VnReview
Hà Nội

Sự thật khó nuốt về tin giả

Một nghiên cứu mới cho thấy, dù ở độ tuổi bao nhiêu, trình độ giáo dục ra sao, và quan điểm chính trị thế nào, thì hầu hết chúng ta đều dễ bị đánh lừa bởi tin giả.

fake

Khi được hỏi liệu bạn có thể phân biệt được tin "giả" và "thật" hay không, hẳn hầu hết chúng ta sẽ đáp lại đầy phẫn nộ rằng "tất nhiên là có rồi!".

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kỹ thuật số tại Đại học New York và Đại học Stanford mới đây đã hỏi nhiều người cùng câu hỏi trên, nhưng theo một cách nghiêm túc hơn, và thu về những kết quả khá đáng quan ngại. Mỗi ngày, trong quãng thời gian suốt nhiều tháng trời, họ chọn ra 5 bản tin được đăng tải trong vòng 24 giờ qua và yêu cầu 90 người đến từ khắp nơi của Mỹ - vốn được chia thành những nhóm khác nhau – xác minh xem liệu các bản tin kia có đúng hay không.

Họ còn thuê hẳn một vài công ty chuyên thẩm định thông tin để kiểm tra những câu chuyện kia, nhằm tăng cường tính chuẩn xác cho nghiên cứu.

Những kết quả sơ bộ của nghiên cứu vẫn đang được tiến hành và tài trợ bởi Hewlett Foundation cho thấy hầu hết những người tham gia có thể khẳng định các bản tin thật là đúng. Nhưng, theo Joshua Tucker, một giáo sư chuyên ngành chính trị học và là đồng giám đốc Trung tâm Truyền thông Xã hội và Chính trị thuộc Đại học New York, những người này "không giỏi trong việc xác định các tin tức giả".

Tỉ lệ thành công trong xác định tin giả của họ cũng không dao động nhiều theo độ tuổi hay trình độ giáo dục. Đáng chú ý hơn là có một sự ngăn cách trong ý thức hệ: những người theo chủ nghĩa bảo thủ phát hiện ra tin giả tốt hơn khi nó xuất phát từ các nguồn tin tự do và ngược lại. Cả những người bảo thủ lẫn những người theo chủ nghĩa tự do đều kém trong việc nhận biết những tin giả liên quan đến đảng phái họ ủng hộ; trên thực tế, tỉ lệ nhận biết tin thật/giả của họ chỉ bằng 1/4 so với các công ty chuyên thẩm định thông tin.

Đáng chú ý là, khả năng nhận biết tin giả không hề cải thiện khi những người tham gia được khuyến khích thẩm định thông tin trên mạng. Thu thập thông tin thật từ cộng đồng cũng không giúp ích gì: khi được xếp vào những nhóm gồm 3 người trở lên, những người tham gia chỉ nhận biết tin giả tốt hơn một chút so với khi ở một mình. Tăng kích cỡ nhóm cũng không giúp cải thiện nhiều kết quả đạt được (dù nó giúp cải thiện khả năng nhận diện tin thật). Đâu phải lúc nào đông đúc cũng tốt?

Còn về chính trị thì sao? Như đã nói ở đầu bài, dù bạn có quan điểm chính trị như thế nào, bạn vẫn dễ bị đánh lừa bởi tin giả. Đó là điều đáng báo động, bởi hầu hết mọi người ở Mỹ đều nghĩ rằng hiện nay tin giả đang trở nên ngày một nhiều hơn. Một cuộc khảo sát do Pew tiến hành vào năm ngoái cho thấy hầu hết người Mỹ đã từng gặp tin giả một lần, 2/3 trong số đó cho biết những tin giả đó đã khiến họ suy giảm lòng tin vào chính quyền, và dù rằng họ nghĩ các nhà báo nên khắc phục vấn đề này, chỉ 10% người Mỹ kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện.

