VnReview
Hà Nội

Tại sao chúng ta nên dừng ngay việc thả bóng bay lên bầu trời?

Bóng bay ngoài việc tạo ra nhiều màu sắc rực rỡ, tô điểm cho một sự kiện hoặc lễ kỷ niệm thì nó là một trong những kẻ thù số 1 của nhiều loài động vật hoang dã vì tác hại của chúng sau khi rơi xuống mặt đất.

Thả bóng bay lên trời từ lâu đã trở thành một thói quen và tục lệ thường thấy ở các sự kiện ngoài trời. Nghi lễ này giống như một cách để chào mừng một sự kiện nào. Tuy nhiên nhìn ở góc độ môi trường, đây là một hành động cực kỳ vô trách nhiệm với tự nhiên.

Mới đây một tổ chức phi lợi nhuận có tên Balloons Blow đã kêu gọi mọi người hãy ngừng thả bóng bay lên trời. Nguyên nhân bởi bóng bay sau khi đạt tới một độ cao nhất định sẽ vỡ và rơi xuống mặt đất, gây ô nhiễm cho đất, biển và ảnh hưởng xấu tới tự nhiên.

Vậy bóng bay có tác hại ra sao đối với môi trường?

1. Bóng bay là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với động vật hoang dã.

Theo một nghiên cứu do Đại học Tasmania, Úc thực hiện cho thấy, bóng bay là nguyên nhân số 1 tạo ra các mảnh vụn rơi xuống biển, dẫn tới nguy cơ gây tử vong cho chim biển. Cụ thể nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra nguyên nhân cái chết của khoảng 1,73 ngàn con chim biển (đủ mọi loài khác nhau) và thấy rằng, 1 trong 3 con chim đã ăn phải vụn cao su của bóng bay.

Dữ liệu cũng cho thấy một con chim ăn phải "một" mảnh vụn từ bóng bay có nguy cơ tử vong khoảng 20%, tăng 50% nếu ăn phải 9 mảnh vụn và 100% nếu ăn phải 93 mảnh vụn.

Ngoài ra một nghiên cứu từ Đại học Wageningen, Hà Lan cũng tiết lộ 5 sự thật về các mảnh vụn từ bóng bay và lý do tại sao nó nguy hiểm với động vật hoang dã.

Khi bóng bay vỡ và rơi xuống đất liền hoặc biển, chúng thường bị nhầm là thức ăn. Điều này khiến các loài chim, rùa biển, cá heo hay cả cá voi vô tình nuốt chúng vào trong bụng. Tất nhiên những mảnh vụn cao su tự nhiên này không thể tiêu hóa được trong dạ dày, bị lưu lại trong đó, khiến các loài bị ngộ độc, thậm chí không thể kiếm được thức ăn, dẫn tới chết vì đói.

Lưu ý rằng không chỉ có bóng bay mà đèn lồng thả lên trời cũng rất nguy hiểm sau khi chúng rơi xuống.

Bóng bay khó có thể phân hủy sinh học

Bóng bay thường được làm từ các vật liệu như cao su tự nhiên, polychloroprene hoặc vải nylon. Bóng bay tất nhiên có thể phân hủy được nhưng sẽ cần mất từ 6 tháng đến 4 năm để có thể tự phân hủy. Đó rõ ràng là một khoảng thời gian quá lâu trước khi một con vật vô tình ăn phải nó.

Có rất nhiều lựa chọn thay thế hữu ích cho bóng bay

Bóng bay đã trở thành một vật dụng quen thuộc trong đời sống con người. Không chỉ bởi nó rẻ mà những lợi ích mà nó đem lại rất lớn. Nhưng rõ ràng chúng ta cần gác lại sở thích cá nhân và dành sự quan tâm lớn hơn cho môi trường vì Trái Đất mới chính là nơi nuôi dưỡng sự sống cho con người chứ không phải những quả bóng bay.

Nếu không thể hạn chế sử dụng bóng bay, ít nhất chúng ta cần biết cách xử lý và tiêu hủy nó đúng cách khi không sử dụng đến nữa.

Một số hình thức kỷ niệm cũng rất hữu ích khác có thể thay thế cho bóng bay như thổi bong bóng, trồng cây, thả diều, chong chóng hay thả đèn hoa đăng. Hy vọng rằng, mỗi chúng ta sẽ nghĩ nhiều hơn tới môi trường trước khi quyết định có thả bóng bay hay không.

Tiến Thanh (Tham khảo Brightsight)

Chủ đề khác