VnReview
Hà Nội

Xóa thông tin cá nhân trên Internet - Nhiệm vụ bất khả thi

Trong thời đại mà mọi người đua nhau đưa mọi thông tin lên mạng, từ trạng thái mối quan hệ cho tới địa điểm mình đang đi du lịch, thì việc ẩn danh trong thời đại Internet là điều dường như không thể, kể cả trong một thời gian ngắn.

Dấu vết cá nhân trên thế giới mạng

Theo kênh BBC, trong thế kỷ 21, giữ riêng tư bất kỳ thông tin nào là một việc thực sự khó khăn. Theo một khảo sát từ công ty tuyển dụng Careerbuilder, ở Mỹ năm 2018, có 70% công ty sử dụng mạng xã hội để sàng lọc ứng viên xin việc và 48% kiểm tra các hoạt động trên mạng xã hội của nhân viên.

Tương tự, các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng có thể kiểm tra hồ sơ mạng xã hội trước khi quyết định cho ai đó vay tiền. Các công ty thì xây dựng mô hình về thói quen mua sắm, quan điểm chính trị và thậm chí còn dùng trí tuệ nhân tạo để đánh giá thói quen trong tương lai dựa trên hồ sơ mạng xã hội.

Một cách mà bạn có thể làm để kiểm soát thông tin của mình là xóa các tài khoản mạng xã hội. Một số người đã xóa tài khoản sau vụ bê bối liên quan tới Cambridge Analytica, trong đó dữ liệu 87 triệu người dùng Facebook bị công ty đối tác này sử dụng cho mục đích quảng cáo chính trị.

Xóa tài khoản xã hội là cách đương nhiên nhất để loại bỏ dữ liệu cá nhân trên mạng nhưng dù có xóa tài khoản thì cũng không gây ảnh hưởng gì tới dữ liệu mà các công ty khác đã nắm giữ của bạn.

May mắn là một số quốc gia có luật bảo vệ người dùng mạng xã hội. Tại Liên minh châu Âu, Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR) có phần nói về "quyền được quên", tức là cá nhân có quyền loại bỏ dữ liệu cá nhân của bản thân.

Ở Anh, Văn phòng Cao ủy Thông tin sẽ là nơi thực thi quyền này cho các cá nhân có nhu cầu. Theo dữ liệu của đài BBC, năm 2018, văn phòng này đã nhận được 541 đề nghị xóa thông tin của họ khỏi bộ máy tìm kiếm. Con số này tăng so với 425 trong năm trước đó và 303 trong giai đoạn 2016-2017.

"Quyền được quên" được nhắc tới nhiều từ năm 2014 và khiến một loạt người gửi đề nghị gỡ bỏ thông tin cá nhân. Những người gửi đầu tiên là một cựu chính trị gia muốn tái tranh cử và một kẻ ấu dâm. Tuy nhiên, không phải tất cả đơn đề nghị đều được chấp nhận.

Theo các quy định bảo vệ dữ liệu hiện nay, người dùng có thể làm một đề nghị tiếp cận và gửi các công ty để xem các công ty này có bao nhiêu thông tin về họ. Khi một người ủng hộ quyền riêng tưcá nhân người Áo tên là Max Schrems gửi đề nghị cho Facebook năm 2011, anh này nhận được một đĩa CD có tới 1.200 tập tin trong đó. Facebook lưu mọi địa chỉ IP của các máy mà Schrems từng dùng để truy cập Facebook, một lịch sử đầy đủ các tin nhắn mà anh đã gửi đi, thậm chí cả những thông tin đã xóa…

Thuê công ty tác động kết quả tìm kiếm

Khách hàng phải có tiền mới có thể thuê chuyên gia ẩn sâu thông tin bất lợi trong kết quả tìm kiếm Google. Ảnh minh họa: BBC

Các công ty và cá nhân có tiền bạc có thể thuê chuyên gia giúp đỡ. Cả một ngành đang được hình thành để bảo vệ uy tín của những người có nhu cầu. Có nhiều công ty sử dụng công nghệ để gỡ bỏ thông tin cho khách hàng và giúp khách hàng đào sâu chôn chặt những tin xấu trên bộ máy tìm kiếm với một khoản phí không hề rẻ.

Reputation Defender được thành lập năm 2006 là một công ty như vậy. Công ty này cho biết có một triệu khách hàng, trong đó có những người giàu có, các tổng giám đốc… Gói dịch vụ cơ bản của công ty có mức giá 5.500 USD.

Công ty Reputation Defender dùng phần mềm riêng để thay đổi kết quả tìm kiếm trên Google về khách hàng, giúp giảm những thông tin không có lợi và tăng cường những thông tin có lợi trong kết quả tìm kiếm.

Reputation Defender đặt thời gian hoàn thành mục tiêu cụ thể trong 12 tháng. Ông McChrystal nói: "Nó rất hiệu quả vì 92% người tra cứu Google không bao giờ xem quá trang đầu tiên trong kết quả tìm kiếm Google và hơn 99% người tra cứu không bao giờ xem quá trang thứ hai".

Giáo sư Viktor Mayer-Schoenberger ở Viện Internet Oxford chỉ ra rằng mặc dù các công ty bảo vệ danh tiếng làm việc hiệu quả nhưng khó mà chấp nhận việc chỉ người giàu mới có đủ tiền nhờ các chuyên gia như vậy hỗ trợ và hưởng lợi, trong khi những người khác thì không thể.

Vậy chúng ta có thể hoàn toàn loại bỏ mọi dấu vết của bản thân trên mạng hay không? Theo ông Rob Shavell, đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc DeleteMe (một dịch vụ đăng ký nhằm loại bỏ thông tin cá nhân khỏi cơ sở dữ liệu, trang trung gian dữ liệu, trang web tìm kiếm trực tuyến công cộng), điều đó là không thể.

Theo ông Shavell, để giải quyết tình trạng mất cân bằng về quyền riêng tư hiện nay, cần đặt ra quy định và biện pháp thực thi mạnh mẽ cho phép người tiêu dùng có tiếng nói trong cách thức thu thập, chia sẻ và bán thông tin cá nhân của họ. Tuy nhiên, việc này là một con đường khá dài.

Theo Báo Tin tức

Chủ đề khác