VnReview
Hà Nội

Liệu có cần vắc xin ngừa Covid-19 khi đã 17 năm vẫn chưa có vắc xin chống Sars?

17 năm sau khi hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars) bùng phát và 7 năm kể từ khi trường hợp mắc hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers) đầu tiên được phát hiện, vẫn không có vắc xin để phòng chống chúng dù có rất nhiều nỗ lực phát triển.

Vì vậy, khi các viện nghiên cứu và nhiều công ty trên thế giới chạy đua để tìm ra vắc xin tiềm năng ngừa một chủng virus Corona mới (Covid-19) đã lây nhiễm cho gần 80.000 người và khiến hơn 2.000 người chết, đã có câu hỏi rằng lần này mọi thứ có khác hay không.

Phát triển vắc xin cần có thời gian

Dịch bệnh thường được xử lý bằng cách kiểm soát chúng và tìm ra vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, việc phát triển vắc xin cần có thời gian vì nó phải trải qua các thử nghiệm để đảm bảo tính an toàn cũng như hiệu quả. Theo Michael Osterholm - giám đốc trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Đại học Minnesota (Mỹ) thì có thể tốn tới 1 tỷ USD để phát triển, cấp phép và sản xuất 1 loại vắc xin - bao gồm cả việc xây dựng cơ sở để sản xuất.

Dịch bệnh do Covid-19 gây nên bùng phát tại Vũ Hán từ giữa tháng 12/2019 và hiện tại đã khiến hơn 2.000 người chết. Hai đợt bùng phát dịch bệnh do virus Corona trước đây là Sars và Mers các nhà khoa học cũng đã cố gắng tìm ra vắc xin.

Đối với Sars, phải mất 4 tháng thì trình tự bộ gen của nó mới có sẵn để phát triển các kháng nguyên có thể được sử dụng cho thử nghiệm nuôi cấy tế bào. Thử nghiệm đầu tiên trên người về vắc xin chống lại Sars có thể được tiến hành tại Bắc Kinh vào tháng 12/2004. Nhưng khi đó, dịch bệnh đã kết thúc và nghiên cứu về các bệnh khác được ưu tiên hơn. Vì vậy, việc thử nghiệm vắc xin chống lại Sars đã được hoãn lại.

Nhưng với Covid-19, mọi thứ đã được làm nhanh hơn. Các nhà khoa học Trung Quốc đã nhanh chóng tìm ra trình tự bộ gen của nó và công bố với cộng đồng khoa học vào ngày 10/1. Việc này còn được làm trước khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố virus có thể lây từ người qua người, vào ngày 21/1.

Tài trợ cho việc tìm ra vắc xin ngừa Covid-19 cũng xuất hiện, ít nhất là trong giai đoạn này. Trung Quốc đang chịu nhiều áp lực cho việc phòng chống dịch bệnh và họ huy động mọi nguồn lực cần thiết cho nghiên cứu khoa học. Ông Zhang Xinmin - Giám đốc trung tâm phát triển sinh học quốc gia thuộc bộ khoa học - công nghệ Trung Quốc cho biết: 'Phát triển vắc xin ngừa Covid-19 là ưu tiên hàng đầu và chúng tôi đã tập hợp tất cả những đơn vị tốt nhất trong cả nước để cùng nhau thúc đẩy việc tìm ra vắc xin'.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 5 ứng cử viên vắc xin hiện nay đã đi đến giai đoạn tiền lâm sàng, bao gồm cả việc nuôi cấy tế bào và thử nghiệm trên động vật để tìm hiểu xem chúng có gây miễn dịch hay không. Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ tiến hành thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 trên người vào cuối tháng 4. Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một loại vắc xin ngừa virus Covid-19 sẽ có thể có sẵn trong 18 tháng nữa. Còn phát ngôn viên của WHO Tarik Jasarevic cho biết: 'Thường thì phải mất vài năm để phát triển vắc xin. Nhưng với nỗ lực trên toàn cầu, chúng tôi đang cố gắng rút ngắn thời gian đó'.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng 18 tháng vẫn là thời gian quá tham vọng vì sản xuất vắc xin là quá trình rất phức tạp. Allen Cheng - Giáo sư dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học Monash cho biết: 'Chế tạo vắc xin không hề đơn giản, trước tiên phải có một số ứng cử viên. Sau đó cần phải thử nghiệm trên động vật xem nó có hiệu quả không rồi phải xét nghiệm trên người nữa để xem nó có thực sự chống nhiễm trùng và không gây tác dụng phụ. Cuối cùng, nó còn phải được các nhà sản quản lý chấp nhận, sản xuất trên quy mô lớn và được các chính phủ mua. Quá trình này mất tối thiểu 10 năm. Ngay cả khi mọi thứ diễn ra hoàn hảo thì ít nhất cũng mất vài năm'. Điều này có vẻ hợp lý bởi như vắc xin ngừa Ebola cũng mất 5 năm nghiên cứu và thử nghiệm thì mới được phê duyệt.

