VnReview
Hà Nội

Đại dịch corona thay đổi cuộc sống với công nghệ của người Trung Quốc như thế nào?

Từ việc cung cấp thực phẩm đến chơi game, công nghệ đang là một trong những "chiến binh" giúp sức cho người dân Trung Quốc trong mặt trận chống lại đại dịch viêm phổi cấp do virus corona.

Theo SCMP, sự bùng phát của virus corona khiến hàng trăm người chết tại Trung Quốc đang khiến nhiều người bị mắc kẹt tại nhà, tàn phá nền kinh tế và ngành công nghiệp nước này. Giữa mùa dịch bệnh, công nghệ lại đang là những trợ thủ đắc lực nhất của chính phủ Trung Quốc trong việc chống dịch.

Đối với những người bị mắc kẹt tại các thành phố đang bị phong tỏa, họ thường chỉ ở nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Nhưng việc phải nhốt mình trong nhà liên tục nhiều ngày đã làm thay đổi cách mọi người sử dụng công nghệ. Các công ty công nghệ lúc này cũng buộc phải sáng tạo để thích ứng với tình hình.

Dưới đây là một số thay đổi lớn nhất trong ngành công nghệ tại Trung Quốc trong vòng 1 tháng qua.

Dịch vụ giao đồ ăn không tiếp xúc

Với những người bị mắc kẹt tai nhà, họ lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi thực phẩm thì dần cạn kiệt, trong khi các siêu thị liên tục cháy hàng do nhu cầu mua sắm và tích trữ chống dịch quá lớn. Đó là lúc các dịch vụ giao thực phẩm lên ngôi. Nhưng phải công nhận những người giao hàng đó quả thực rất dũng cảm khi làm việc trong lúc có dịch bệnh. Họ chính là những "người hùng" cứu đói cho nhiều người.

Nhưng không giống như thường ngày, những người giao thực phẩm bây giờ sẽ phải tự bảo vệ mình bằng khẩu trang. Meituan là một trong những hãng đầu tiên giới thiệu dịch vụ giao đồ ăn không tiếp xúc. Có nghĩa là người giao hàng sẽ để thực phẩm ở một khu vực đã được chỉ định và khách hàng sẽ tới lấy. Công ty hiện đã lắp đặt một số tủ đựng thức ăn xung quanh bệnh viện để phục vụ cho các nhân viên y tế ở Vũ Hán.

Tuần trước KFC và Pizza Hut đã cung cấp dịch vụ tương tự. Theo Bộ thương mại Trung Quốc, một số công ty thương mại điện tử cũng sẽ sớm cung cấp hình thức giao hàng không tiếp xúc để tránh lây nhiễm virus.

Lớp học trực tuyến

Youku, nền tảng được mệnh danh là "YouTube của Trung Quốc" đã bắt đầu triển khai các lớp học trực tuyến cho học sinh tiểu học và trung học sau khi nhiều trường học tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa để tránh lây nhiễm virus.

Ngoài ra, tập đoàn New Oriental, công ty giáo dục tư nhân lớn nhất Trung Quốc và nền tảng tập trung học tiếng Anh VIPKid cũng đang cung cấp các chương trình dạy học trực tuyến miễn phí trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt trở thành "đồ thừa" tại Trung Quốc

Xã hội Trung Quốc hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong các hoạt động hàng ngày, đơn cử như thanh toán hàng hóa, đi qua trạm kiểm soát, mua vé tàu,…

Tuy nhiên kể từ khi dịch bệnh xảy ra, người dân đã chủ động đeo khẩu trang nhiều hơn và đây rõ ràng là một trở ngại lớn với công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Đó là chưa kể, nhiều dòng iPhone hiện nay chỉ hỗ trợ công nghệ nhận dạng khuôn mặt nên đây sẽ là một trở ngại lớn.

