VnReview
Hà Nội

Khác biệt trong biện pháp, Hàn Quốc có kiểm soát dịch tốt hơn Ý và Trung Quốc?

Trong nhiều tuần, biểu đồ các ca nhiễm mới của Hàn Quốc biểu thị một đường thẳng dốc, tương đương với con số tăng chóng mặt và khiến chúng ta nghĩ dịch bệnh tại Hàn Quốc dường như không thể khống chế được nữa. Tuy nhiên, gần đây, biểu đồ đã bắt đầu cong dần.

Sau thông báo 300 ca nhiễm mới hồi ngày 3/3, chính quyền Hàn Quốc thông báo chỉ có 131 ca nhiễm mới sau một tuần. Ngày 13/3, Hàn Quốc công bố chỉ có 110 cá nhiễm mới, con số thấp nhất từ ngày 21/2 cho đến nay. Trong cùng ngày, số bệnh nhân hồi phục cũng đạt con số 177 đã đánh dấu cột mốc mới.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in một mặt vẫn cảnh giác trước những tín hiệu lạc quan, mặt khác ông cho biết Hàn Quốc sẽ sớm bước vào "giai đoạn ổn định" nếu sự lây lan tiếp tục giảm.

Với khoảng 8.000 ca nhiễm và hơn 65 người chết, Hàn Quốc từng là quốc gia có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia này đã trở thành một nguồn động lực và nguồn hy vọng cho chính quyền các nước trên toàn cầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19.

Trong khi các nước khác như Mỹ, Ý, Iran đang chật vật khống chế sự lây lan của virus, Hàn Quốc đã có thể khống chế sự lây lan của dịch bệnh nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng, trong đó chú trọng vào sự minh bạch thông tin, thay vì sử dụng các biện pháp cứng rắn như phong tỏa đất nước. Nhờ đó, Hàn Quốc ngày càng được các chuyên gia y tế cộng đồng ghi nhận là một hình mẫu cho chính quyền các nước khác học tập trong công tác khống chế dịch bệnh.

Trung Quốc và Ý đều đã phong tỏa hàng triệu dân của mình, trong khi đó, Hàn Quốc lại không hề thực hiện biện pháp này, ngay cả tại Daegu, ổ dịch lớn nhất Hàn Quốc.

Thay vào đó, chính quyền nước này tập trung vào việc kiểm dịch bắt buộc với người nhiễm bệnh và những ai có tiếp xúc gần với ca nhiễm. Đồng thời, chính phủ cũng khuyến cáo người dân ở trong nhà, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang và thường xuyên vệ sinh cá nhân.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch vào ngày 11/3 (Ảnh: EPA)

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thăm Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch vào ngày 11/3 (Ảnh: EPA)

Và trong khi nhiều quốc gia ban bố lệnh cấm khách du lịch, mà gần đây nhất là Mỹ đã cấm toàn bộ khách du lịch từ châu Âu, Hàn Quốc lại sử dụng "chính sách nhập cảnh đặc biệt" cho các nước là vùng dịch như Trung Quốc. Theo đó, chính sách này yêu cầu khách du lịch phải được kiểm tra thân nhiệt, cung cấp thông tin liên lạc và điền tờ khai y tế.

"Trong hơn một tuần, số ca nhiễm liên tục giảm, điều này cho thấy cách xử lý của Hàn Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh",;nhà virus học tại ĐH Queenland (Úc) Ian Mackay cho biết. "So với cách mà Trung Quốc đã làm, cách xử lý này dường như ít nặng nề hơn và có thể áp dụng với nhiều nước khác. Nếu xu hướng giảm tiếp tục duy trì, họ sẽ có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh."

"Cách xử lý tuyệt vời"

Điểm mấu chốt trong cách xử lý của Hàn Quốc là họ đã xét nghiệm cho nhiều người hơn so với các nước khác. Với khả năng xét nghiệm lên đến 15.000 ca mỗi ngày, các cơ sở y tế tại Hàn Quốc có thể đã xét nghiệm cho hơn 250.000 người kể từ tháng 1.

