VnReview
Hà Nội

Hiệu thuốc găm hàng khẩu trang không bán cho người dân bị xử phạt như thế nào?

Trong những ngày gần đây, cơ quan chức năng đã xử phạt khá nhiều nhà thuốc găm hàng khẩu trang, báo hết hàng và không bán ra thị trường cho người dân.

Trong cuộc họp đột xuất chiều 31/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt vấn đề xem xét xử lý thật nặng việc găm hàng, tăng đột biến giá khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... phòng dịch cúm do virus Corona gây ra. Ông nói: 'Nhà nước không can thiệp thô bạo vào thị trường nhưng phải bảo đảm hài hoà lợi ích sản xuất, người tiêu dùng và xã hội'.

Thế nhưng, trong những ngày gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều nhà thuốc treo biển hết hàng khẩu trang nhưng thực tế vẫn 'găm' lại rất nhiều và không bán cho người dân. Như ngày 5/2, Cục quản lý thị trường TP.HCM cho biết đã xử lý 5 nhà thuốc tăng giá, găm hàng, bán khẩu trang không rõ xuất xứ. Tất cả các nhà thuốc trên bị lập biên bản, xử phạt và bị thu giữ toàn bộ số khẩu trang để xử lý.

Việc xử lý những hiệu thuốc, cơ sở kinh doanh găm hàng khẩu trang hay nước rửa tay sát khuẩn dựa theo nghị định số 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khoản 2, điều 47 của nghị định này quy định: 'Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường;

- Ngừng bán hàng hóa ra thị trường;

- Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng;

- Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng'.

Ngoài ra, khoản 3 của điều 2 của nghị định 185/2013/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi găm hàng trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó.

khoản 4 của điều 2 của nghị định 185/2013/NĐ-CP cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung với các hành vi nói trên gồm: tịch thu tang vật và tước giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Như vậy, hiệu thuốc, cơ sở kinh doanh có thể sẽ bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng, bị tịch thu tang vật, tước giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề tùy theo mức độ vi phạm của hành vi găm hàng khẩu trang không bán cho người dân trong thời điểm virus Corona đang hoành hành.

Khẩu trang y tế là một vật dụng rất cần thiết để bảo vệ người dân khi mà dịch cúm do virus Corona đang có những diễn biến phức tạp. Việc găm hàng khẩu trang là hành vi đầu cơ hàng hóa khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác đã được quy định rõ ràng trong nghị định 185/2013/NĐ-CP.

T.T

Chủ đề khác