VnReview
Hà Nội

Làm cách nào mà Trung Quốc xây bệnh viện dã chiến chống Corona chỉ trong 10 ngày?

Trong Quốc bắt đầu xây bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn (Huoshenshan) với quy mô 1.000 giường bệnh để chống viêm phổi cấp do virus Corona tấn công từ ngày 24/1 và đến ngày 3/2 thì đón bệnh nhân đầu tiên vào điều trị.

Từ lúc Trung Quốc bắt đầu xây dựng Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán đến khi hoàn thành và có thể đón bệnh nhân đầu tiên chỉ trong vỏn vẹn 10 ngày. Điều đáng kinh ngạc là bệnh viện dã chiến này có đến 1.000 giường bệnh, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, thiết yếu nhất phục vụ cho việc cứu chữa bệnh nhân khỏi virus Corona, hệ thống xử lý nước thải, năng lượng... đầy đủ. Nếu là một bệnh viện bình thường với quy mô 1.000 giường như vậy sẽ phải xây mất khoảng vài năm.

Sức chứa 1.000 giường bệnh của Hỏa Thần Sơn là ngang bằng với bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam, hơn 1/2 bệnh viện Bạch Mai (1.900 giường) và gần bằng bệnh viện Việt Đức (1.200 giường). Và điều khiến người ta tò mò là bằng cách nào mà Trung Quốc có thể xây dựng được một bệnh viện dã chiến 1.000 giường với tốc độ 'thần tốc' đến đáng kinh ngạc như vậy?

Dốc toàn lực để xây dựng 'thần tốc'

Bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn được Trung Quốc đã giao cho 4 đơn vị do chính phủ điều hành gồm: Tập đoàn kỹ thuật xây dựng Vũ Hán, Viện nghiên cứu và thiết kế kỹ thuật thành phố Vũ Hán, Tập đoàn xây dựng thành phố Vũ Hán Hanyan và Cục kỹ thuật xây dựng Trung Quốc.

Bản vẽ kỹ thuật bệnh viện được hoàn thành chỉ trong vòng 60 giờ bởi 60 kỹ sư, dựa trên mô hình thiết kế bệnh viện Tiểu Sương Sơn - nơi từng điều trị tập trung cho bệnh nhân nhiễm SARS của Trung Quốc hồi năm 2003. Bệnh viện này có diện dích khoảng 25.000 mét vuông với trang thiết bị hiện đại và các hệ thống điện, thoát nước, xử lý nước thải đầy đủ. Để xây dựng với thời gian nhanh đến đáng kinh ngạc, Trung Quốc đã huy động tổng cộng khoảng 4.000 kỹ sư và công nhân làm việc xuyên ngày đêm với mục tiêu hoàn thành Hỏa Thần Sơn nhanh nhất có thể. Thực tế, thời gian 10 ngày xây dựng bệnh viện dã chiến này còn là chưa đạt chỉ tiêu bởi lúc đầu Trung Quốc dự kiến chỉ cần 6 ngày là hoàn thành.

Tất cả mọi công đoạn xây dựng, thiết kế của bệnh viện này đều được làm nhanh nhất và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật tốt nhất có thể. Ông Peng Guanping - Giám đốc kỹ thuật hệ thống xử lý nước thải của Hỏa Thần Sơn cho biết bệnh viện này được áp dụng tiêu chuẩn thiết kế đặc biệt, cao gấp nhiều lần bệnh viện thông thường để ngừa dịch bệnh lây lan. Thời gian xử lý nước thải y tế thông thường của bệnh viện là 90 ngày nhưng tại Hỏa Thần Sơn chỉ cần 5 giờ. Ngoài ra, ông Peng còn cho biết thêm bình thường sẽ mất khoảng 60 ngày để hoàn thành hệ thống xử lý nước thải nhưng lần này chỉ có 10 ngày. Đó là lý do khiến các hạng mục xây dựng có thời hạn thi công tính bằng giờ thay vì bằng ngày như các công trình thông thường khác.

Tất cả 4.000 các công nhân và kỹ sư xây dựng Hỏa Thần Sơn được thông báo làm việc cả ngày lẫn đêm để hoàn thành bệnh viện dã chiến này đúng hạn. Thời điểm cao nhất, có khoảng 1.500 người có mặt tại công trường để làm việc. Họ phải chạy đua với thời gian, làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và có nguy cơ bị lây nhiễm virus Corona. Đồng thời, những người xây dựng Hỏa Thần Sơn trong suốt thời gian làm việc không có một bữa ăn sáng hay một giấc ngủ trưa nào đàng hoàng. Hầu hết trong số họ lao động liên tục trong 24h và luân phiên nhau, ăn và ngủ ngay tại nơi làm việc. Một công nhân cho biết: 'Mọi thứ trở nên cấp bách, việc mọi người làm bận đến nỗi không ngủ vào buổi tối là điều hết sức bình thường'.

Công nhân nằm ngủ ngay tại công trường xây dựng bệnh viện Hỏa Thần Sơn

Theo lý giải, 'Hỏa Thần Sơn' được đặt tên có liên quan đến nguyên tố 'hỏa' trong thuyết ngũ hành của Trung Quốc. Trong mối quan hệ tương khắc thì hỏa khắc kim mà theo đông y thì phổi là cơ quan mang yếu tố kim. Do đó, Hỏa Thần Sơn mang ý nghĩa lửa có thể tiêu diệt được chủng virus Corona đang tấn công phổi.