Hàng loạt bộ phim chiếu rạp chuyển sang phát trực tuyến

Virus corona chắc chắn đã gây tác động lớn cho ngành công nghiệp phim ảnh của Trung Quốc. Sự bùng phát của dịch viêm phổi cấp trùng đúng thời điểm dịp Tết khi nhà nhà có xu hướng đi xem phim chiếu rạp để giải trí. Sau khi chính phủ cấm các hoạt động chiếu phim rạp để tránh lây nhiễm, hàng loạt các nhà phân phối phim buộc phải chuyển hướng sang phát hành trên nền tảng trực tuyến.

Đơn cử như bộ phim gia đình Lost in Russia đã phải bỏ chiếu tại các rạp và chuyển sang chiếu trên các ứng dụng của ByteDance như Douyin. Hay như Huanxi Media, một công ty sản xuất phim cũng đang chiếu bộ phim này trên nền tảng riêng của mình. Một bộ phim khác cũng không chiếu tại rạp như Enter the Fat Dragon và đang chiếu trực tuyến trên nền tảng iQiyi và Tencent của Baidu.

Các nền tảng video giờ đây là một phương thức giải trí và giết thời gian cực hiệu quả đối với người dân Trung Quốc. Cư dân Vũ Hán, tâm dịch virus corona đang hàng ngày sử dụng các ứng dụng video ngắn như Douyin và Kuaishou để chia sẻ thông tin và video tới mọi người.

Mua nhà qua công nghệ VR

Xem và mua nhà bằng công nghệ thực tế ảo (VR) dù đã xuất hiện từ lâu tại Trung Quốc đang bất ngờ nở rộ vào thời điểm này. Nguyên nhân bởi các khách hàng có nhu cầu xem nhà nhưng không muốn mất thời gian tới nơi để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch. Hiện tại trang web rao vặt lớn nhất Trung Quốc 58.com và nền tảng bất động sản Anjuke đang cung cấp dịch vụ VR và phát trực tiếp trong thời gian giới hạn để người mua có thể xem nhà mà không cần đến nơi.

Tất nhiên không phải tất cả mọi người đều có đủ can đảm để mua một ngôi nhà chỉ dựa vào hình ảnh VR. Hiện tại nhiều dịch vụ khác đã bắt đầu chuyển sang trực tuyến, ví dụ như khám chữa bệnh từ xa. Giờ đây, người dùng có thể kiểm tra các triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp thông qua tư vấn của các bác sỹ trên nền tảng mạng xã hội WeChat hoặc nền tảng tư vấn y tế của Baidu và Hiệp hội Y khoa Bắc Kinh.

Chơi game trực tuyến để bớt buồn chán

Những người bị cách ly hoặc buộc phải ở nhà để tránh dịch bệnh chắc chắn sẽ không tránh khỏi cảm giác buồn chán vì quanh quẩn với 4 bức tường. Lúc này, game sẽ là liều thuốc tiêu khiển cực kỳ hiệu quả.

Đó là lý do nhiều người dân Trung Quốc đã đổ xổ chơi game khiến máy chủ nhiều trò chơi nổi tiếng như Game for Peace, phiên bản của PUBG Mobile tại Trung Quốc và nhiều game khác của Tencent đều lâm vào tình trạng quá tải.

Cũng trong vài tuần qua, tựa game liên quan đến bệnh dịch Plague Inc đang trở thành ứng dụng thu hút nhất trên nền tảng iOS tại Trung Quốc với số lượng tải về kỷ lục. Ngoài ra, mọi người cũng bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về dịch bệnh trong tựa game World of Warcraft.

Trong bối cảnh các hoạt động giải trí, văn hóa xã hội đều buộc phải tạm hoãn vì dịch bệnh thì các sự kiện esport và giải đấu lớn cũng bị hủy.

Khi ngành công nghiệp game được hưởng lợi lớn từ dịch bệnh thì cũng là lúc các công ty game quyên góp tiền, vật tư y tế cho vùng dịch. Nhiều công ty công nghệ như Alibaba và Baidu đã chung tay sử dụng công nghệ AI để nghiên cứu chống lại virus corona.

Tiến Thanh

Chủ đề khác