VnReview
Hà Nội

Khai báo y tế toàn dân từ 10/3 được thực hiện ở đâu, như thế nào?

Dự kiến từ sáng 10/3, tất cả người dân Việt Nam sẽ bắt buộc phải khai báo y tế để chống lại sự lan rộng của dịch bệnh Covid-19.

Người dân có thể thực hiện khai báo y tế trên các kênh dưới đây:

- Cổng khai báo điện tử;https://suckhoetoandan.vn/ hoặc khaibaoyte.vn để điền thông tin.

- App NCOVI sẽ được ra mắt trong chiều 9/3.

- Người nhập cảnh vào Việt Nam có thể quét mã QR trên điện thoại thông minh tại các sân bay để nhận đầy đủ thông tin cần khai báo.

Sau khi điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu, người dân cần nhập mã bảo mật rồi nhấn gửi tờ khai.

Một phần của tờ khai y tế với người dân Việt Nam

Tại giao diện của hệ thống quản lý tờ khai y tế có các ngôn ngữ gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ý, tiếng Campuchia, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp và tiếng Lào. Các ngôn ngữ khác hiện đang được bổ sung. Ngay đoạn đầu tiên của tờ khai y tế, Bộ y tế đã đưa ra dòng khuyến cáo với nội dung: 'Khuyến cáo: Khai báo thông tin sai là vi phạm pháp luật Việt Nam và có thể xử lý hình sự'.

Tờ khai báo y tế gồm các thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm y tế, tình trạng sức khỏe (bệnh mãn tính/có hay không biểu hiện ho, sốt, khó thở…), tình trạng tiếp xúc với người có nghi mắc/mắc Covid-19; việc đi/về nhập cảnh từ vùng có dịch... Việc khai báo y tế này là bắt buộc với tất cả người dân Việt Nam, tương tự như áp dụng tờ khai y tế điện tử với tất cả khách nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật, người khai báo y tế không trung thực khiến lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy mức độ nghiêm trọng của sự việc. Trong trường hợp làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên thì bị phạt từ 10 - 12 năm tù.

Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết việc thực hiện khai báo y tế với mọi người Việt Nam không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định pháp luật mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác.

Hiện tại, Việt Nam đã có 30 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó có 16 ca bệnh trước ngày 14/2 đã được chữa khỏi hoàn toàn. 14 ca bệnh mới có 1 người từ Hàn Quốc trở về và từng ở trong khu cách ly tại Ninh Bình. 13 người còn lại đều liên quan đến bệnh nhân số 17 tên Nguyễn Hồng Nhung. Cô gái này từng sang châu Âu gần đây, về Việt Nam trên chuyến bay VN0054 của Việt Nam Airlines. Hiện tại tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, các ca nghi nhiễm đều đã sớm được cách ly, giám sát sức khỏe chặt chẽ.

T.T

Chủ đề khác