Tại Vũ Hán, Trung Quốc xây 2 bệnh viện dã chiến là Hỏa Thần Sơn và Lôi Thần Sơn (Leishenshan). Bệnh viện Lôi Thần Sơn xây dựng sau Hỏa Thần Sơn nhưng cũng hoàn thành trong thời gian 'thần tốc' và dự kiến mở cửa đón bệnh nhân trong ngày hôm nay (5/2). Ngoài 2 bệnh viện dã chiến nói trên tại Vũ Hán (Hồ Bắc), Trung Quốc cũng xây dựng thêm 2 dự án khác để chữa trị cho bệnh nhân của virus Corona tại Hoàng Cương (Hồ Bắc) và Hàng Châu (Hồ Nam).

Kinh nghiệm và công nghệ hiện đại

Đương nhiên, để xây dựng một bệnh viện dã chiến mới hoàn toàn như Hỏa Thần Sơn trong thời gian 'thần tốc' không chỉ dựa vào sự cố gắng của kỹ sư và công nhân mà còn phải dựa vào kinh nghiệm và công nghệ hiện đại của Trung Quốc. Như đã nói, Trung Quốc đã có kinh nghiệm xây dựng một bệnh viện tương tự từ cách đây 16 năm khi dịch SARS hoành hành tại châu Á. Khi đó, bệnh viện Tiểu Sương Sơn với 1.000 giường bệnh được xây dựng ở Bắc Kinh chỉ trong đúng 1 tuần.

Thực tế, những bệnh viện như Tiểu Sương Sơn hay Hỏa Thần Sơn là một dạng bệnh viện cách ly, nơi để gửi những người mắc bệnh truyền nhiễm bởi nó có những công cụ bảo vệ an toàn. Nó giống như một trung tâm phân loại để quản lý nhiễm trùng hoàng loạt chứ không phải dạng như những bệnh viện thông thường.

Scott Rawlings - một kiến trúc sư nổi tiếng trong mảng xây dựng cơ sở chăm sóc sức khỏe cho rằng: 'Khi thiết kế các công trình y tế, chúng tôi phải xem xét việc sử dụng và khả năng thích ứng của tòa nhà trong khoảng 75 năm. Còn hiện tại, Trung Quốc không cần điều này trong quá trình thiết kế bệnh viện mới ở Vũ Hán'. Chính vì điều này khiến các bệnh viện dã chiến kiểu này không cần tồn tại trong thời gian quá lâu và khi hoàn thành sứ mệnh của mình, chúng sẽ bị lãng quên.

Để làm những bệnh viện dã chiến trong thời gian ngắn, Trung Quốc sử dụng những công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay. Phần lớn vật liệu làm nên chúng thân thiện với môi trường, nhẹ và có thể tháo rời để tái sử dụng cho các trường hợp cần thiết khác.

Các phòng tiền chế và các khối modul trong bệnh viện dã chiến của Trung Quốc được sản xuất, lắp ráp trước trong nhà máy. Sau đó, chúng được vận chuyển và đặt đúng vào vị trí tại công trường thi công. Công nghệ này cho phép các kỹ sư có thể khắc phục sự cố, đảm bảo các khối modul được ráp tương thích với nhau thành một công trình đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ thi công tối đa và giảm thiểu được việc có quá nhiều người trên công trường. Nói cách khác, Trung Quốc đã dùng những vật liệu và công nghệ tân tiến nhất để sản xuất các phòng và các khối modul rồi ghép lại với nhau để hình thành nên một bệnh viện dã chiến.

Theo các kỹ sư hàng đầu thế giới, ưu thế của Trung Quốc trong xây dựng là nguồn nhân công rẻ và sự có sẵn của các vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn về kỹ thuật và an toàn của quốc gia này ngang ngửa với các nước phương Tây. Bệnh viện Hỏa Thần Sơn có thể xây dựng rất nhanh nhưng theo các kỹ sư thì nó đảm bảo được sự an toàn cần thiết. Bệnh viện này đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về cấu trúc và là thành quả của sự kết hợp giữa công nghệ cũng như nỗ lực của con người.

Thực tế, trước khi làm thế giới kinh ngạc với độ hoành tráng và thời gian hoàn thành 'thần tốc' của Hỏa Thần Sơn, người Trung Quốc cũng đã rất nổi tiếng về xây dựng. Năm 2016, đất nước này hoàn thành 84 tòa nhà chọc trời (độ cao trên 200 mét) trong khi Mỹ chỉ có 7 tòa nhà. Thậm chí, cuối năm 2015, một tòa nhà có tên Mini Sky City, 57 tầng được người Trung Quốc xây ở tỉnh Hồ Nam chỉ trong đúng 19 ngày. Tòa nhà này có 800 căn hộ và văn phòng đủ không gian làm việc cho 4.000 người. Mini Sky City cũng giống như Hỏa Thần Sơn được xây bằng cách tạo ra các cấu trúc của từng tầng trước và sau đó chúng được mang đến công trường để lắp ráp lại.

T.T

Chủ đề khác