Có đáng để sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 hay không?

Nhiều nhà khoa học cho rằng sau năm 2003 thì Sars đã biến mất thì liệu có cần sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 hay không bởi chắc gì nó đã quay trở lại. Câu trả lời nằm ở ngay chính câu hỏi, việc có cần sản xuất vắc xin không phụ thuộc vào Covid-19 có quay trở lại hay không.

'Nếu dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra chỉ hoành hành trong năm nay thì câu trả lời là không cần vắc xin. Nhưng nếu Covid-19 tái phát thì câu trả lời lại là có' - Stanley Plotkin - cố vấn trong hội đồng chuyên gia tư vấn của WHO nói. Ông cũng là người có vai trò chính trong việc phát triển vắc xin ngừa rubella vào những năm 1960.

Một số nhà khoa học cho biết nếu Covid-19 không bùng phát trong năm tới thì khó có được dữ liệu kiểm tra sự hiệu quả của các 'ứng cử viên' vắc xin trong các thử nghiệm trên người. Peter Smith - Giáo sư dịch tễ học nhiệt đới tại Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh London cho rằng: 'Nếu các quy trình kiểm soát hiện tại thành công trong việc chống lại Covid-19 trong vài tháng tới thì có thể việc nghiên cứu vắc xin để xem nó có hiệu quả trên người hay không sẽ không thể thực hiện được'. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm với số lượng người đã nhiễm bệnh và sự lây lan của Covid-19 thì dịch bệnh khó có thể được soát nhanh chóng. Đặc biệt là nếu nó lan sang các nước có hệ thống y tế công cộng kém phát triển.

Cùng với đó, nhiều nhà khoa học cho biết khả năng cao Covid-19 sẽ quay lại trong những năm tiếp theo. Florian Krammer - Giáo sư vi sinh học tại trường y khoa Icahn cho rằng Covid-19 sẽ có thể đến trong những mùa đông tiếp theo. Ông nói: 'Mọi người đều hy vọng nó được kiểm soát nhưng thực tế cơ hội cho việc này là rất thấp. Theo tôi nó sẽ lan rộng ra toàn thế giới và sẽ còn đến trong những mùa đông tiếp theo'.

Sự an toàn là điều cần lưu ý nhất ở vắc xin bởi nó sẽ được cung cấp cho một lượng lớn người khỏe mạnh. Ông Zhang Xinmin nói: 'An toàn là điều quan trọng nhất cần được lưu ý tới bởi vắc xin là dành cho người khỏe mạnh'. Tuy nhiên, dù thế nào thì có vẻ như việc sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 là rất cần thiết bởi gần như chắc chắn nó sẽ quay lại vào những năm tiếp theo. Ông Wang Chen - Chủ tịch viện khoa học y khoa Trung Quốc cho biết: 'Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh mới và tử vong do Covid-19 đã giảm mạnh ở Trung Quốc đại lục nhưng thế giới nên chuẩn bị cho việc nó sẽ trở thành một virus cúm mùa'. Khi trở thành cúm mùa có nghĩa là gần như năm nào chủng cúm này cũng đến và mang rất nhiều cái chết cũng như ca nhiễm bệnh mới cho người dân trên thế giới.

T.T

Chủ đề khác