VnReview
Hà Nội

Hỏi đáp về phòng chống corona (2019-nCoV) mỗi người dân phải biết

Trên mạng hiện có rất nhiều thông tin không thống nhất liên quan đến phòng chống dịch bệnh do virus corona (2019-nCoV) khiến cho người dân không khỏi hoang mang. Để rộng đường dư luận, VnReview.vn tổng hợp dưới đây tất cả những câu hỏi cơ bản, thiết yếu mà người dân cần biết và giải đáp từ các chuyên gia Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới.

Virus Corona Vũ Hán có tỷ lệ tử vong thấp, nhưng tại sao người dân hoảng loạn đến vậy?

Thứ trưởng Bộ Y tế: Không phải mọi người đều phải đeo khẩu trang, càng không phải dùng khẩu trang y tế

Lưu ý rằng, trong mọi trường hợp, nếu bạn bị sốt, ho và khó thở hãy đến các cơ sở y tế sớm để giảm nguy cơ bị bệnh nặng hơn, đồng thời chia sẻ tiền sử đi lại gần đây của bạn với nhân viên y tế.

Hỏi đáp về phòng chống dịch virus corona (2019-nCoV)

Nguồn gốc virus corona mới 2019-nCoV từ đâu?

Cho đến nay chưa rõ. Khi giải trình tự gene, 90% chủng giống corona trên các loài dơi, nhưng người ta chứng minh là mùa này Vũ Hán không có dơi mà nó lây qua một vật chủ trung gian là loài có vú nào đó. Các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của nCoV.

Bao lâu hết dịch?

Chưa rõ. Nếu căn cứ vào SARS năm 2003, dịch có thể kéo dài thêm nhiều tháng nữa, mặc dù hệ thống phòng chống dịch ở Trung Quốc và các quốc gia khác đã tốt hơn rất nhiều, kiểm soát được tình hình hiệu quả hơn.

Dịch lây lan như thế nào?

Virus 2019-nCoV ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật, có khả năng lây truyền từ người sang người. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm vi rút khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Tại sao không được sờ tay lên mặt để chống dịch?

Đôi bàn tay là bộ phận linh hoạt nhất trên cơ thể của con người. Bàn tay giúp chúng ta làm mọi việc từ lao động, ăn uống, vệ sinh cá nhân, cầm nắm các vật... dẫn đến phải tiếp xúc với rất nhiều thứ từ đồ ăn, đất cát, phân, động vật hay đơn giản là tay nắm cửa.

Thật không may, hằng ngày, chúng ta không khỏi chạm tay vào mặt mình - theo WHO là cứ 10 phút/ lần - làm vi trùng truyền từ tay sang mũi và mồm, rồi vào trong cơ thể ta. Vì vậy, WHO bao giờ cũng khuyến cáo "rửa tay xà phòng trong ngày".

Có cần rửa tay bằng cồn hay nước rửa tay sát khuẩn?

Không cần. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng ít nhất trong 30 giây là được.

Hỏi đáp về phòng chống dịch virus corona (2019-nCoV)

Có cần đeo khẩu trang?

WHO khuyên: Không cần đeo khẩu trang y tế vì không có bằng chứng khoa học. Virus này nhạy cảm với ánh sáng với tia cực tím, sợ môi trường thoáng khí, ở ngoài điều kiện tự nhiên không nhất thiết phải dùng khẩu trang.

Tuy nhiên, nên đeo khẩu trang ở chỗ công cộng đông người để ngăn ngừa giọt bắn của người xung quanh ho, nhảy mũi (hắt hơi sổ mũi bắn ra khoảng 1,8m), khạc nhổ bám vào hay giúp ngăn thói quen chúng ta đưa tay có thể mang mầm bệnh chạm mũi, miệng, mắt.

Dùng loại khẩu trang nào?

Chưa có một khẩu trang nào kể cả khẩu trang y tế có thể ngăn được virus vì kích thước nó vô cùng nhỏ. Do đó, dùng khẩu trang nào cũng được, miễn là ngăn giọt bắn của người xung quanh bắn ra.

Đeo khẩu trang đúng cách là thế nào?

Đeo khẩu trang không đúng cách còn rủi ro phát tán virus cao hơn. Các chuyên gia y tế chỉ dẫn đeo khẩu trang phải che kín cả mũi và miệng. Tránh sờ tay vào khẩu trang khi đeo, tháo ra vì mầm bệnh từ tay có thể bám và thâm nhập vào cơ thể. Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo.

Có thuốc điều trị chưa?

Hiện chưa có thuốc nào đặc trị virus corona mới.

Khi bị nhiễm bệnh, điều trị thế nào?

Việt Nam đã điều trị khỏi căn bệnh này dựa trên nguyên tắc cơ bản. Mức 1 là điều trị triệu chứng, cân bằng dinh dưỡng, điện giải,; theo dõi thật sát nhất là liên quan đến diễn biến độ bão hoà ô xy trong máu, tức là liên quan đến hô hấp. Mức 2, nếu phát hiện tình trạng suy hô hấp thì có các biện pháp can thiệp thở có hỗ trợ, là cho thở ô xy sau điều trị triệu chứng. Mức 3 mới thở máy.

Không phải các bệnh nhân mắc bệnh là thở máy.

Trẻ em có bị mắc virus corona mới?

Người dân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc chủng mới của vi rút Corona. Tuy nhiên, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (như hen phế quản, tiểu đường, bệnh tim mạch,…) sẽ dễ bị mắc và bệnh thường nặng hơn.

Ai có nguy cơ bị bệnh nặng?

Vẫn cần tìm hiểu thêm về virus 2019-nCoV ảnh hưởng đến con người như thế nào. Tuy nhiên, đến nay, người già và những người mắc bệnh mãn tính (như bệnh đái tháo đường và bệnh tim) dường như có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn.

Virus có thể tồn tại trên các bề mặt trong thời gian bao lâu?

Hiện vẫn chưa biết virus 2019-nCoV tồn tại được bao lâu trên các bề mặt, mặc dù thông tin sơ bộ cho thấy virus có thể tồn tại trong vài giờ. Các chất khử trùng đơn giản có thể tiêu diệt virus khiến nó không còn khả năng lây nhiễm cho người.

Các biện pháp sau đây không được khuyến nghị vì không hiệu quả theo WHO:

- Sử dụng vitamin C

- Hút thuốc

- Sử dụng trà thảo dược truyền thống

- Đeo nhiều khẩu trang để bảo vệ tối đa

- Tự dùng thuốc như kháng sinh

BBT VnReview tổng hợp 

Chủ đề khác