VnReview
Hà Nội

Tâm sự của bệnh nhân từng nhiễm virus Covid-19: “Tôi đã gõ cửa địa ngục”

"Tôi đã gõ cửa địa ngục" – một bệnh nhân đã hồi phục sau khi nhiễm virus Covid-19 cho biết. Anh đã phải đến bệnh viện vô số lần, kèm theo đó là những triệu chứng hết sức nghiêm trọng.

corona

Đối với một bệnh nhân nhiễm virus Corona tại trung tâm của đại dịch, hành trình từ lúc bị lây nhiễm đến khi hồi phục không khác gì một cơn ác mộng, trong đó có vô số lần phải đến bệnh viện, trải qua những triệu chứng nghiêm trọng đến mức anh này từng nghĩ rằng số phận mình đến đây là hết, và anh phải chấp nhận bị cách ly dưới sự giám sát của lực lượng cảnh sát.

Tiger Ye (tên giả) là một sinh viên 21 tuổi ở Vũ Hán, thành phố ở miền Trung Trung Quốc, nơi chủng virus mới đang gây kinh hoàng trên toàn thế giới bùng lên. Anh Ye, không muốn lộ danh tính thật vì lo sợ bị lảng tránh, lần đầu nghi ngờ mình đã bị nhiễm virus Corona vào ngày 21/1, khi cảm thấy quá mệt không thể ăn nốt bữa tối. Anh liền đo nhiệt độ cơ thể và thấy nó đang tăng vọt.

Ở thời điểm đó, thông tin về virus mà hiện nay chúng ta gọi là Covid-19 vẫn còn rất ít, nhưng nỗi ám ảnh đã nhanh chóng hình thành khi chính quyền xác nhận căn bệnh này đang lây lan nhanh giữa người với người tại một thành phố có đến 11 triệu dân. Đã nửa đêm khi Ye đến bệnh viện Tongji – một bệnh viện hàng đầu của Vũ Hán – và anh thấy một phòng chờ với vô số người như anh. Anh đang sốt cao, và biết rằng sẽ phải chờ hàng giờ mới đến lượt xét nghiệm của mình.

"Tôi sợ lắm. Vô số ca bệnh chất đống trên bàn, và mọi bác sỹ đều mang quần áo bảo hộ, điều tôi chưa từng thấy bao giờ" – anh nói.

Hơn hai tuần tiếp theo là khoảng thời gian lo lắng và tuyệt vọng, khi Ye phải chờ đợi để xác nhận liệu bản thân có mắc con virus tai ác gây bệnh viêm phổi kia không, rồi được chữa trị cho các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng anh đang gặp phải. Anh là một trong số những người bệnh may mắn vượt qua được căn bệnh, một phần bởi cha anh – một nhân viên y tế - biết được những nguy cơ mà Covid-19 có thể mang lại sớm hơn hầu hết những cư dân Vũ Hán.

corona

Tiger Ye tại nhà ở Vũ Hán sau khi rời khỏi khu vực cách ly vào ngày 13/2

Giữa vòng phong tỏa

Hơn 1.000 người đã chết vì chủng mới của virus Corona ở tỉnh Hồ Bắc, nguyên nhân là do sự thiếu hụt hạ tầng y tế, giường bệnh, các bộ công cụ xét nghiệm, và các trang thiết bị y tế cơ bản khác – rất nhiều người đã phải chờ đợi hàng giờ liên mới được chẩn đoán, và một số đã không qua khỏi trước cả khi gặp được bác sỹ. Trung Quốc đã cách ly một phần lớn của Hồ Bắc, và đại dịch đã khiến nhiều khu vực thuộc nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới phải ngừng hoạt động trong bối cảnh các nhà khoa học trên toàn thế giới chạy đua để tìm thuốc chữa.

Vào đêm mà Ye lần đầu được điều trị, anh đã nhận được thuốc từ một bệnh viện nhỏ hơn nằm gần đó sau khi quyết định từ bỏ hàng dài chờ đợi ở bệnh viện Tongji. Bởi các triệu chứng của anh không được phân loại là "rất nghiêm trọng", nên các bác sỹ nói với Ye rằng chỉ cần về nhà và tự cách ly mình là được.

Bốn ngày đầu tiên cách ly quả thực rất khủng khiếp.

"Tôi sốt cao và khắp cả người bị tra tấn vì những cơn đau" – Ye nói. Anh là một fan của văn hóa Nhật Bản, và có đam mê trở thành một diễn viên lồng tiếng. Để xoa dịu nỗi đau, Ye dành những ngày cách ly để xem phim hoạt hình Nhật.

"Ho như thể tôi sắp chết rồi vậy"

Khi Ye đến bệnh viện để tái khám vào bốn ngày sau đó, chính quyền Vũ Hán đã phong tỏa thành phố, cấm mọi người rời đi để ngăn virus lây lan. Mọi thứ thay đổi trong chớp mắt: đường xá vắng tanh, giá trái cây và rau củ tươi tăng vọt, và cư dân ở đây thì không biết chắc liệu họ có được phép rời khỏi căn hộ của mình không nữa.

Tình trạng của Ye cũng trầm trọng hơn. "Tôi ho như thể mình sắp chết rồi vậy" – anh nói.

