VnReview
Hà Nội

Lo ngại người Vũ Hán không nhiễm Covid-19 nhưng bị lây ở trại cách ly

Hiện chưa rõ bệnh nhân trong các cơ sở cách ly được xây vội ở Trung Quốc đang được điều trị ra sao. Nhiều chuyên gia lo ngại bệnh của họ sẽ tệ đi vì không được chăm sóc tốt.

Với tình hình dịch virus corona chủng mới (Covid-19) vẫn lan rộng ở Vũ Hán, chính quyền tuần trước đã có thêm động thái quyết liệt.

Các điều tra viên tới từng nhà trong thành phố, đưa người nhiễm bệnh đến các cơsở cách ly được xây dựng một cách vội vàng tại các sân vận động, trung tâm triển lãm hay tòa nhà.

Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan khi tới thị sát Vũ Hán cách đây một tuần. "Chúng ta cần thiết lập một hệ thống làm việc 24 giờ. Dưới những điều kiện thời chiến như hiện nay, không ai được phép đào ngũ hoặc ô nhục sẽ bị khắc ghi đến muôn đời sau", bà Tôn cảnh báo.

Có làm giảm lây lan virus?

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hoài nghi việc cách ly hàng nghìn bệnh nhân trong các trại như vậy không thể làm giảm sự lây lan của virus corona.

"Gần giống như đóng cửa chuồng sau khi ngựa đã chạy ra ngoài", tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh di truyền tại Đại học Vanderbilt, thành phố Nashville, Mỹ, nói với New York Times.

Những trại cách ly như trên gợi lại những câu chuyện trong sách sử về trại cách ly mà người Mỹ lập ra trong đại dịch cúm Tây Ban Nha đầu thế kỷ trước, gây thêm những lo ngại, theo New York Times.

Chính quyền Trung Quốc đã nói chỉ những người xác nhận nhiễm virus mới bị đưa vào trại, nhưng vẫn chưa giải thích rõ về cách thức "xác nhận" ca nhiễm, gây lo ngại có thể có ca nhiễm cúm thường hoặc bệnh khác nhưng vẫn bị đưa vào trại.

Trại cách ly người nhiễm virus ở Vũ Hán

Không rõ chính quyền dựa vào các tiêu chí nào để đưa bệnh nhân vào trại cách ly. Ảnh: China Daily.

Bên trong trại, những chiếc giường hẹp được đặt theo hàng, có thể có giường tầng, được bố trí thành các khu chỉ ngăn cách bằng tường tạm thời - điều kiện hoàn hảo để bệnh hô hấp lây lan. Có ít thông tin về cách điều trị mà bệnh nhân sẽ nhận được, hay họ sẽ phải ở bao lâu, theo New York Times.

Cảnh tượng trên giống cảnh ở Mỹ năm 1918 khi chiến đấu với dịch cúm Tây Ban Nha, nhưng có quy mô lớn hơn nhiều. Vũ Hán là thành phố 11 triệu dân.

Vào tháng 8/1018, sau khi có tin một con tàu Na Uy đang cập bến thành phố New York, chở nhiều thủy thủ và hành khách bị nhiễm cúm Tây Ban Nha, giới chức New York đưa xe cứu thương và chở 11 bệnh nhân thẳng vào viện.

Chính quyền sau đó cô lập hẳn một khu cảng. Mùa thu năm đó, dịch bệnh tiếp tục lan rộng và thành phố khắp nước Mỹ. Los Angeles đóng cửa trường học, rạp chiếu bóng, cấm tổ chức đám ma. Baltimore đóng cửa trường và nhà thờ.

Nhiều thành phố để người ốm tự điều trị ở nhà. Ở New York, các gia đình được hướng dẫn cách cách ly bệnh nhân trong phòng, hạn chế tiếp xúc. Nếu bệnh nhân nào sống trong các khu chung cư đông đúc, sẽ được cách ly ở bệnh viện thành phố.

Thành phố Richmond, bang Virginia có 10.000 ca nhiễm cúm từ đầu tháng 10/1918 sau khi nỗ lực kiểm soát virus tại một căn cứ quân sự không thành. Sau đó, một trường học được chuyển thành điểm cách ly với 500 giường.

Mặc dù có đủ y tá cho các trại cách ly này, điều kiện ở đây vẫn rất tệ, tiến sĩ Howard Markel, giáo sư lịch sử y học tại Đại học Michigan, nói với New York Times. Bệnh nhân như đang bị đưa vào kho, và những người sống sót kể lại cách điều trị tồi tệ, thậm chí thù địch, từ phía nhân viên y tế, cũng như điều kiện thức ăn, tắm rửa không đảm bảo, tiến sĩ Markel nói. Các bệnh nhân ngạc nhiên, "vỡ mộng", xảy ra các vụ ẩu đả.

