VnReview
Hà Nội

Hai bệnh nhân Covid-19 điều trị ở ICU - nơi giành giật giữa sự sống và cái chết

Các từ khóa ICU, hồi sức tích cực được nhắc đến nhiều trong những ngày này khi các nước trên thế giới, kể cả Anh, Ý, Mỹ đều thiếu phòng hồi sức tích cực. Tại Việt Nam, hai bệnh nhân Covid-19 đều trên 60 tuổi, một người nước ngoài và một người Việt Nam, đang phải điều trị hồi sức tích cực.

Vậy hồi sức tích cực hay ICU là gì? Và vì sao nó lại quan trọng đến vậy trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19?

Phòng hồi sức tích cực là gì?

Phòng hồi sức tích cực (Intensive care units hay ICU) là một nơi trong bệnh viện thường được dành để chữa trị cho các bệnh nhân bị bệnh nặng hoặc những người cần được chăm sóc đặc biệt. Đội ngũ y tế ở đây gồm bác sĩ, y tá, bác sĩ trị liệu hô hấp, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng, dược sĩ...

Theo website chính thức của cơ quan y tế Tây Úc, trừ trường hợp nhập viện khẩn cấp thì bệnh nhân sẽ chỉ vào ICU khi được bác sĩ chỉ định. Bệnh nhân ở phòng hồi sức tích cực có thể vào đây theo kế hoạch sau phẫu thuật, nhập viện bất ngờ sau tai nạn nghiêm trọng hoặc tình trạng sức khỏe giảm sút đột ngột và rất nghiêm trọng.

Tại bất kỳ một bệnh viện nào, ICU cũng được coi là một nơi rất quan trọng. Các phòng hồi sức tích cực có sự xuất hiện của các thiết bị chuyên môn và dành để theo dõi, chăm sóc cho bệnh nhân nguy kịch. Các loại máy móc thường xuất hiện ở đây gồm máy theo dõi nhịp tim, huyết áp, máy thở nhân tạo, máy tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO)...

Phòng hồi sức tích cực thường là nơi xuất hiện những tiếng tít tít của máy móc cùng bước chân vội vã của y bác sĩ bởi họ phải tranh thủ từng phút để dành giật sự sống cho bệnh nhân.

Tại một phòng hồi sức tích cực, các công việc của đội ngũ y tế phải cực kỳ khoa học, có sự phối hợp của các chuyên gia. Nơi đây có thể tập hợp nhiều bác sĩ của các chuyên khoa khác nhau và họ đều đóng góp một vai trò thiết yếu trong việc duy trì tình trạng thể chất, sự sống cho bệnh nhân.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, GS. Nguyễn Gia Bình - Nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai cho biết phòng hồi sức tích cực là 'chiến tuyến căng thẳng nhất của bác sĩ'. Bác sĩ chọn hồi sức tích cực ở bất cứ chuyên khoa nào, bệnh viện nào cũng vất vả, trách nhiệm nặng nề.

GS. Nguyễn Gia Bình cho biết thêm: 'Áp lực của bác sĩ tại phòng hồi sức tích cực gần như từ sáng tới tối không có giờ nghỉ, với nhiệm vụ là cứu sống những người bệnh nặng, nhiều rủi ro tai nạn nghề nghiệp, thu nhập thấp nên rất ít bác sĩ có thể chịu được áp lực công việc tại khoa có lẽ vì thế mà các bác sĩ rất e dè khi về các khoa hồi sức cấp cứu'. Cũng theo ông, bác sĩ tại khoa hồi sức tích cực luôn trong tình trạng cứu bệnh nhân thập tử nhất sinh. Tuy nhiên, mỗi ca bệnh nặng được cứu chữa khỏi các bác sĩ đều cảm thấy hạnh phúc vô cùng.

Một bệnh nhân bệnh nặng được đưa vào ICU sẽ phải trả mức chi phí rất lớn. Theo GS Nguyễn Gia Bình thì một bệnh nhân nặng phải tiến hành rất nhiều kỹ thuật nhằm duy trì sự sống như: thở máy, phải lọc máu... mỗi ngày đêm lên đến vài chục triệu đồng. Bác sĩ cũng phải xem xét đối chiếu với bảo hiểm y tế nhằm giải thích với người nhà bệnh nhân để họ không hiểu lầm bác sĩ làm khó.

