VnReview
Hà Nội

Virus corona và sức mạnh đáng sợ của “đại dịch thông tin”

Mạng xã hội đã góp phần đưa những thông tin – cả chính thống lẫn sai lệch, xuyên tạc – về virus corona đi khắp thế giới với tốc độ chưa từng có tiền lệ, reo rắc nỗi lo sợ, kích động nạn phân biệt chủng tộc,… Nhưng cùng lúc, chúng ta cũng thấy được những tia hy vọng về sự ấm áp của tình người.

Vào ngày 19/1 – chỉ một tuần trước Tết Nguyên đán – Tommy Tang rời Thâm Quyến cùng bạn gái của mình để đến thăm gia đình cô vào dịp nghỉ lễ. Họ đã nghe tin về một chủng virus corona mới (được Tổ chức Y tế Thế giới WHO đặt tên chính thức là Covid-19), nhưng những thông tin ban đầu cho biết loại virus này chỉ xuất hiện tại một khu vực nhỏ. Chính quyền địa phương đã lên tiếng trấn an người dân, khẳng định nó chỉ ảnh hưởng đến những ai từng có mặt ở một khu chợ ẩm thực nào đó và có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Nhưng đến đêm ngày 20, viện sĩ Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về hô hấp của Trung Quốc, người từng phát hiện virus corona gây nên đại dịch SARS vào năm 2003, đã phải lên sóng truyền hình quốc gia để đính chính thông tin. Ông nói, chủng mới của virus corona này có thể lây từ người sang người. Sự hoang mang dần trở thành hoảng sợ. Sau một đêm, tất cả mọi người trong thành phố đều đeo khẩu trang.

Tang và bạn gái hiểu rằng, thành phố này không còn an toàn nữa. Họ hủy bỏ mọi kế hoạch của mình và nhanh chóng bắt chuyến tàu rời thành phố. Chưa đầy 48 giờ sau, toàn bộ thành phố Vũ Hán đã bị phong tỏa.

Trở lại Thâm Quyến, Tang và bạn gái tự cách ly chính mình trong vòng 14 ngày, chỉ ra khỏi căn hộ một lần mỗi ngày để đổ rác, không quên đeo khẩu trang. Tang không thể đón Tết Nguyên đán cùng với gia đình của mình, dù họ cũng ở Thâm Quyến. Anh chúc mừng năm mới người mẹ của mình qua lỗ nhỏ trên cánh cửa ra vào căn hộ. Anh phải đặt mua mọi thứ trên mạng, từ đồ ăn cho đến những vật dụng như xà phòng, giấy vệ sinh, qua các ứng dụng giao hàng như Meituan Waimai và Dada-JD Daojia.

Tuy nhiên, đến ngày cách ly thứ ba, Tang rơi vào trạng thái hoảng loạn khi tất cả mọi thứ trên các ứng dụng đều đã cháy hàng. "Không có gì ở đó cả - dù chỉ một cọng rau", anh nói. "Nhưng so với Vũ Hán, cuộc sống ở đây vẫn còn rất dễ dàng", anh nói thêm.

Và những ngày sau đó, nỗi sợ hãi trong Tang ngày một lớn dần lên, khi những tin tức về đại dịch xuất hiện ngày càng dày đặc trên mạng xã hội. Lo lắng, hoảng loạn, những cung bậc cảm xúc anh chưa từng trải qua trước đây. Anh và bạn gái của mình liên tục mất ngủ, rồi cả những cơn hoảng sợ xảy đến bất chợt.

"Thực lòng mà nói, rất khó để diễn tả những gì đã xảy ra trong 14 ngày ấy", anh nói. "Chúng tôi không có gì để làm ngoại trừ đọc tin tức, và tin tức thì cứ ngày càng tồi tệ hơn. Đó là ‘nỗi khổ' của những người ở bên ngoài".

Vào ngày 2/2, WHO gọi chủng virus corona mới là một "đại dịch thông tin", khi những luồng thông tin thừa thãi – cả chính xác lẫn sai lệch, xuyên tạc – khiến việc tìm kiếm các nguồn tin đáng tin cậy trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đó cũng là điểm khiến Covid-19 khác biệt với những đại dịch trước đây. SARS, MERS và Zika cũng từng khiến cả thế giới phải hoảng sợ, nhưng nỗi sợ hãi xoay quanh Covid-19 đã được nhân lên gấp nhiều lần nhờ "sự trợ giúp" của mạng xã hội. Thông tin được lây lan với tốc độ chóng mặt chưa từng có tiền lệ, reo rắc nỗi lo sợ và thậm chí kích động nạn phân biệt chủng tộc nhắm vào người Trung Quốc nói riêng và châu Á nói chung.

"Ăn trứng gà luộc có thể kháng được bệnh tật" chỉ là một trong số vô vàn kiểu tin giả khi đại dịch virus corona diễn ra

Về phần mình, WHO đã nỗ lực giải quyết vấn đề bằng cách phối hợp với Twitter, Facebook, Tencent và TikTok để đẩy lùi nạn tin giả. Ví dụ, mới đây, tính năng cảnh báo Google SOS cũng đã được kích hoạt để đưa thông tin chính thống từ WHO lên trên đầu kết quả tìm kiếm liên quan đến virus corona. WHO còn đi xa đến mức liên hệ tới những người có tầm ảnh hưởng hay "influencer" tại châu Á để cố gắng kiểm soát nạn tin giả.

