VnReview
Hà Nội

Chuyên gia giải thích lý do nhiều bệnh nhân COVID-19 đã “phục hồi” lại bị “tái nhiễm”

Một số bệnh nhân từng nhiễm virus Corona chủng mới ở Trung Quốc đã bị dương tính trở lại, mặc dù các chuyên gia y tế cho biết virus Corona này không có khả năng tái nhiễm ở những người đã từng bị và đã hồi phục. Các chuyên gia cảnh báo không nên để bệnh nhận xuất viện sớm.

Các bác sỹ nói rằng một số bệnh nhân COVID-19 đã được xuất viện quá sớm

Tính đến nay, virus Corona đã lây nhiễm hơn 80.000 người ở Trung Quốc đại lục, trong đó hơn 47.000 người đã được xuất viện.

Các bệnh nhân được xuất viện sau khi có kết quả âm tính trong xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) – loại xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất khi xét nghiệm các bệnh lây nhiễm. Tuy nhiên, chỉ mấy ngày hoặc thậm chí mấy tuần sau, các bệnh nhân này lại có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với COVID-19.

Đầu tuần này, hai người ở thành phố cảng phía bắc Thiên Tân, nơi xác nhận có hơn 130 ca nhiễm virus Corona, đã phải nhập viện lại sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19. Trước đó khoảng một tuần, họ được cho là đã hồi phục. Một trường hợp tái nhiễm nữa xảy ra sau hai tuần bệnh nhân được các bác sỹ thông báo bình phục và cho về nhà.

Theo báo South China Morning Post, ở tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, có 14% bệnh nhân Corona được xuất viện nhưng sau đó phát hiện vẫn bị nhiễm bệnh, trung tâm kiểm soát dịch bệnh của tỉnh này cho biết vào tuần trước.

Các trường hợp tái nhiễm tương tự cũng được báo cáo xảy ra tại những khu vực khác ở Trung Quốc, bao gồm các tỉnh Giang Tô và Tứ Xuyên.

Tại sao lại có thể dương tính lần hai?

Giáo sư Jin Dong-yan, một nhà virus học của Khoa Y học Li Ka Shing thuộc Đại học Hồng Kông cho rằng không phải những người này bị nhiễm virus lần hai hay bị nhiễm virus dai dẳng.

"Đó là do các xét nghiệm không được thực hiện đúng cách ngay từ đầu, hoặc bệnh nhân bị nhiễm bệnh dài ngày", ông nói.

Có nhiều yếu tố khác nhau có thể khiến kết quả xét nghiệm không chính xác, bao gồm chất lượng của bộ thử nghiệm và cách thu thập, lưu trữ mẫu.

Theo tiêu chí thử nghiệm của Trung Quốc, bệnh nhân có thể được xuất viện nếu nhiệt độ cơ thể bình thường trong ba ngày, không gặp các vấn đề về hô hấp và các tổn thương ở ngực trên chụp cắt lớp cho thấy đã được cải thiện đáng kể. Họ cũng phải có kết quả âm tính trong hai xét nghiệm PCR liên tiếp cách nhau ít nhất một ngày.

Wang Chen, người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc, cho biết hồi tháng trước rằng chỉ có 30 đến 50% các trường hợp được xác nhận có kết quả dương tính trong các xét nghiệm PCR, và gạc họng có thể tạo ra kết quả âm tính giả.

Do đó, các cơ quan y tế Trung Quốc đã đề nghị kết hợp lịch sử dịch tễ, các biểu hiện lâm sàng và hình ảnh với xét nghiệm PCR trong chẩn đoán Covid-19.

Giáo sư Greg Gray của bộ phận bệnh truyền nhiễm tại Đại học Duke ở Mỹ và Singapore cho biết, rất có thể các xét nghiệm lỗi đã mang lại kết quả âm tính giả.

Kết quả xét nghiệm âm tính giả có thể do mẫu chất lượng kém hoặc số lượng virus ở mức rất thấp khi thu thập gạc.

Cần tiến hành ít nhất 3 xét nghiệm PCR trước khi cho bệnh nhân ra viện

Liệu những người đã ra viện có thể lây nhiễm bệnh cho người khác nữa không?