Tại bệnh viện, nhiều bản chụp CT cho thấy nhiều khả năng Ye đã nhiễm virus Corona chủng mới, và nó đã lây lan xuống phổi anh. Các bác sỹ đắn đo liệu có nên cho anh xét nghiệm acid nucleic hay không (xét nghiệm acid nucleic là sử dụng chuỗi di truyền của virus để xác nhận liệu bệnh nhân đã bị lây nhiễm hay chưa), nhưng rồi họ quyết định rằng ca bệnh của Ye chưa đủ nghiêm trọng, và những bộ công cụ xét nghiệm quý giá kia phải được dành cho những bệnh nhân nghiêm trọng hơn.

corona

Một bản chụp CT phổi của Ye khi tình hình của anh trở nên trầm trọng hơn, ngày 25/1

Cửa địa ngục

Quá trình chẩn đoán là một trong những rào cản lớn khiến việc kiểm soát chủng virus mới trở nên cực kỳ khó khăn tại Hồ Bắc. Số lượng người lo sợ bị lây nhiễm vượt xa khả năng xét nghiệm của các bệnh viện. Vào thứ Năm, ngày 13/2, Hồ Bắc bắt đầu đếm số bệnh nhân đã được chẩn đoán qua chụp CT cùng với những người đã được xét nghiệm với kết quả dương tính với bộ xét nghiệm acid nucleic – kết quả là số ca bệnh được xác nhận tăng đến hơn 45%, đến mức gần 50.000 người.

Trong quá trình Ye đang nghỉ ngơi tại nhà sau lần tái khám thứ hai – vẫn chưa biết anh có bị nhiễm virus hay không – thì anh trai và bà nội anh cũng bắt đầu biểu hiện các triệu chứng nhiễm bệnh. Đêm hôm đó, tình trạng của Ye trở nên tệ đến mức anh tưởng mình sắp chết đến nơi rồi.

"Tôi nghĩ mình đã gõ cửa địa ngục rồi" – anh nói.

Ye quay lại bệnh viện sau khi nhiệt độ cơ thể vọt lên 39 độ C. Các bác sỹ truyền tĩnh mạch cho anh và cho anh một liều Kaletra – một loại thuốc kết hợp dùng để trị HIV, vốn trước đó cho thấy có thể tiêu diệt được virus – và nhiệt độ cơ thể Ye đã giảm xuống 37 độ vào cuối ngày hôm đó.

Một tuần sau khi các triệu chứng lần đầu xuất hiện, tình trạng của Ye đã biến chuyển.

Xác nhận nhiễm virus

Tình trạng của anh sinh viên trẻ dần cải thiện khi anh cuối cùng cũng nhận được một bộ công cụ xét nghiệm vào ngày 29/1. Kết quả thu được xác nhận rằng Ye đã nhiễm loại virus khiến chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới phải ban hành lệnh cấm du lịch. Bác sỹ kê cho anh thuốc kháng virus Aluvia, uống trong 5 ngày, và đưa anh trở lại căn hộ 3 giường ngủ của mình để tiếp tục cách ly, một phần vì bệnh viện không còn đủ giường cho anh nằm nữa.

Chín ngày sau, vào ngày 7/2, một loạt các bộ xét nghiệm acid nucleic khác cho kết quả âm tính, nhưng Ye vẫn chưa thoát khỏi vòng nguy hiểm. Sau khi xuất hiện nhiều báo cáo cho biết ngay cả những bệnh viên có kết quả âm tính vẫn có thể rơi vào tình trạng kiệt quệ nghiêm trọng, chính quyền địa phương phải đưa Ye vào cách ly trong một khách sạn nay được chuyển thành bệnh viện dã chiến. Cảnh sát dàn hàng canh gác bên ngoài để ngăn bất kỳ ai rời đi hay bước vào.

corona

Một trung tâm triển lãm được chuyển thành bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán, ngày 6/2

Ye được phép về nhà 5 ngày sau đó, kết thúc một chuỗi ngày khổ sở bắt đầu từ hơn 3 tuần trước. Anh đã sống sót, và vô cùng biết ăn đội ngũ bác sỹ và y tá đã không nề hà nguy hiểm đối với bản thân để giúp đỡ anh. Một số bác sỹ nói với anh rằng họ nghi ngờ mình đã nhiễm virus, nhưng vẫn tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân.

Giống như nhiều người Trung Quốc, Ye chỉ trích phản ứng của chính quyền đối với đợt bùng dịch, đặc biệt là sự chậm chạp của các quan chức địa phương ở thời điểm ban đầu – cơ hội quý giá để đối phó với virus đã bị bỏ lỡ. Hai thành viên chủ chốt trong Chính quyền ở Hồ Bắc đã bị sa thải hôm thứ Năm vừa qua, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc tìm cách kiểm soát cuộc khủng hoảng chưa thấy hồi kết.

"Hồ Bắc đã liên tục bỏ lỡ cơ hội khi họ tìm cách giấu nhẹm mọi thứ" – Ye nói. "Tình hình sẽ không đến mức này nếu chính quyền không che đậy thông tin một tháng trước".

Minh.T.T (theo Bloomberg)

Chủ đề khác