VnReview
Hà Nội

Học trực tuyến thế nào cho hiệu quả?

Trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch viêm đường hô hấp do virus corona mới, nhiều trường học đã triển khai học trực tuyến. Nhưng học thế nào cho hiệu quả không phải cơ sở giáo dục nào cũng làm được.

Trao đổi với Tiền Phong, TS. Dương Thăng Long, Phó hiệu trưởng trường ĐH Mở Hà Nội cho biết, học online (còn gọi là E - Learning, học trực tuyến) không có khó khăn vì trường đã triển khai 26 năm nay; có gần 20.000 sinh viên tham gia học tập hoàn toàn trực tuyến.

Nhưng đối với các cơ sở giáo dục ĐH khác chưa làm, hoặc giáo dục phổ thông, có 3 yếu tố để có thể triển khai tốt thì không phải đơn vị nào cũng đáp ứng được.

học trực tuyến thế nào cho hiệu quả

Thứ nhất là về phương pháp dạy. Nội dung giảng dạy của giảng viên hay giáo viên khi đưa lên giảng dạy trực tuyến có nhiều cấp độ khác nhau. Nếu chỉ đơn thuần đưa những bài giảng dạy trực tiếp hàng ngày thì không có ý nghĩa, chưa có chất lượng.

Do đó, TS. Dương Thăng Long cho rằng, đối với phổ thông, giáo viên phải xây được các học liệu điện tử để đưa vào dạy trực tuyến. Trong đó, tích hợp được các tương tác giữa người dạy và người học. Vì không chỉ giảng dạy một chiều, giáo viên phải nắm được học sinh làm được gì thông qua case study trong hệ thống.

Đây là yếu tố mất nhiều công sức nhất. Đòi hỏi những giáo viên, giảng viên tham gia phải có năng lực, được tập huấn. Nếu chỉ có chuyên môn mà đòi hỏi giáo viên xây dựng được học liệu như thế thì rõ ràng khó đạt được chất lượng.

"Xây dựng một học liệu điện tử cũng giống như làm một bộ phim. Phải gồm các khâu viết kịch bản, duyệt kịch bản, tổ chức quay phim, ghi hình, thiết kế các case study, thiết kế các tình huống học tập, các tương tác, để người học được tương tác về học liệu đó, tạo hứng thú. Quan trọng hơn là nhà trường dựa vào phản ứng của người học đo đếm được ngoài tiến độ học tập còn chất lượng học tập như thế nào" – TS. Dương Thăng Long nhấn mạnh.

Thứ hai, là hệ thống công nghệ, có hệ thống server, máy chủ đủ mạnh. Vì với một trường phổ thông, số lượng học sinh không nhiều, nhưng với một trường ĐH hay một sở GD&ĐT thì số lượng rất lớn, lên tới hàng chục nghìn người.; Nếu tất cả số này truy cập cùng một lúc thì đòi hỏi năng lực của hệ thống công nghệ đủ mạnh để không nghẽn, tắc.

Thứ  ba, hệ thống công nghệ cao cấp hơn. Cho phép giảng viên, giáo viên tương tác trực tiếp được với sinh viên, học sinh bằng video, giống như hội nghị truyền hình trực tuyến. Sự khác biệt ở đây là giáo viên là điểm đầu, còn người học là những đầu cuối.

Làm thế nào để học sinh hứng thú?

Trường Phổ thông song ngữ liên cấp Wellspring (Hà Nội) đã triển khai học trực tuyến tuần đầu tiên nghỉ học. Qua đó, có nhiều vấn đề phát sinh với cách dạy và học mới đã được nhà trường giải quyết và rút ra kinh nghiệm chung.

Trong tuần vừa qua, nhà trường hướng dẫn các thầy cô giáo điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với thực tế học tập online, với kỹ năng tự học và điều kiện học tập của học sinh. Riêng với cấp tiểu học, do học sinh còn nhỏ nên cần tới sự hỗ trợ của phụ huynh. Các nội dung học tập đưa ra tập trung vào ôn tập, luyện tập kiến thức đã học, các nội dung kiến thức mới nếu có được điều chỉnh hướng tiếp cận, thực hành phù hợp với hình thức học online.

