VnReview
Hà Nội

Để phòng tránh Covid-19, các quốc gia chuyển từ bắt tay sang... "bắt chân"

Mới đây, các nước đã khuyến cáo người dân không nên bắt tay hoặc ôm nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Ý đã tiên phong trong việc đưa ra chính sách mới, kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh. Cụ thể, chính phủ nước này đang lên kế hoạch đóng cửa toàn bộ rạp chiếu phim và cấm tổ chức các sự kiện công cộng trên toàn quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Được biết, đây là một trong những quốc gia ngoài Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề do virus corona mới gây ra, với tổng số người chết lên đến hơn 100 người.

Các quốc gia có kiểu chào truyền thống khá đặc biệt mà đòi hỏi phải tiếp xúc cơ thể cũng phải hủy bỏ vì lo ngại vấn đề truyềng nhiễm. Điển hình như bộ lạc người Maori ở thủ đô Wellington, New Zealand đã hạn chế cách chào "hongi" ấn mũi và chạm trán nhau.

Bộ Y tế và Phòng ngừa Dịch bệnh của các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng khuyên các công dân tránh việc chạm mũi theo kiểu chào truyền thống thông qua một bài đăng trên Instagram. Hay Bộ trưởng Nội vụ Đức, ông Horst Seehofer đã từ chối bắt tay với Thủ tướng Angela Merkel trong một cuộc họp trước bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Tuy nhiên giờ đây, thay vì bắt tay, các nhà lãnh đạo thế giới đã tìm ra cách chào xã giao mới – "bắt chân". Đoạn video ghi lại cảnh Mohammed Barkindo, tổng thư ký tập đoàn sản xuất dầu OPEC "bắt chân" với Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak.

Ở Trung Quốc, cách chào mới đã được đặt tên là "Vũ Hán Shake", nhằm cổ động cho thành phố nơi tâm chấn dịch bùng phát. Hay Sylvie Briand, giám đốc Bộ phận kiểm soát dịch bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới WHO ủng hộ những phương thức chào sáng tạo, thay thế cho cách bắt tay truyền thống. Trong đó có thể kể đến như vẫy tay, cụng khuỷu tay, "bắt chân" hay chắp tay của người Thái.

Thống đốc bang Nebraska, Pete Ricketts đã lựa chọn cách cụng khuỷu tay, khuyến khích người dân ở tiểu bang Hoa Kỳ thực hiện vệ sinh cá nhân kỹ lưỡng. Bao gồm;"rửa tay thường xuyên và các biện pháp phòng ngừa đơn giản, từ đó có thể tạo nên sự khác biệt lớn".

Theo số liệu thống kê từ WHO, thế giới đã ghi nhận có hơn 95.000 ca nhiễm virus và hơn 3.200 trường hợp tử vong ở 70 quốc gia trên toàn cầu. Ngoài việc đưa ra lời khuyên về vấn đề vệ sinh, nhiều quốc gia đã áp đặt chính sách hạn chế đi lại đến các nước bị ảnh hưởng bởi dịch, trong đó đặc biệt cách ly những người có tiền sử đi qua vùng dịch.

Thái Âu

Chủ đề khác