Mặc dù Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết họ chưa phát hiện ra các trường hợp lây nhiễm mới liên quan đến những bệnh nhân như vậy, các quan chức và bác sĩ địa phương vẫn cần thận trọng hơn.

Song Tie, phó giám đốc trung tâm kiểm soát dịch bệnh tỉnh Quảng Đông, đồng ý rằng những bệnh nhân như vậy không phải là nguồn gốc của những ca nhiễm bệnh mới, nhưng họ vẫn có thể lây nhiễm. Bởi vì nếu một người có kết quả dương tính, về mặt kiểm soát dịch bệnh, anh ta chắc chắn vẫn được coi là nguồn lây nhiễm.

"Từ các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, chúng tôi thấy rằng những bệnh nhân trẻ tuổi sẽ tạo ra kháng thể trong vòng hai tuần. Vì vậy, ngay cả khi họ có kết quả dương tính trong xét nghiệm PCR một lần nữa, nguy cơ lây nhiễm vẫn rất thấp", ông nói.

"Chúng tôi cũng thấy rằng một số bệnh nhân cao tuổi có thể cần nhiều thời gian hơn cơ thể mới tạo ra các kháng thể. Vì vậy, họ có thể tiếp tục phát tán virus và trở thành nguồn lây nhiễm".

Zhang Zhan, một chuyên gia về hô hấp tại Bệnh viện Renmin thuộc Đại học Vũ Hán cũng cảnh báo về khả năng lây nhiễm của những người từng được cho là đã khỏi bệnh.

Trong một bài viết được công bố vào ngày 31/1, bà nói rằng 8 ngày sau khi một trong những bệnh nhân của bà được coi là đã khỏi bệnh và về nhà, thì một thành viên khác trong gia đình anh ta đã mắc bệnh. Trong khi, thành viên mới mắc bệnh này không hề liên lạc với bất kỳ ai khác kể từ khi bệnh nhân trở về nhà.

Gray cho biết: "Chúng ta vẫn có thể truy tìm dấu vết mầm bệnh một thời gian sau khi bệnh nhân đã hồi phục".

"Để điều tra, người ta sẽ phải cố gắng nuôi cấy virus từ các mẫu bệnh phẩm ban đầu. Nếu virus phát triển, nghĩa là virus vẫn còn sống".

Vậy làm thế nào ngăn chặn điều đó?

Trong một bài báo được công bố vào tuần trước, Zhang nói rằng các bệnh nhân phải trải qua 3 lần xét nghiệm PCR và phải có kết quả xét nghiệm âm tính cả ba lần, chứ không phải chỉ xét nghiệm có 2 lần trước khi rời khỏi bệnh viện.

Trong số 44 xét nghiệm 3 lần PCR, thì có đến 26 người có kết quả dương tính trong lần thử nghiệm thứ ba, Zhang nói.

"Nhưng tỷ lệ kết quả dương tính trong lần kiểm tra thứ tư đối với những người đã thử nghiệm âm tính ba lần là rất thấp", bà nói.

Tại Thượng Hải, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu xét nghiệm do NHC đặt ra, các bác sĩ cũng yêu cầu bệnh nhân phải có kết quả xét nghiệm âm tính từ tăm bông hậu môn, để cho thấy virus không có trong phân của họ.

Zhang Wenhong, người đứng đầu một nhóm các chuyên gia xử lý ổ dịch coronavirus trong thành phố, cho biết cho đến nay không có bệnh nhân nào được xuất viện mà có thử nghiệm dương tính với virus sau đó.

Các phương pháp xét nghiệm mới sẽ giúp ngăn chặn những trường hợp "tái nhiễm", bao gồm cả xét nghiệm kháng thể. Tuy nhiên, loại xét nghiệm này đang được phát triển và chưa sẵn sàng để sản xuất hàng loạt.

"Đây là xét nghiệm dễ dàng tiến hành hơn và ít đòi hỏi về mặt kỹ thuật, vì vậy khi nó sẵn sàng, nó sẽ là một biện pháp bổ sung tốt cho xét nghiệm PCR", Zhang Wenhong nói.

Hoàng Lan

Chủ đề khác