VnReview
Hà Nội

Ý nghĩa thật sự của lễ hóa vàng là làm việc thiện và thay đổi bản thân để tích phúc cho tổ tiên

Theo truyền thống Tết Nguyên Đán, trước tết là lễ đưa ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp, lễ Giao thừa mời ông bà về ăn tết cùng gia đình ngày 30. Hết tết là lễ tạ năm mới hay Tết Khai hạ, còn gọi là lễ hóa vàng để tiễn ông bà trở lại cõi âm thường được tổ chức trong khoảng từ mùng 3 đến mùng 10 tùy gia đình.

Lễ hóa vàng có phải chỉ là dịp bỏ tiền thật mua vàng giả để cầu xin ông bà, chư vị thánh thần nơi âm tào địa phủ phù hộ cho con cháu năm mới tài lộc, công danh, sự nghiệp đều thăng tiến?

Hiểu đúng về lễ cúng hóa vàng hay Tết Khai hạ trong dịp Tết Nguyên Đán và tục đốt vàng mã

Nguồn gốc sâu xa của tập tục đốt vàng mã trong tâm thức người cổ đại (phần 3)

Nguồn gốc sâu xa của tập tục đốt vàng mã trong tâm thức người cổ đại (phần 2)

Nguồn gốc sâu xa của tập tục đốt vàng mã trong tâm thức người cổ đại (phần 1)

Tết Nguyên Đán đối với người Việt Nam và các nước châu Á ăn tết theo lịch âm như Trung Quốc, Hàn Quốc là một quãng thời gian đặc biệt trong năm. Kỳ nghỉ tết thường kéo dài (nhất là những năm mà ngày tết rơi vào ngày nghỉ cuối tuần) nên chúng ta có điều kiện dành nhiều thời gian cho gia đình.

Sau một năm làm việc vất vả, ngày cuối năm, đứng trước bàn thờ thắp nén nhang cho ông bà, ai trong chúng ta cũng không tránh khỏi cảm giác bồi hồi, xúc động về những người thân đã khuất, nhất là khi đó là người mình gắn bó và có nhiều kỷ niệm khi còn sống. Giữa nhịp sống lo toan bận rộn, phong tục cúng ông bà ngày tết quả là một truyền thống đẹp giúp chúng ta lưu giữ sợi dây kết nối yêu thương và bày tỏ lòng hiếu thảo với tiền nhân.

Mâm cơm cúng Phật và ông bà mùng 1 tết của một gia đình ở TP.HCM (Ảnh: HLT)

Một điều đặc biệt trong lễ tạ năm mới và các lễ khác trong Tết như cúng ông Táo, cúng giao thừa... là ngoài phần cúng lễ còn có phần hóa vàng. Trên bàn thờ hay mâm cúng lễ ngày Tết của nhiều gia đình, ngoài nhang hoa, đèn nến, ngũ quả, bánh mứt, các món ăn ngày tết, thường có một xấp giấy tiền vàng mã. Ngoài ra, nhiều người còn dâng cúng các đồ dùng sinh hoạt bằng giấy vàng mã như quần áo, điện thoại, nhà, xe...

Vàng mã và tục hóa vàng đến từ đâu? Chúng tôi đã có loạt bài dài kỳ lý giải chi tiết sự tích vàng mã ở nhiều góc độ từ khảo cổ học đến văn hóa Nguồn gốc sâu xa của tập tục đốt vàng mã trong tâm thức người cổ đại trên VnReview tháng 3/2018. Xin tóm lược lại như sau:

Tục đốt vàng mã xuất phát từ các tục tuẫn táng, tùy táng, tức chôn người sống hay đồ mả các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày theo người chết. Trong tâm thức người xưa, chết không phải là hết mà là bắt đầu một cuộc sống mới ở cõi âm nên việc làm đồ mả cho người chết sẽ giúp họ có của cải để duy trì cuộc sống ở đó.

Theo thời gian, đồ mả biến hóa thành vàng mã, các loại giấy tiền vàng bạc và đồ dùng bằng giấy có tính biểu tượng và nhân văn hơn đồ mả hay người sống. Đến đời Vương Luân-hậu duệ của ông tổ nghề hàng mã là Vương Dũ ở Trung Quốc, nghề này bị sa sút nên Vương Luân đã dựng nên màn kịch đốt vàng mã làm người chết sống lại. Từ đó, người dân Trung Quốc lại tin theo và đốt vàng mã cho tổ tiên, các vị thần trong tam-tứ phủ trong những dịp tang ma, tế lễ.

Theo nghiên cứu của các nhà sử học, văn hóa và các cao tăng Phật giáo, tục đốt vàng mã từ Trung Quốc truyền sang Việt Nam đã hàng trăm năm. Do đó, trong các ngày lễ tết nói chung và lễ tạ năm mới nói riêng, ngoài phần cúng lễ để tưởng nhớ tổ tiên, người Việt Nam chúng ta còn đốt vàng mã để "xin" ông bà, thánh thần phù hộ cho gia đình mình thêm may mắn, làm ăn phát đạt, học hành tấn tới.

Với quan niệm đốt vàng mã để ông bà được sung túc nơi cõi âm và phù hộ lại cho con cháu phát tài lộc, vàng mã thời nay có đủ loại nhà lầu, xe hơi, điện thoại thông minh... nhiều kích cỡ và y như hàng thật. Tình trạng vung tiền mua và đốt thật nhiều vàng mã trở nên phổ biến trong các dịp Tết, lễ hội trước và sau tết, các ngày lễ truyền thống trong năm. Một thống kê từ năm 2003 cho thấy mỗi năm người dân nước ta bỏ tiền thật ra để mua đến 50.000 tấn vàng mã. Giá trị tiền thật của số vàng mã này có lẽ là rất lớn, và chỉ tính riêng ở Hà Nội thì số tiền chi cho vàng mã đã là 400 tỉ đồng.