Tuy học sinh và giáo viên Wellspring đã rất quen thuộc với các công cụ công nghệ hỗ trợ việc học tập và trao đổi online nhưng việc dạy và học 100% trên môi trường trực tuyến với số lượng học sinh của tất cả các lớp là một thách thức lớn đối với giáo viên và công tác quản lý, điều phối của Ban Giám hiệu.

Trong đó, khó khăn lớn nhất khi triển khai học online với cấp Tiểu học là học sinh còn nhỏ, chưa tự chủ về thiết bị nên nhiều khi không online đúng giờ để theo dõi đầy đủ tiết học; Giáo viên phải giảng lại cho những em tham gia muộn; Đường truyền của mỗi gia đình là khác nhau nên có thể bị gián đoạn, khó nghe, học sinh khó tập trung…

Để khắc phục điều này, các giáo viên Tiểu học đã đưa ra cách phối hợp chặt chẽ với PH để giúp HS chủ động học tập đúng thời gian biểu. Đồng thời, để thu hút sự tập trung của các em, giáo viên đã bổ sung thêm các trò chơi trực tuyến để củng cố kiến thức, làm mới phương pháp dạy để tạo nên không khí vui vẻ, hài hước cho lớp học online. Những hình thức khích lệ đặc biệt cũng được sáng tạo để giúp học sinh có thêm động lực học tập trong thời gian ở nhà dài ngày.

Với từng môn học, việc học online hoàn toàn sẽ gây ra những vấn đề khác nhau và các thầy cô luôn phải tự sáng tạo và đưa ra cách giải quyết của riêng mình. Với môn Sinh học, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên trường THCS Wellspring chia sẻ: "Điều khó nhất trong việc giảng dạy online ở môn Sinh và Hóa học đó là những bài thực hành, học sinh sẽ không được làm trực tiếp. Như bài thực hành mổ ếch ở môn Sinh học lớp 7 hay thực hành chương Hidro – Nước của môn Hóa học lớp 8".

Để khắc phục tình trạng này, giáo viên đã tiến hành tìm kiếm các video minh họa cụ thể và phù hợp nhất để học sinh tìm hiểu và quan sát các thí nghiệm, các kết quả và hiện tượng thí nghiệm.

Ngoài ra, do hạn chế lớn nhất của công cụ online là giáo viên không thể quản lý, đốc thúc trực tiếp học sinh tham gia các hoạt động học tập như ở trên lớp, nên giáo viên cần tập trung vào việc tạo động lực học tập chủ động cho các em.

Một số phương pháp tạo động lực học tập online có thể áp dụng là: Tạo ra một thử thách vừa phải để thu hút sự chú ý của học sinh ngay khi bắt đầu lớp học bằng cách đặt các câu hỏi thú vị, đưa ra một vấn đề cần giải quyết gần gũi với cuộc sống…; Thay đổi không gian giao tiếp và tương tác với không gian mới đó để học sinh không bị nhàm chán về mặt thị giác, âm thanh; Để học sinh làm giáo viên, tìm hiểu trước bài học và giảng lại online cho các bạn khác trong lớp; Thường xuyên tạo ra các tình huống hài hước và tiếng cười; Tạo ra các cuộc thảo luận nhóm online để học sinh tự tương tác với nhau ngoài lớp học…

Với các học sinh nhỏ tuổi, giáo viên cần hết sức lưu ý lắng nghe và trao đổi thường xuyên với phụ huynh để kịp thời điều chỉnh và hỗ trợ các em trong quá trình tương tác với công cụ. Với lứa tuổi tiểu học, việc "tương tác với người" là quan trọng hơn bất kỳ hình thức học tập nào.

Theo Tienphong

Chủ đề khác