VnReview
Hà Nội

Trung Quốc dẹp tin giả, tin đồn về virus corona

Hơn 250 người đã bị phạt và nhiều người trong số đã bị giam giữ nhiều ngày vì phát tán tin đồn và thuyết âm mưu liên quan đến virus corona tại Trung Quốc.

Cách đây nhiều ngày, khi lướt trên mạng WeChat của Trung Quốc, mọi người có thể bắt gặp rất nhiều thông tin nhiễu loạn. Từ lời khuyên uống giấm để chữa bệnh, đóng cửa sân bay, thuốc khử trùng được phun trên máy bay, người bệnh trốn khỏi bệnh viện hay thậm chí có thông tin cho rằng virus corona là một vũ khí sinh học.

Và còn nhiều tin đồn, tin giả và đủ loại thuyết âm mưu khác xuất hiện trên mạng. Những thông tin thất thiệt này không chỉ ảnh hưởng tới công tác chống dịch mà còn khiến cộng đồng hoang mang. Chính vì lý do này, chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay hơn trong việc kiểm soát thông tin dịch bệnh, bao gồm việc xóa sổ tin giả, phạt nặng những người đưa tin sai lệch.

Theo luật an ninh mạng của Trung Quốc, những người tung tin đồn, tin giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội có thể bị bắt giam từ 5 ngày đến 7 năm tù, tùy theo mức độ vụ việc.

Không chỉ có Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp đều đã thông qua luật chống tin giả trên mạng xã hội. Thậm chí trong tuần này, ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ, Elizabeth Warren đã đề xuất truy tố hình sự đối với người truyền bá tin giả trong bầu cử.

Gần đây các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Google, Twitter đều tuyên bố sẽ mạnh tay "trấn át" và trảm không thương tiếc các bài đăng có nội dung sai lệch, đưa thông tin giả gây hoang mang. Tuy nhiên đã qua nhiều năm, chúng ta chỉ thấy mọi thứ diễn biến theo chiều hướng xấu hơn dù các hãng công nghệ đang nỗ lực xóa sổ nạn tin giả từng ngày.

Trong vài năm trở lại đây, tin giả hay "fake news" đang trở thành vấn đề nóng hổi trên thế giới. Thậm chí từ điển Collins đã liệt kê "fake news" là từ của năm 2017, đủ để cho thấy mức độ nguy hiểm của tin giả.

Theo Abacusnews, những thông tin sai lệch nguy hiểm ở chỗ nó có thể khiến mọi người hiểu sai vấn đề, chủ quan trước những nguy cơ sức khỏe. Khi đại dịch Ebola bùng phát hồi năm 2014, nhiều trang tin giả mạo đã chia sẻ thông tin về những ca nhiễm bệnh ở Mỹ và điều bất ngờ là các bài đăng nhận được hàng ngàn lượt thích.

Giáo sư Alton Chua đến từ Đại học Nanyang, Singapore khẳng định, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng tiêu diệt tin giả và đưa ra những biện pháp cứng rắn nhất để đạt được hai mục đích: Ngăn chặn tin đồn và xóa sổ tin đồn có thể xuất hiện trong tương lai.

Tin giả thông thường có một đặc điểm khá dễ nhận ra. Chúng thường đưa ra những con số giật gân, gây choáng váng hoặc thậm chí đi ngược mọi quy luật vật lý, khoa học. Những con số đó cốt để khiến mọi người chú ý tới tin giả và tạo ra sự hoang mang cho những người dễ tin. Có thể ví dụ như trường hợp một người đàn ông ở Thẩm Dương chia sẻ trên WeChat rằng, chỗ anh đã ghi nhận hơn 90 ngàn ca nhiễm virus corona. Nhưng tất nhiên đó chỉ là tin giả và là tin bịa đặt. Ngay sau đó, người đàn ông chia sẻ thông tin này đã bị giam giữ 10 ngày.

Tuy nhiên tại Trung Quốc thời điểm này, giới chức cũng phả đối mặt với một vấn đề nan giải khác, đó là nhiều người dân không còn tin tưởng nguồn tin chính thống.

Nguyên nhân bởi trước đó các nhà chức trách đã cố tình ém nhẹ tính nghiêm trọng của dịch bệnh, đồng thời không thông báo tới người dân sớm hơn. Đây có lẽ là bài học cay đắng không kém dịch SARS hồi năm 2003, liên quan đến sự chậm trễ trong công tác phòng dịch.

Nguy hiểm nhất là việc người dân không tin tưởng vào nguồn tin chính thống có thể làm tăng khả năng phát tán các tin đồn và tin giả.

Giáo sư Henry Chen từ Trường Kinh tế và Tài chính thuộc Đại học Hồng Kông cho rằng, mọi người thường lan truyền tin đồn vì họ cảm thấy chúng đáng tin. Nhưng việc thiếu đi các nguồn tin đáng tin cậy là một lý do khiến tin đồn bị chia sẻ quá nhanh. Ông kết luận, minh bạch hóa thông tin sẽ giúp giảm tin giả và thông tin sai lệch trong bối cảnh dịch corona đang diễn biến khó lường như hiện nay.

Tiến Thanh theo ABC News

Chủ đề khác