Để khuyến khích sự tham gia của người dân, xét nhiệm Covid-19 là hoàn toàn miễn phí cho những bệnh nhân có sự chỉ định của bác sĩ hay có các triệu chứng bệnh sau khi tiếp xúc gần với ca nhiễm khác hoặc vừa trở về từ Trung Quốc. Với những ai xét nghiệm theo nhu cầu cá nhân, chi phí mỗi ca là khoảng 3 triệu đồng (160.000 won). Bộ xét nghiệm được cung cấp cho hàng trăm phòng khám, cũng như hơn 50 trạm xét nghiệm di động để có thể sàng lọc các ca nghi nghiễm chỉ trong vài phút.

"Đất nước này có hệ thống bảo hiểm y tế toàn cầu cho toàn bộ người dân và gánh nặng kinh tế của việc xét nghiệm là rất thấp. Nếu người dân có triệu chứng bệnh phù hợp, xét nghiệm sẽ được thực hiện hoàn toàn miễn phí", chủ tịch Hiệp hội Dịch tễ học Hàn Quốc, ông Kim Dong-hyun cho biết.

Ảnh: Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Hàn Quốc

Ảnh: Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Hàn Quốc

Việc thu thập lượng dữ liệu dịch tễ học khổng lồ giúp chính quyền Hàn Quốc có thể chỉ ra chính xác các ổ dịch và thực hiện các biện pháp phong tỏa cũng như khử trùng tốt hơn. Đồng thời, Hàn Quốc còn gửi cảnh báo đến người dân qua tin nhắn về thông tin các khu vực mà người nhiễm đã đi qua, thậm chí là tên cửa hàng, tên nhà hàng người bệnh đã ghé qua cũng sẽ được nêu rõ.

"Khả năng chẩn đoán sớm của Hàn Quốc đã phát triển rất nhiều kể từ khi nước này trải qua dịch cúm năm 2009 và dịch MERS vào năm 2015. Hàn Quốc là quốc gia trong nhóm dẫn đầu thế giới trên lĩnh vực này", giáo sư ĐH Y Hàn Quốc Kim Woo-joo cho biết.

Việc thu thập dữ liệu cũng cho phép Hàn Quốc có thể thu thập thông tin rõ ràng hơn về khả năng gây tử vong của loại virus này, tỷ lệ tử vong của nó đạt mức 5% tại Ý, nhưng ở Hàn Quốc chỉ khoảng 0,8%. Dù những yếu tố như chất lượng cơ sở y tế, tuổi tác bệnh nhân và nhận thức cộng đồng có thể tác động đến tỷ lệ tử vong của virus, nhưng quy mô xét nghiệm vẫn là một yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất.

Hãy so sánh với hàng xóm của Hàn Quốc là Nhật Bản, nước này đã ghi nhận hơn 600 ca nhiễm, không tính tàu du lịch Diamond Princess, chính quyền nước này đã xét nghiệm cho hơn 10 nghìn người cho đến thứ 6 vừa qua.

Tại Mỹ, chính quyền nước này không thể thống kê con số xét nghiệm đã tiến hành do có quá nhiều phòng xét nghiệm của cả liên bang, bang và tư nhân. Trong một cuộc khảo sát của tờ The Atlantic, con số ước tính chỉ khoảng 5.000 trường hợp đã được xét nghiệm.

William Schaffner, giáo sư y tế dự phòng và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Vanderbilt (Mỹ), cho biết Hàn Quốc đã đưa ra giải pháp "tuyệt vời" cho phép các chuyên gia y tế có thể theo dõi virus và đánh giá mức độ lây lan của nó.

"Chúng tôi không chắc ổ dịch nằm ở đâu cũng như mức độ lây nhiễm của virus này ra sao và chúng tôi chỉ mới bắt đầu tiến hành xét nghiệm", ông nói.

Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất thành công trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Singapore, Đài Loan, Hong Kong cũng đã có thể giữ số ca dương tính ở mức thấp mà vẫn không cần dùng đến các biện pháp mạnh như Trung Quốc.

