VnReview
Hà Nội

Khi tập gym, học và làm việc từ xa trở nên quen thuộc ở Trung Quốc mùa đại dịch Covid-19

"Đứng trước một cái ghế, ngực ưỡn ra, tâm và xương chậu thắt chặt vào" đó là lời của Heidi Liu, một người dạy môn Pilates tại Thượng Hải đang hướng dẫn mọi người qua chiếc iPad trong mùa đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, không có học viên nào trong lớp học cả mà Liu đang livestream bằng iPad và chia sẻ tới các học viên đang phải ở nhà. Trước tình hình dịch bệnh ngày càng lan rộng, chính quyền nhiều thành phố đã phong tỏa mọi con đường và dừng mọi hoạt động thường ngày có tụ tập đông người. Điều này dẫn tới việc nhiều trường học, phòng tập gym, nhà hàng đều hoang vắng, không có người lui tới.

Mặc dù chính phủ đã ra sức hỗ trợ các công ty chịu thiệt hại do lệnh phong tỏa, các chủ doanh nghiệp vẫn phải tìm cách để tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh mà không vi phạm các quy tắc. Đó là kinh doanh trên môi trường Internet.

Hiện nay, phát trực tuyến đang trở thành trào lưu ăn khách nhất tại Trung Quốc, khi một số người có thể kiếm được tiền từ việc livestream trong lúc ngủ hay bán nông sản qua livestream,… Bên cạnh đó, livestream còn được ứng dụng trong giảng dạy từ xa hoặc thậm chí là hướng dẫn các bài tập gym mà học viên không cần đến lớp học.

Chris Li, chủ sở hữu của phòng tập Pilates Proworks cho biết: "Chúng tôi không muốn khách hàng quên chúng tôi. Nếu chúng tôi không làm gì cả, một số người có thể cho rằng chúng tôi đã dừng hoạt động. Pilates Proworks đang cố gắng làm một điều gì đó để an ủi mọi người".

Phần lớn các lớp học gym trực tuyến đang được cung cấp miễn phí. Chỉ riêng lớp học miễn phí 20 phút của Liu đã thu hút hơn 4,7 ngàn lượt like nhưng tất nhiên là không có thu nhập chính thức từ việc livestream này.

Liu Xiaojin, sáng lập chuỗi phòng gym Gravity Plus tại Bắc Kinh chia sẻ: "Tôi không có ý định thu hút thêm khách hàng mới. Tôi chỉ muốn giữ chân các khách hàng cũ mà thôi". Liu đã bắt đầu các lớp học gym trực tuyến cách đây hơn 10 ngày và đang cho thuê thiết bị tập gym để kiếm thêm thu nhập.

Các chủ phòng gym chia sẻ với Reuters rằng, công việc livestream tập luyện ban đầu chỉ là biện pháp chống cháy và không ai ngờ rằng, mọi thứ sẽ kéo dài lâu đến như vậy. Hiện tại nhiều chủ phòng gym đã livestream hơn 3 tuần và công việc này có thể sẽ tiếp tục đến cuối tháng 2 này.

Li cho hay: "Mỗi ngày đều là một thử thách. Tôi dự định nếu tình hình không được cải thiện trong tháng 3, tôi có thể sẽ dừng kinh doanh và rời khỏi Thượng Hải".

Học tập, giải trí,… tất cả đều trên mạng

Trong bối cảnh các trường học phải đóng cửa, giáo viên đứng lớp vẫn tổ chức các bài giảng trực tuyến để học sinh không bị mất kiến thức. Học kỳ mùa xuân đã bắt đầu từ tuần trước tại Trung Quốc nhưng cho đến nay vẫn chưa có học sinh nào ở tâm dịch Vũ Hán được tới trường.

Theo ước tính của ứng dụng học trực tuyến Xuexitong tính đến 8h sáng thứ Hai (17/2), đã có hơn 12 triệu người dùng đăng nhập vào nền tảng này cùng một lúc.

Ngay cả trước khi dịch Covid-19 bùng phát, 845 triệu người dùng Internet tại Trung Quốc, gấp 6 lần dân số Nhật Bản cũng đã dành trung bình 4 giờ/ngày để lên mạng. Nhưng với tình hình dịch bệnh còn diễn biến khó lường như hiện nay, người dân chắc chắn sẽ càng dành thời gian nhiều hơn cho không gian mạng. Tất nhiên, điều này cũng gây áp lực lớn tới các máy chủ của Trung Quốc bất chấp nước này có một hệ thống máy chủ đồ sộ.

Áp lực quá lớn từ một lượng truy cập khổng lồ khiến các máy chủ của Trung Quốc bị quá tải

Khi người người nhà nhà chuyển sang hoạt động nhiều hơn trên mạng, tất nhiên sẽ mang tới sự xôm tụ và vơi đi sự buồn tẻ. Nhưng đây cũng không hẳn là môi trường tốt nhất vì vẫn còn sự cố xảy ra, đặc biệt là tình trạng máy chủ không ổn định.

Tối Chủ Nhật (16/2), người dùng của một trong những dịch vụ livestream phổ biến tại Trung Quốc có tên iQiyi bất ngờ gặp tình trạng đen màn hình. Sự cố trên khiến nhiều người mắc kẹt ở nhà mất đi một nguồn thông tin giải trí thú vị. Dịch vụ iQiyi của Baidu hiện có khoảng 100 triệu người đăng ký chỉ tính riêng tại Trung Quốc. Con số này nhiều hơn cả số thuê bao của Netflix ở trong và ngoài khu vực Bắc Mỹ.

Vào ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài, các ứng dụng văn phòng phổ biến đã bất ngờ bị sập khi hàng chục triệu nhân viên cố gắng tổ chức các cuộc họp trực tuyến. Một lượng lớn người dùng cùng lúc đã khiến dịch vụ hội nghị trực tuyến DingTalk bị gián đoạn trong một khoảng thời gian. Hay như dịch vụ WeChat Work, một phiên bản văn phòng của ứng dụng do Tencent phát triển cũng tạm thời bị sập.

Không chỉ với các dịch vụ, ứng dụng liên quan đến công việc, game cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến các nhà cung cấp như Tencent phải đau đầu xoay sở, bởi dịch bệnh đã tạo cơ hội cho một lượng lớn game thủ chơi game cùng lúc.

Chưa biết dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao nhưng rõ ràng các dịch vụ phát trực tuyến đang được hưởng lợi lớn từ yếu tố khách quan này. Nhưng theo các chuyên gia, ngành công nghiệp truyền thống sẽ khôi phục khi dịch bệnh được kiểm soát và không còn tình trạng "sốt" các dịch vụ trực tuyến như hiện nay.

Tiến Thanh

Chủ đề khác