phát ở Tây Phi, dịch bại liệt tái bùng phát ở Trung Đông và dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra ở 19 quốc gia trên thế giới.

"Bây giờ, tất cả phải hành động cùng nhau để hạn chế lan rộng hơn nữa", Giáo sư Houssin nói. Cộng đồng quốc tế nên giúp các quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn chuẩn bị kỹ cho tình huống dịch bệnh bùng phát.

Các quốc gia nên có các biện pháp chống lại sự lan truyền tin giả và tin đồn sai lệch, cùng với đó là việc chia sẻ công khai và minh bạch các kiến ​​thức về virus cũng như dữ liệu dịch bệnh. WHO cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ mọi quốc gia bằng mọi cách có thể.

VH

Chủ đề khác