VnReview
Hà Nội

Tranh cãi “Canh gà Thọ Xương” là gì om xòm trên mạng

Sự việc một số học sinh lớp 7 ở Hà Nội trong bài làm của mình coi "Canh gà Thọ Xương" là món canh gà tiếp tục gây sóng gió trên mạng khi có hai luồng ý kiến: "Canh gà" đúng nghĩa đen là món canh gà và "Canh gà" là chỉ canh giờ.

Theo hiểu biết thông thường – từ sách và sách giáo khoa – "Canh gà Thọ Xương" là một trích đoạn trong bài ca dao:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương

Mịt mù khói tỏa ngàn sương

Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ

canh gà Thọ Xương là gì

PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh, Viện trưởng Viện Hán Nôm và bài thơ Hà Nội Tây cảnh của Dương Khuê bằng chữ nôm còn lưu tại Viện. Chữ "canh" trong "canh gà Thọ Xương" dịch từ chữ Nôm có nghĩa là canh báo giờ chứ không phải là món canh! Ảnh: ANTĐ

Tuy nhiên, sau sự cố một cô giáo trẻ đã phải nghỉ việc do học sinh hiểu "Canh gà Thọ Xương" là món canh gà ở Thọ Xương thì trên mạng xuất hiện ý kiến của một số blogger rằng đúng "Canh gà Thọ Xương" là món canh Thọ Xương ở Hồ Tây thời xưa nổi tiếng! Và rằng, đây là một bài thơ có tác giả hẳn hoi chứ không phải là một bài ca dao.

Theo bài báo đăng trên Đất Việt Online ngày 17/10, blogger Nguyễn Xuân Diện, hiện đang công tác tại Viện Hán Nôm, cho rằng bài "Gió đưa cành trúc la đà" là của tác giả Dương Khuê (1839 – 1902), tức cụ Nghè Vân Đình, biệt hiệu Vân Trì (Ứng Hòa, Hà Tây cũ). Đây là bài thơ chữ Nôm có tựa đề Hà Thành tức cảnh. Bài thơ này được lưu trong gia phả họ Dương dưới dạng chữ quốc ngữ, nội dung như sau:

"Phất phơ cành trúc trăng tà

Tiếng chuông Trấn - Võ, canh gà Thọ - Xương.

Mịt mùng khói tỏa ngàn sương,

Dịp chày An - Thái, mặt gương Tây - Hồ".

Tuy bài thơ này không giống với bài được cho là ca dao xét về từng câu chữ nhưng bài báo cho rằng rất có thể bài ca dao chỉ là một dị bản của bài thơ!

Với cách hiểu như vậy về nguồn gốc xuất xứ bài ca dao, một số blogger đã mạnh dạn khẳng định "Canh gà Thọ Xương" là món canh đúng theo nghĩa đen. Một bằng chứng là "trong một văn bản được cho là cuốn vở mà nhà văn Vũ Bằng đích thân ghi nháp cho bút ký ẩm thực "Miếng ngon Hà Nội" nổi tiếng có viết:

"Tương Bần, cà Láng, dưa La,

Cá rô đầm Sét, canh gà Thọ Xương".

Ở đây, "canh gà Thọ Xương" rõ ràng là một món đặc sản ngang với tương Bần, cà Láng, cá rô Đầm Sét… Và thậm chí, có thông tin cho rằng đoạn trích hai câu nói trên có trong cuốn "Vân Đình Tiến Sĩ Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh" viết bằng chữ Nôm đang lưu trữ tại thư viện Viện Hán Nôm. Và chữ "Canh" trong đó có nghĩa là "món canh" chứ không phải là "canh giờ".

Có lập luận rằng nếu "Canh gà Thọ Xương" không phải là "canh gà" thì hãy đưa ra bằng chứng đi? Về logic ngữ cảnh, ngữ nghĩa, cái tiếng gà gáy sang canh kia đúng là thanh tao, nên thơ hơn bát canh gà thô tục. Nhưng đó chỉ là suy đoán của chủ quan nhiều người. Ai mà biết được tác giả lúc đó lại nghĩ đến "món canh gà Thọ Xương" thật? Bằng chứng là nhiều nhà phê bình, cây bút đã tốn rất nhiều giấy mực để bình luận, suy đoán, cắt nghĩa về một câu thơ/ văn, nâng nó lên thành hình ảnh, quan điểm vĩ đại trong khi tác giả thực tế lại nghĩ rất đơn giản.

Nghe ra thì cũng không phải không có lý cho đến khi Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm chính thức lên tiếng trên báo chí hôm qua, ngày 17/10.

Theo PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh trả lời phóng viên An ninh Thủ đô, hiện tại bài thơ Hà Nội Tây cảnh (Cảnh Tây Hồ Hà Nội) của Dương Khuê còn lưu tại Viện với nội dung y hệt như bài Hà Thành tức cảnh ở trên nhưng dưới dạng chữ Nôm.

Ông Mạnh khẳng định chữ "canh" trong câu "canh gà Thọ Xương" trong bài Hà Nội Tây cảnh dịch từ chữ Nôm ra là tiếng gà báo canh chứ không phải là món canh. Theo cách tính của dân gian xưa, một đêm có 5 canh: canh 1 từ 19h - 21h, canh 2 từ 21h - 23h, canh 3 từ 23h - 1h, canh 4 từ 1h - 3h, canh 5 là từ 3h - 5h.

PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh nói việc hiểu "canh gà Thọ Xương" trong bài thơ Hà Nội Tây cảnh hay trong bài ca dao là "bát canh gà" thì ông chưa được học.

Và có lẽ hầu hết trong số chúng ta cũng như ông Mạnh đều chưa được học về "món canh gà Thọ Xương"!

Hải Ninh

Chủ đề khác