Vàng mã thời nay có đủ loại nhà lầu, xe hơi (Ảnh: Vietnamnet)

Đốt vàng mã có thật sự đem lại tài lộc cho gia chủ như ý nguyện hay không? Chưa có lời khẳng định chắc chắn về vấn đề này. Chỉ biết là đã có hàng trăm bài báo, nhiều chuyên gia văn hóa, chư tăng Phật giáo lên tiếng phê phán tục đốt vàng mã bị lạm dụng quá mức đã trở thành hủ tục mê tín gây lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường. Và khi mục đích cầu may được đề cao thì số đông cũng quên đi ý nghĩa thật sự của những ngày lễ tết mà vàng mã xuất hiện.

Lật lại nguồn gốc của các tục chôn đồ thật, đồ mả theo người chết - tiền thân của vàng mã, quan niệm người chết cần của cải để tiếp tục cuộc sống ở thế giới khác chỉ là niềm tin trong dân gian. Theo các chư tăng Phật giáo, giáo lý nhà Phật không có chỗ nào đề cập tới vàng mã hay đốt vàng mã để người chết có đồ ăn, thức uống, quần áo, tiền bạc.

Kinh Phật dạy gì về việc báo hiếu cho các linh hồn đã khuất?

Mục đích của lễ tạ năm mới là để gia chủ "bày tỏ lòng biết ơn đến chư Phật, thần linh, gia tiên… đã luôn yểm trợ, phù hộ cho gia chủ trong một năm qua". Nhưng ý nghĩa quan trọng nhất của lễ tạ năm mới là "hồi hướng" đến các chư vị trên, tức là đem các công đức của gia chủ đã tu được trong đời sống hàng ngày để xoay cái nhân được hưởng phước báo gom về sự vãng sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới, nhằm mục đích liễu sanh thoát tử, cho đến rốt ráo thành Phật trong tương lai", lời đại đức Thích Giác Nguyên (Nam Định) trong một bài phỏng vấn với báo Lao động tháng 2 năm 2013.

Trong bài "Bàn về vàng mã", cố hòa thượng Tố Liên cũng nêu quan điểm tương tự:

Phàm là người hiếu tử thuận tôn, có lòng nhiệt thành, muốn làm phước độ vong thì phải làm thế này: "Tuỳ lực làm việc từ thiện, như là chẩn bần, cứu khổ, giúp người tàn tật, ốm đau, kẻ mồ côi, già yếu mà không ai cấp dưỡng, bắt cầu, đắp đường, thí thuốc, thí nước, làm nhà nghỉ mát giữa đường, trồng cây trái theo lộ, thí thực cô hồn...". Đó là bề ngoài, còn bên trong thì, cả nhà trai giới, niệm Phật tụng kinh, tọa thiền, tu tập để đem công đức ấy hồi hướng cho vong giả được phần tế độ, thế là báo ân báo hiếu mà âm siêu dương thới.

Cực lạc nghĩa là sung sướng vô cùng. Theo kinh điển Phật giáo Đại Thừa, Tây Phương Cực Lạc là một thế giới ở phương Tây có rất nhiều niềm vui và điều kiện thuận lợi cho dân chúng ở đó tu tập đến quả vị Niết Bàn, mục đích cao nhất của những người tu theo Phật. Niệm Phật là một trong những pháp tu - phương pháp tu hành, phương tiện để người tu tới được Cực Lạc, dễ dàng tu thành chánh quả.

Cố đại lão Hoà Thượng Thích Tố Liên là một tu sĩ Phật giáo có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, góp phần đưa Phật giáo nước ta hòa nhập với Phật giáo thế giới giai đoạn giữa thế kỷ 20. Ông sinh năm 1903, mất năm 1977, từng là phó Hội trưởng kiêm đại diện Ban chấp hành Hội Liên hữu Phật giáo thế giới, chi bộ tại Việt Nam, thành viên sáng lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam năm 1951, tiền thân Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất Phật giáo ở cả ba miền Bắc Trung Nam năm 1981.

Cố đại lão Hoà Thượng Thích Tố Liên

Bài viết về vàng mã của hòa thượng Tố Liên được đăng trên báo Đuốc Tuệ năm 1952, đến nay đã gần 60 năm mà vẫn còn nguyên giá trị. Thiết nghĩ, đem tiền làm từ thiện, giúp đỡ mọi người... để tạo phước cho ông bà theo lời Phật dạy có tính nhân văn cao hơn nhiều so với việc dùng tiền đó mua vàng giả để "hối lộ" thánh thần, vong hồn theo quan niệm dân gian từ Trung Quốc.

Một chương trình tặng quà cho người nghèo ở vùng xa nhân dịp Tết Nguyên Đán 2020 do các nhóm từ thiện ở TP.HCM tổ chức (Ảnh: Hành Trình Thắp Lửa);

Làm việc thiện, sửa đổi bản thân sống hướng thượng hơn rồi "hồi hướng" công đức của những hành động thiện lành đó cho tổ tiên, những việc này ai cũng làm được dù có niềm tin vào Phật pháp và tu theo Phật hay không. Thay vì bỏ quá nhiều tiền mua vàng giả thì chỉ nên đốt vàng ở mức tượng trưng và dành thời gian, tiền bạc cho những hành động thiện lành như thế, đó mới là lòng biết ơn sâu sắc dành cho người đã khuất và là ý nghĩa thật sự của ngày lễ tạ năm mới!

(Ảnh: Đặc san Hoa Đàm)

Linh Trần

Chủ đề khác