VnReview
Hà Nội

Cuộc sống ở tâm dịch Hồ Bắc qua con mắt của phóng viên công nghệ mắc kẹt tại đây nhiều ngày

Cuộc sống của Jane Zhang, một phóng viên công nghệ mắc kẹt tại Vũ Hán những ngày qua quả thực là những chuỗi ngày buồn tẻ khi cô chỉ có thể quanh quẩn ở nhà với sách, TV và các thiết bị công nghệ.

*Bài viết là chia sẻ của Jane Zhang, một phóng viên công nghệ đang mắc kẹt suốt nhiều ngày qua tại Hồ Bắc do lệnh phong tỏa toàn tỉnh

Là một phóng viên chuyên đưa tin về sự đổi mới của ngành công nghệ, tôi có lẽ chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải nếm trải cuộc sống của một người về hưu khi mới chỉ hơn 20 tuổi đầu.

Dậy sớm, tự nấu ăn, đọc sách và xem TV trước khi đi ngủ. Đúng vậy đó chính xác là lịch trình hàng ngày của tôi trong suốt 10 ngày qua tại Hồ Bắc, tâm dịch phát tán virus corona. Chỉ một thời gian ngắn sau khi từ Hồng Kông về quê ăn Tết ở gần biên giới Hồ Bắc với Trùng Khánh, tôi và hàng triệu người khác đã bị mắc kẹt tại đây khi chính quyền tỉnh phong tỏa mọi con đường để ngăn dịch bệnh lây lan.

Hiện tại tất cả sân bay, đường sắt, đường cao tốc và thậm chí là cả đường làng đều bị chặn hoặc đóng cửa. Nếu như Tết Nguyên Đán là thời điểm tuyệt vời để tham gia vào các hoạt động như hát karaoke, chơi bài, chơi mạt chược với bạn bè và người thân thì năm nay, các cuộc tụ họp đều phải hủy để tránh nguy cơ lây lan virus.

Sự cô lập bất đắc dĩ này buộc mọi người phải tìm đến các thiết bị công nghệ để đốt thời gian hoặc trò chuyện với người khác cho đỡ buồn.

Cha mẹ tôi giờ đây đã quen với việc đọc tin trên smartphone thông qua Jinri Toutiao, một ứng dụng tin tức phổ biến tại Trung Quốc thuộc sở hữu của ByteDance. Rồi sau đó họ lại xem TV trong bối cảnh tin giả và tin đồn về virus corona đang bủa vây trên Internet.

Đường phố ở Ân Thi, Hồ Bắc, nơi Zhang đang bị kẹt lại vắng tanh trong những ngày đầu năm mới

Cả gia đình tôi giờ đây chỉ chú tâm vào TV lúc 7h tối mỗi ngày để xem bản tin thời sự Xinwen Lianbo do đài CCTV sản xuất, đồng thời chiếu trên tất cả đài địa phương. Thời gian này, nhiều đài tryền hình Trung Quốc cũng tích cực sản xuất các chương trình đặc biệt về đại dịch corona.

Mặc dù tôi không phải là người thích chơi game nhưng thú thực, tôi đã phải chơi lại tựa game Candy Crush, một tựa game di động khá nổi tiếng cách đây vài năm trước. Tôi cũng chơi cả Werewolf, một trò chơi theo nhóm với những người cũng đang mắc kẹt tại nhà.

Một hàng rào với hàng loạt công văn, lệnh phong tỏa được dựng lên để chặn các phương tiện di chuyển qua

Cuối tuần qua, máy chủ của Tencent đã phải hoạt động hết công suất vì một lượng lớn game thủ truy cập để chơi game giết thời gian. Một số người đã cố gắng đăng nhập vào Game for Peace, một phiên bản của PUBG Mobile. Một số người dù đăng nhập thành công nhưng cũng khó chơi được trọn vẹn các trận đấu.

Trong khi đó, Plague Inc, một trò chơi có nội dung liên quan đến đại dịch và chiến lược phát tán virus lại đang đứng đầu bảng xếp hạng ứng dụng trả phí tại Trung Quốc. Ngoài ra có hàng triệu người, bao gồm cả tôi cũng liên tục xem trực tiếp quá trình thi công hai bệnh viện dã chiến Huoshenshan và Leishenshan ở tâm dịch Vũ Hán.

Mặc dù gia đình tôi không sử dụng các nền tảng video ngắn như Douyin và Kuaishou nhưng chính chúng tôi lại đang trở thành nguồn cung cấp thông tin cho những người bên ngoài muốn tìm hiểu thông tin về vùng dịch.

Thùng rác đựng khẩu trang y tế của mọi người

Tôi cảm thấy rất thất vọng khi truyền thống lì xì năm nay bị thui chột khá nhiều. Giống như nhiều người trẻ tuổi, tôi không thể đến gặp và lì xì cho ông bà nữa vì đang bị cấm đi lại. Tôi chỉ có thể gửi lời chúc qua điện thoại. Mặc dù việc gửi lì xì ảo thông qua các nền tảng thanh toán điện tử như WeChat Pay và Alipay không còn xa lạ tại Trung Quốc nhưng năm nay, hình thức lì xì này có lẽ sẽ bùng nổ.

Cảm tưởng những ngày qua thật là dài. Bầu trời thì xám xịt. Tôi ngồi bên cửa sổ và bất giác nhận thấy một ánh nắng hiếm hoi. Tôi có thể cảm nhận được một luồng không khí trong lành nhưng dĩ nhiên là qua lớp khẩu trang.

Trên đường phố, xe công của chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền thông qua những chiếc loa lớn. Họ kêu gọi mọi người không đi ra đường, hủy các cuộc họp, đeo khẩu trang, rửa tay và báo cáo bất kỳ trường hợp nào nghi ngờ bị nhiễm virus.

Tôi không chắc bao giờ thì lệnh phong tỏa được gỡ bỏ. Và ngay cả khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, tôi cũng không chắc chắn có thể trở lại Hồng Kông được hay không. Bởi lẽ chính quyền đặc khu đã cấm những người tới Hồ Bắc gần đây, ngoại trừ công dân Hồng Kông có thể quay trở lại.

Vì tôi làm việc ở Hồng Kông nên đáng lý chính quyền nên cho tôi nhập cảnh theo chính sách hiện hành. Mặc dù vậy có nhiều bên đang kêu gọi đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc đại lục.

Giờ thì có lẽ tôi lại phải chơi thêm vài ván Candy Crush rồi!

Tiến Thanh

Chủ đề khác