Nói có sách, mách có chứng. Một tổ chức tên NewsGuard, chuyên đánh giá về mức độ đáng tin cậy và tính xác thực của các website tin tức, cho biết khoảng 10% những câu chuyện trên mạng mà độc giả Mỹ theo dõi xuất phát từ các website tin giả - và con số này đã tăng đáng kể trong vài tháng trở lại đây. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 sắp tới nhiều khả năng là lý do của điều này.

fake

Có giải pháp nào không (ngoài việc thực hiện kiểm duyệt hay những giải pháp kiểm soát khó có thể triển khai được)? Một câu trả lời hiển nhiên là đầu tư thêm tiền bạc vào việc thẩm định. Các công ty công nghệ như Google và Facebook hiện đang tìm cách làm điều này bằng cách tăng cường sức mạnh cho những công cụ trí tuệ nhân tạo.

Những công cụ này sẽ hữu dụng trong một số trường hợp (ví dụ, phát hiện hoạt động của những con bot, hay phát hiện những đoạn video đã qua dàn dựng, chỉnh sửa), nhưng lại không thể thay thế các chuyên gia con người trong nhiều trường hợp khác. Chính vì vậy, chúng ta vẫn cần phải hỗ trợ nhiều hơn cho các website như NewsGuard hay Snopes – và cần có các chương trình khác có khả năng huấn luyện con người trong việc thẩm định và đánh giá tin tức chuyên nghiệp.

Bước quan trọng thứ hai là tiến hành nhiều nghiên cứu hơn nữa về phương thức tạo ra và chia sẻ tin giả, qua đó có thể giúp vô hiệu hóa chúng. Và cũng như trên, các công ty công nghệ đang tận dụng những công cụ tinh vi – thường là tăng cường sức mạnh cho AI - để thực hiện điều này. Ví dụ, Facebook sở hữu một lượng dữ liệu khổng lồ thu thập được từ nghiên cứu nội bộ của công ty xoay quanh phương thức các đường link tin tức được (hoặc không được) chia sẻ, và đang tìm cách đảm bảo những đường link xuất hiện trên newsfeed của người dùng có độ tin cậy cao nhất có thể.

Jigsaw, một bộ phận của Alphabet, đang thực hiện nghiên cứu tương tự, và đang tìm cách để triệt hạ những website cực đoan hoặc nguy hiểm trong kết quả tìm kiếm. Nhưng một vấn đề lớn ở đây là dữ liệu về phương thức thông tin được chia sẻ đã và đang được thu thập, kiểm soát, và phân tích hầu như hoàn toàn bởi bản thân các công ty công nghệ mà không hề có sự xem xét, giám sát nào từ bên ngoài.

Điều đó cần phải thay đổi. May mắn thay, những bước đi nhỏ để giải quyết vấn đề đang được thực hiện. Tuần trước, Facebook cuối cùng cũng đã đồng ý cho các viện độc lập truy xuất đến một phần của cơ sở dữ liệu về hoạt động người dùng mà công ty đang nắm giữ trong khoảng thời gian từ 2017-2019 – một phần trong một sáng kiến mang tên Social Science One.

Động thái này sẽ cho phép hàng chục nhà nghiên cứu trên toàn thế giới – bao gồm Tucker – có thể giám sát việc phát tán các thông tin sai lệch trên lĩnh vực chính trị (cùng nhiều lĩnh vực khác). Tuy nhiên, bộ dữ liệu của Facebook mà họ được phép truy xuất vẫn khá hạn chế (chủ yếu vì những quan ngại về quyền riêng tư), và cả Twitter lẫn Google đều chưa đồng ý tham gia.

Thứ ba, chúng ta cần tìm ra những cách để giải quyết tình trạng thổi phồng và định kiến xã hội lẫn chính trị.

Dù phần lớn giới truyền thông Washington và New York hoảng sợ trước những đợt tấn công của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào các cơ quan tư pháp, nhưng những người ủng hộ vị Tổng thống này lại nhìn nhận vấn đề theo một chiều hướng khá khác biết. "Tôi không tin nhà báo" – một người chủ shop ở Phoenix nói, đưa ra khẳng định rằng niềm tin và sự ủng hộ dành cho ông Trump của ông và bạn bè ông đang tăng lên, chứ không phải giảm xuống.

Đó chính là một ví dụ rõ ràng cho thấy nếu không vững vàng trong tư tưởng và quan điểm chính trị, chúng ta hoàn toàn có thể bị đánh lừa bởi những tin giả được tạo ra với mục đích gây hận thù và chia rẽ trong dân tộc.

Minh.T.T (theo Financial Times)

Chủ đề khác