Trước đó, Hong Kong đã thực hiện một vài biện pháp toàn diện để thực hiện "cách ly xã hội", trong đó bao gồm việc hủy bỏ các sự kiện, đóng cửa một số địa điểm để giảm thiểu tiếp xúc giữa người với người. Ngoài ra, Hong Kong cũng đã đóng cửa trường học từ cuối tháng 1, tạo bản đồ số vị trí các ca nhiễm bệnh để người dân tránh đi vào những khu vực này.

Tại Đài Loan, chính quyền đã tổng hợp thông tin từ cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế và xuất nhập cảnh để theo dõi lịch sử di chuyển người dân cũng như các triệu chứng bệnh. Đồng thời, Đài Loan còn sử dụng định vị trên điện thoại để theo dõi những ca dương tính và phát hiện các trường hợp tiếp xúc. Đài Loan cũng sẽ có các hình phạt nghiêm khắc cho những ai không tuân thủ lệnh cách ly cũng như gian dối trong việc cung cấp thông tin lịch sử di chuyển.

Một nhân viên đang khử trùng ga tàu điện ngầm tại Seoul (Ảnh: AP)

Một nhân viên đang khử trùng ga tàu điện ngầm tại Seoul (Ảnh: AP)

Công khai và minh bạch

Hàn Quốc hiện đang tích cực chống dịch nhưng vẫn duy trì thông tin công khai và minh bạch. Các trường hợp siêu lây nhiễm được phát hiện đều có liên quan đến một giáo phái bí mật có tên là Tân Thiên Địa. Các thành viên của giáo phái này bị cáo buộc đã sơ suất gây phát tán virus cũng như trốn tránh xét nghiệm và các biện pháp quản lý y tế.

"Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy một quốc gia vẫn có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh chỉ trong thời gian ngắn mà không cần đến các biện pháp cứng rắn, mang tính ‘bằng mọi giá' khác", chuyên viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại, Yanzhong Huang nhận xét.

"Với những nước như Mỹ, kinh nghiệm của Hàn Quốc có thể học tập được và khả thi trong việc xác định các ổ dịch. Trong giải quyết dịch Covid-19, các quyết định hợp lý là quyết định không gồm việc phải lựa chọn giữa bảo vệ tối đa và hạn chế tối thiểu".

Trung Quốc đã phong tỏa hoàn toàn 60 triệu dân, bao gồm người dân tại thành phố Vũ Hán, nơi bắt nguồn của dịch bệnh, cũng như người dân ở các nơi khác trong tỉnh Hồ Bắc cũng không được rời khỏi nhà. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã phong tỏa hoạt động đi lại của hàng trăm triệu người trên khắp đất nước bằng các biện pháp đóng cửa giao thông công cộng, cấm xe cá nhân và cấm đường.

Trung Quốc đã tuyên bố khống chế được dịch bệnh sau khi ghi nhận hơn 80 nghìn ca nhiễm và hơn 3 nghìn người chết. Con số thống kê gần đây cho thấy số ca nhiễm mới đã giảm từ hàng nghìn người mỗi ngày xuống chỉ còn vài chục người. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn sự nghi ngờ trong việc minh bạch thông tin của Trung Quốc. Một phần lý do là chính quyền địa phương tỉnh Hồ Bắc đã tìm cách che giấu mức độ bùng phát dịch bệnh trong thời gian đầu.

Thứ ba tuần tước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm đầu tiên đến Vũ Hán để kêu gọi các doanh nghiệp và nhà máy trở lại hoạt động để phát triển kinh tế đất nước. Đây được coi là động thái nhằm thể hiện sự thành công trong cuộc chiến chống dịch quyết liệt của nước này.

"Dù Trung Quốc đã có thể khống chế được Covid-19, tôi không nghĩ các biện pháp của nước này có thể áp dụng tại các nước tự do dân chủ", Lawrence Gostin, giám đốc Viện nghiên cứu Luật Sức khỏe quốc gia và toàn cầu O' Neill tại trung tâm luật của ĐH Georgetown (Mỹ), cho biết. "Hầu hết các giá trị dân chủ đều tôn trọng quyền tự do con người không phù hợp với biện pháp quản lý xã hội mà chúng ta thấy tại Trung Quốc. Hàn Quốc là một mô hình tốt hơn".

