VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu mới: Virus corona có thể ủ bệnh tới 24 ngày, nhiều người mắc không có triệu chứng rõ ràng

Việc không thể hiện rõ các triệu chứng như bị sốt sau khi nhiễm khiến virus Corona dường như khó lường hơn. Đó là chưa kể các nhà nghiên cứu tin rằng, dịch corona có thời gian ủ bệnh lên tới 24 ngày.

Theo tờ Straitstimes, nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu thu thập từ hơn 1 ngàn bệnh nhân nhiễm virus corona tại Trung Quốc cho thấy, thời gian ủ bệnh của virus có thể kéo dài tới 24 ngày thay vì 14 ngày như nhiều dự đoán đó của các chuyên gia. Ngoài ra, có chưa đến 1/2 số bệnh nhân có triệu chứng sốt khi lần đầu bị cách ly.

Nghiên cứu do một nhóm khoảng 30 nhà nghiên cứu từ các bệnh viện và trường y khoa Trung Quốc. Đứng đầu là tiến sỹ Zhong Nanshan, một nhà dịch tễ học người Trung Quốc và là người đã phát hiện ra virus gây bệnh SARS. Theo Zhong, chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa biết về virus chết người 2019-nCoV.

Trong quá trình nghiên cứu, họ phát hiện thấy tình trạng sốt xảy ra ở 32,8% bệnh nhân nhưng sau đó đã tăng lên 87,9% sau khi họ nhập viện.

Các bệnh nhân trong nghiên cứu đến từ 552 bệnh viện ở 31 tỉnh trong giai đoạn 1-29/1. Và chỉ có 1,18% bệnh nhân từng tiếp xúc với động vật hoang dã. Gần 1/3 số bệnh nhân trên đều đến từ Vũ Hán và 71,8% đã tiếp xúc với một người ở Vũ Hán. Nói cách khác đây là một dịch bệnh lây từ người qua người rất nguy hiểm. Mới đây cũng có nhiều trường hợp ghi nhận cả gia đình lây nhiễm cho nhau dù không có bất cứ biểu hiện nào.

Một điều khá ngạc nhiên là biểu hiện sốt của chủng virus corona mới này gần như không có và rất ít so với chủng virus corona gây ra SARS và MERS. Đây là một nguy cơ lớn vì chúng ta sẽ dễ bỏ qua những người không có biểu hiện triệu chứng và để họ thoải mái lây nhiễm trong cộng đồng.

Thông thường trước khi bệnh nhân trải qua các xét nghiệm axit nucleic (NAT) để xác nhận có nhiễm virus không, kết quả quét CT của họ phải có dấu hiệu nhiễm virus, thường có dạng như những tổn thương kính mờ (GGO) và đốm mờ đục.

Nhưng trong số 840 bệnh nhân trải qua nghiên cứu và máy quét CT, chỉ có một nửa có các biểu hiện tổn thương kính mờ và 46% người có các đốm mờ. Điều này có nghĩa là, quét CT có thể không phải là cách tốt nhất để xác định được một người có đang nhiễm virus hay không.

Vào hôm 27/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã sửa đổi các tiêu chí chẩn đoán, không còn yêu cầu quét CT để lấy hình ảnh viêm phổi và xác định các trường hợp nghi ngờ. Nhưng khi mối lo ngại về phương pháp xét nghiệm NAT đang tạo ra một lượng lớn kết quả âm tính giả, một số bác sỹ đã nghị đưa máy quét Cortana trở lại để chuẩn đoán nhiễm virus corona.

Theo các nhà nghiên cứu, việc xác định sớm thời gian ủ bệnh của virus sẽ đem tới cơ hội phòng chống và chữa bệnh tốt hơn, tránh bỏ sót những người đã nhiễm bệnh ngoài xã hội.

Trong đại dịch SARS năm 2003, một bác sĩ điều trị cho bệnh nhân SARS ở Quảng Đông đã lây nhiễm cho 16 người khác khi anh tới Hồng Kông tham dự một đám cưới gia đình. Những vị khách này sau đó đi du lịch đến các quốc gia khác và biến SARS trở thành một dịch bệnh toàn cầu.

Nghiên cứu kết luận, các con đường lây truyền khác nhau đã đóng góp không nhỏ vào sự lây lan nhanh chóng của virus. Giống như SARS và MERS, một số đường lây truyền phổ biến là các giọt nước miếng, dịch và tiếp xúc trực tiếp. Nghiên cứu mẫu phân của 4/62 bệnh nhân dương tính với nCoV, nhóm các nhà khoa học vô cùng bất ngờ khi virus này có thể tồn tại trong đường tiêu hóa, nước bọt hoặc nước tiểu.

Do đó các nhà khoa học kêu gọi mọi người cần có những biện pháp bảo vệ toàn thân để tảnh nguy cơ lây nhiễm virus qua đường tiêu hóa.

Nghiên cứu được công bố hôm 9/2 vừa qua trên kho lưu trữ nghiên cứu y tế medRxiv. Tính đến hôm nay (11/2), thế giới đã ghi nhận 43.109 ca nhiễm bệnh và 1.018 đã tử vong, chủ yếu tại Trung Quốc.

Tiến Thanh

Chủ đề khác