Các nền tảng mạng xã hội và tổ chức y tế cũng đã và đang góp sức vào công cuộc của WHO. TikTok liên tục càn quét những video cố tình đưa thông tin sai lệch, khẳng định sẽ "không để lọt những thông tin gây hại đến cộng đồng". Facebook sẽ thẳng tay xóa bỏ những bài đăng "tư vấn sức khỏe" sai lệch. Tại Việt Nam, những chủ tài khoản mạng xã hội đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch gây hoang mang trong cộng đồng cũng sẽ bị mời làm việc và xử phạt theo luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1/1/2019.

Thế nhưng, số lượng thông tin quá lớn đã vượt xa tầm kiểm soát của những tổ chức trên. Ảnh chế, những câu chuyện phân biệt chủng tộc xuất hiện nhan nhản trên Facebook hay TikTok. Chia sẻ về việc người châu Á bị kỳ thị, phân biệt có ở khắp mọi nơi. Rồi cả những trường hợp "làm khổ" cơ quan chức năng bằng cách… giả bị nhiễm virus corona để được nổi tiếng, tăng tương tác,…

6 học sinh tại Đà Lạt đã bị triệu tập vì chỉnh sửa, giả mạo phiếu xét nghiệm thành dương tính với virus corona

Nhưng đau lòng hơn là khi người dân và những người mắc kẹt tại thành phố Vũ Hán và lớn hơn là tỉnh Hồ Bắc đang phải chịu sự phân biệt từ chính những người Trung Quốc. Trong một vài trường hợp cá biệt, có người còn bị từ chối đặt phòng khách sạn nếu quê hương của họ nằm trong vùng dịch đang bị phong tỏa, dù họ có đi du lịch từ trước.

Dù vậy, vẫn có những điểm tích cực của mạng xã hội trong đại dịch này, khi chúng đã trở thành một nguồn tin rất quan trọng. Các nhà báo trên khắp thế giới đã và đang sử dụng mạng xã hội Trung Quốc để có bức tranh chính xác hơn về tình hình dịch bệnh. Số lượng bản tin khổng lồ, liên tục về những gì đang diễn ra tại Trung Quốc cũng tạo ra sức ép to lớn lên chính phủ quốc gia này, buộc họ phải tiết lộ thêm nhiều thông tin hơn về cuộc khủng hoảng.

Người dân Trung Quốc đau buồn trước cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng

Trong những ngày đầu của dịch bệnh, một số bác sĩ tại Trung Quốc đã lên mạng xã hội để gióng lên những hồi chuông cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của tình hình. Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng "ra tay kiểm soát" luồng thông tin và kỷ luật khiển trách những vị bác sĩ này, những lời cảnh báo ấy đã được lan truyền rộng rãi và buộc chính phủ phải có cái nhìn thực tế hơn về tình hình khủng hoảng. Sau đó, khi bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên đưa ra cảnh báo qua đời, mạng xã hội Trung Quốc đã chìm trong sự giận dữ, đặt dấu hỏi về khả năng của chính phủ. Sự bất mãn trở nên gay gắt đến mức Trung Quốc phải tiến hành kiểm duyệt nội dung.

Hoạt động trên mạng xã hội cũng có thể được khai thác trong tương lai để nắm bắt và theo dõi tình hình dịch bệnh. Raina MacIntyre, một chuyên gia an toàn sinh học tại Đại học New South Wales đã đăng tải một bài viết hồi tháng Một trên tạp chí Epidemiology cho thấy các điểm nóng về số lượng tweet có thể là một cách tốt để nhận biết sự lây lan của dịch bệnh. "Đặc biệt là khi nguồn tin bị kiểm duyệt hoặc đơn giản là có quá ít thông tin để thống kê", cô nói, điều này sẽ giúp các tổ chức phản ứng nhanh hơn khi có dịch bệnh bùng nổ, ngăn chặn chúng trước khi chúng trở thành mối nguy toàn cầu.

Theo một cách kỳ lạ nào đó, mạng xã hội cũng đã trở thành nơi để chia sẻ sự đồng cảm. Trên Weibo và WeChat, những câu chuyện về sự tuyệt vọng hay các hành động tốt đẹp liên tục được đăng tải. Bên cạnh những biểu hiện sợ hãi từ những người mắc kẹt trong vùng dịch và từ những bệnh nhân không được điều trị cũng là các giai thoại về tinh thần đoàn kết, tình nguyện và giúp đỡ nhau theo những cách bất ngờ và hào phóng.

"Những câu chuyện đó – bạn sẽ không nhìn thấy chúng nhiều trên các bản tin quốc tế", Shen Lu, một phóng viên tại Boston chia sẻ. Mạng xã hội đã trở thành cách quan trọng để mọi người có thể theo dõi cuộc khủng hoảng từ cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc, mang lại cho mọi người – giữa tất cả những sự hoảng loạn và độc hại ấy – một tia sáng hy vọng nhỏ nhoi.

VH

Chủ đề khác