Hình ảnh một phòng làm việc vắng vẻ tại Hàn Quốc khi nhân viên được cách ly hoặc làm việc tại nhà (Ảnh: EPA)

Hình ảnh một phòng làm việc vắng vẻ tại Hàn Quốc khi nhân viên được cách ly hoặc làm việc tại nhà (Ảnh: EPA)

Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp cứng rắn của Trung Quốc cũng có thể áp dụng cho các nước phương Tây. Hôm thứ hai vừa qua, Ý chính thức thông báo phong tỏa toàn quốc sau khi số ca nhiễm virus tăng đột biến. Cửa hàng, nhà hàng và quán bar đều đóng cửa, các hoạt động tập trung đông người và các điểm du lịch cũng ngừng hoạt động. Đến thứ sáu, Ý đã ghi nhận 15 nghìn ca nhiễm bệnh và 1.000 người chết, Ý đã trở thành ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Tại Philippones, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thông báo đóng cửa toàn bộ vùng Manila và phong tỏa 12.8 triệu người ở đây.

David Hui Shu-cheong, một chuyên gia đường hô hấp tại ĐH Hong Kong Trung Hoa cho biết so với Hàn Quốc, Ý đã phản ứng "quá chậm" trước dịch bệnh.

Thậm chí khi Trung Quốc đã thành công trong việc chống lại sự lây lan của dịch bệnh, truyền thông nhà nước nước này đã rêu rao rằng "thế giới nợ Trung Quốc một lời cảm ơn". Trong khi Hàn Quốc cho rằng các biện pháp cứng rắn của Trung Quốc như phong tỏa khu vực nhiễm bệnh "không mấy hiệu quả", người dân sẽ có cảm giác "bị cưỡng bức và không thoải mái", Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip trả lời trước báo chí.

"Hàn Quốc là một nước dân chủ, mang giá trị toàn cầu và là một xã hội đa nguyên", ông nói. "Vì vậy, chúng tôi tin rằng chúng tôi phải vượt qua những hạn chế của các biện pháp thông thường để có thể chiến thắng dịch bệnh".

Ông Kim nhấn mạnh rằng sự tin tưởng của cộng đồng rất quan trọng đối với chiến lược của chính quyền. "Thông tin được cung cấp càng nhanh, càng minh bạch thì người dân sẽ càng tin tưởng vào chính quyền", ông cho biết. "Họ sẽ có những hành động vì lợi ích chung của cộng đồng".

Các Bộ trưởng Hàn Quốc trong cuộc họp với Thủ tướng Chung Sye-kyun nhằm thảo luận biện pháp đối phó dịch bệnh (Ảnh: EPA)

Các Bộ trưởng Hàn Quốc trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Chung Sye-kyun nhằm thảo luận biện pháp đối phó dịch bệnh (Ảnh: EPA)

Các yếu tố chưa xác định

Dù chính quyền chỉ đóng cửa trường học trên cả nước, phần lớn người Hàn Quốc vẫn tự cách ly xã hội. Theo Bộ Lao động Hàn Quốc, trong hai tuần qua, hơn 12 nghìn doanh nghiệp đã nộp đơn xin trợ cấp để trả lương cho nhân viên trong thời gian đóng cửa tránh dịch. Nhiều cửa hàng tại Daegu, nơi có đến ba phần tư số ca bệnh trên cả nước, đã đóng cửa, các trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim trên cả nước cũng trở nên vắng vẻ. Các nhà thờ Công giáo và đền, chùa trên cả nước cũng ngừng các hoạt động cầu nguyện, thờ cúng.

"Với người ngoài, Hàn Quốc đã xử lý dịch bệnh rất tốt và dường như đã có thể ngăn chặn sự lây lan thông qua cách ly xã hội thụ động", Howard P. Forman, giáo sư chính sách y tế cộng đồng tại ĐH Yale, cho biết.

Nhiều chuyên gia cho biết có lẽ nguyên tắc xã hội của Hàn Quốc đề cao tính kỷ luật và mang tính cộng đồng, nhờ đó đã tạo điều kiện cho chính quyền không phải dùng đến các biện pháp cứng rắn.