Các cơ sở cách ly tạm thời ở Vũ Hán không có đủ hệ thống sưởi, thường mất điện, theo những thông tin ban đầu. Nhân lực không đủ, và thiết bị y tế thì khan hiếm.

"Như là thế kỷ 19", tiến sĩ Markel nói. "Đây là cách tiếp cận cổ hủ đối với dịch bệnh, vì bạn chăm sóc cho người khỏe mạnh hơn là người đang ốm".

Trại cách ly người bệnh cúm Tây Ban Nha

Một nhà kho được chuyển thành cơ sở cách ly trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Ảnh: Getty Images.

Khả năng lây bệnh

Các trại cách ly ở Vũ Hán có thể sẽ khiến một số người nhiễm bệnh, nhất là nếu bệnh nhân không được sàng lọc cẩn thận, theo các chuyên gia.

Các bệnh nhân vốn đã yếu, và các cơ sở như vậy càng làm cho virus và vi khuẩn dễ phát tán - không chỉ virus corona chủng mới, mà còn nhiều mầm bệnh khác.

"Mỗi khi chúng tôi đặt nhiều người vào cùng một nơi như vậy, ngay cả khi sơ tán bão, chúng tôi lo ngại họ sẽ nhiễm bệnh", Nicole Errett, nhà nghiên cứu tại Đại học Washington và phụ trách chương trình phòng bị tình huống khẩn cấp, nói với New York Times.

Những người phải vào trại cách ly, nếu chẩn đoán sai là bị nhiễm virus corona thay vì cúm thường, đứng trước nguy cơ lớn sẽ bị nhiễm căn bệnh mà họ không hề bị nhiễm. Nếu ở nhà, họ sẽ an toàn hơn nhiều so với khi phải vào một không gian mở, san sát người như trong trại cách ly.

Và việc ở nhà cũng có những lợi ích vô hình khác. Đó là nơi họ được hỗ trợ về tinh thần, được họ hàng chăm sóc. Việc phải vào trại cách ly sẽ cướp đi sự động viên mà họ cần có trong thời khắc chống chọi bệnh tật, cũng như gây ra sự hoang mang, dị nghị từ mọi người, theo tiến sĩ Errett.

Không rõ các bệnh nhân trong các khu cách ly giống nhà kho nói trên có được điều trị y tế đúng mức hay không. Nhưng các trại cách ly thường được lập ra khi bệnh viện địa phương đã quá tải.

Trong quá khứ, thường không rõ sự cách ly kéo dài bao lâu. Trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 ở Mỹ, các quan chức Richmond, Virginia đã nới lỏng nhiều giới hạn, phong tỏa vào tháng 11/1918, cho phép trường và nhà thờ mở cửa.

Đoàn xe của Chữ thập Đỏ tại thành phố St. Louis trong đại dịch năm 1918. Ảnh: Getty Images.

Nhưng cũng có thể việc cách ly bệnh nhân ở Vũ Hán sẽ làm giảm sự lây lan của virus corona, tiến sĩ Markel nói.

"Trong tình huống tốt nhất, việc đưa những người nhiễm và nghi nhiễm vào trại, tách họ ra khỏi người khỏe, có thể sẽ ngăn virus lan rộng", ông nói.

Một số ý kiến cho rằng giải pháp tối ưu hơn là để người nhiễm tự ở nhà cách ly, còn gia đình được hướng dẫn cách chăm sóc người ốm cũng như cách tự bảo vệ khỏi bị lây bệnh.

Thay vì đưa bệnh nhân vào khu cách ly, giới chức có thể phân phát thức ăn và các thiết bị y học để hỗ trợ người đang chăm sóc cho bệnh nhân.

Jennifer Nuzzo từ trung tâm an ninh sức khỏe tại Đại học John Hopkins nhận xét rằng các cơ sở cách ly chỉ nên dành cho ca nhiễm nặng, không nên dành cho ca nhiễm kém nghiêm trọng hơn.

"Cố gắng ngăn chặn sự lây lan của virus vào thời điểm này là mục tiêu sai lầm", bà nói với New York Times. "Tôi không có bằng chứng nào cho thấy chúng ta có thể chặn được một chủng virus đường hô hấp vốn lan truyền nhanh và thầm lặng" như chủng virus gây ra dịch Covid-19.

Theo Zing

Chủ đề khác