"Biện pháp của Hàn Quốc có vẻ rất thành công, tuy nhiên nó phụ thuộc vào phản ứng của người dân địa phương", Jeremy Rossman, một giảng viên virus học tại ĐH Kent, cho biết. "Chúng ta chưa rõ hiệu quả của chúng nếu áp dụng cho các nền văn hóa khác và để thành công nó yêu cầu phải có kênh giao tiếp hiệu quả giữa chính quyền và người dân".

Tuy nhiên, cách làm của Hàn Quốc cũng không hẳn là không bị chỉ trích.

Vào giữa tháng 2, trước khi virus Covid-19 lây lan nhanh chóng trong giáo phái Tân Thiên Địa, Tổng thống Moon đã đưa ra một dự đoán bất cẩn rằng dịch bệnh sẽ "biến mất trong một quãng thời gian dài".

Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, đây là hiệp hội bác sĩ lớn nhất nước này, cùng với các kênh phương tiện truyền thông bảo thủ đã chỉ trích ông Moon đã không cấm khách du lịch từ Trung Quốc.

Gần 1,5 triệu người Hàn Quốc đã ký vào đơn điện tử yêu cầu ông Moon phải bị luận tội vì không hành động để kiểm soát dịch. Sau đó, tỉ lệ tín nhiệm của Tổng thống Moon đã giảm xuống dưới 45%. Mặc dù vậy, một cuộc thăm dò ý kiến hồm thứ sáu vừa qua cho thấy phản ứng của người dân trước các quyết định của ông Moon gần đây đang chuyển theo hướng tích cực.

Các nhân viên y tế đang đưa một người phụ nữ cảm thấy không khỏe đến Bệnh viện ĐH Keimyung tại Daegu (Ảnh: AFP)

Các nhân viên y tế đang đưa một người phụ nữ cảm thấy không khỏe đến Bệnh viện ĐH Keimyung tại Daegu (Ảnh: AFP)

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng vẫn còn quá sớm để kết luận Hàn Quốc đã thật sự khống chế được dịch bệnh. Việc phát hiện một ổ dịch mới với hơn 100 ca nhiễm tại một trung tâm cuộc gọi ngay tại khu vực đông đúc của Seoul đã đẩy số ca nhiễm mới tăng đột biến từ hôm thứ tư. Điều này dấy lên lo ngại rằng sắp tới Hàn Quốc có thể phải đối mặt với sự lây lan không thể kiểm soát trên toàn quốc.

"Hiện vẫn còn sớm để có thể nói những biện pháp chống dịch có hiệu quả hay không", ông Kim, chủ tịch Hiệp hội Dịch tễ học Hàn Quốc, cho biết. "Có sự không rõ ràng trong các số liệu. Số ca nhiễm mới mỗi ngày đang giảm do việc rà soát giáo phái Tân Thiên Địa đang dần hoàn tất, nhưng cần chú ý rằng một ổ dịch mới vừa được phát hiện ở Seoul và cả ở những khu vực khác nữa. Chúng ta không được mất cảnh giác."

Giống như những nước khác, Hàn Quốc đang phải đối mặt với những yếu tố bất định như một đợt không khí nóng vào tuần tới hay sự xuất hiện của khách du lịch đến từ vùng dịch ở nước ngoài. "Chúng tôi thấy rằng dịch bệnh ở Hàn Quốc đang dần chậm lại", Mackay từ trường ĐH Queenland nhận xét. "Liệu họ có thể chống lại dịch bệnh thành công?"

Dường như Hàn Quốc đang quyết tâm giữ vững chiến lược của mình. Trong chuyến thăm Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch hôm thứ tư, ông Moon cho biết biện pháp của Hàn Quốc đã được quốc tế công nhận, nhờ đó tránh bị ảnh hưởng từ lệnh cấm khách du lịch của các nước.

Cuối tuần qua, WHO đã chính thức tuyên bố Covid-19 là dịch bệnh toàn cầu. Phản ứng trước quyết định này, ông Moon kêu gọi người Hàn Quốc tiếp tục giữ hy vọng để chiến thắng dịch bệnh. "Có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn chúng ta nghĩ. Xin mọi người đừng bỏ cuộc", ông Moon nói.

Minh Bảo theo SCMP

Chủ đề khác