Theo ước tính, chi phí trung bình vào năm 2010 cho mỗi ngày nằm tại phòng hồi sức tích cực ở Mỹ là 4.300 USD. Số tiền này đã tăng 61% so với năm 2000 (2.669 USD). Theo ước tính của Hiệp hội hồi sức tích cực châu Âu (Esicm), mỗi năm có khoảng 5 triệu người trên toàn thế giới được điều trị trong các phòng hồi sức tích cực. Nhờ vào sự trợ giúp của các chuyên gia y tế và thiết bị máy móc hiện đại mà đa phần trong số 5 triệu người này được cứu sống. Thời gian nằm tại ICU của bệnh nhân tùy thuộc vào tình trạng của chính người đó, có thể là vài giờ đến vài tuần, đôi khi là vài tháng.

Các loại bệnh thường phải hồi sức tích cực

Bệnh nhân cần theo dõi sức khỏe chặt chẽ

Tại bệnh viện, sẽ có một số bệnh nhân cần theo dõi sức khỏe một cách chặt chẽ như người vừa được phẫu thuật hay người gặp phải tai nạn, người gặp chấn thương vùng đầu... Việc vào ICU sẽ giúp những bệnh nhân này được tối ưu hóa quá trình trao đổi chất, dinh dưỡng, nhiệt độ... để giúp cơ thể có cơ hội sinh tồn cao hơn.

Bệnh nhân gặp vấn đề về phổi

Bệnh nhân bị viêm phổi do chấn thương hoặc nhiễm trùng thường rất khó khăn trong việc tự thở. Điều này khiến họ có thể được vào phòng hồi sức tích cực để có sự hỗ trợ tốt hơn của máy thở, giúp họ thở được bình thường. Khi vào ICU, bệnh nhân sẽ được hỗ trợ hô hấp song song với điều trị vấn đề về phổi.

Bệnh nhân có vấn đề về tim mạch

Những người có huyết áp rất thấp hoặc rất cao, những người vừa bị đau tim hoặc nhịp tim không ổn định thường sẽ phải được theo dõi liên tục. Ngoài ra, những người vừa trải qua phẫu thuật tim thường dễ bị nhiễm trùng hoặc gặp các rủi ro nghiêm trọng khác. Điều này khiến họ vào ICU để đảm bảo sẽ được theo dõi tất cả các diễn biến của sức khỏe. Đối với bệnh nhân gặp vấn đề về tim, 24 - 48h đầu tiên khi phát bệnh là khoảng thời gian sức khỏe không ổn định nhất. Chính điều này khiến bệnh nhân cần được theo dõi tình hình liên tục.

Bệnh nhân bị nhiễm trùng nghiêm trọng

Những bệnh nhân bị nhiễm trùng thường sẽ bị nhiễm trùng huyết và có thể dẫn đến suy nội tạng. Những người bị nhiễm trùng nặng sẽ thường được đưa vào ICU bởi ưu tiên hàng đầu khi đó là phải càng sớm càng tốt loại bỏ được tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, người bị nhiễm virus thường sẽ gặp vấn đề trong hệ hô hấp hoặc hệ thần kinh trung ương. Điều này khiến tỷ lệ tử vong của họ là rất cao và đặc biệt cao ở những người có hệ thống miễn dịch không tốt. Đó là lý do khi bị nhiễm trùng nghiêm trọng thì bệnh nhân thường được đưa vào ICU để chữa trị.

Theo các chuyên gia, những loại nhiễm trùng phổ biến nhất hiện nay và thường phải vào ICU gồm: viêm phổi, nhiễm trùng đường máu, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng vị trí phẫu thuật, nhiễm trùng ruột do Clostridium difficile...

Sự căng thẳng của ICU tại Ý hiện nay

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến rất căng thẳng như hiện nay, nhiều bác sĩ ở ICU tại Ý cho biết đang cảm thấy rất bất lực và bị đánh bại. Bác sĩ Stefano Muttini ở Ý cho biết: 'Giữa dịch Covid-19, tôi cảm thấy như mình đang đứng giữa một cơn sóng thần'. Theo anh, hiện nay tại Ý số phòng hồi sức tích cực là không đủ cho các bệnh nhân bệnh nặng vì Covid-19.

Christian Salaroli, một bác sĩ gây mê hồi sức ở Bergamo - vùng tâm dịch của Ý cho biết ở các phòng ICU hiện nay tại quốc gia vùng Nam Âu bác sĩ phải lựa chọn người để cứu chữa. Ông nói: 'Thật không may, có một sự không cân xứng giữa nguồn lực bệnh viện, giường ICU và những bệnh nhân bị Covid-19 nghiêm trọng. Không phải ai ở phòng hồi sức tích cực cũng được đặt ống nội khí quản. Nếu một bệnh nhân trong độ tuổi từ 80 - 95 bị suy hô hấp nặng, rất khó để bác sĩ lựa chọn đặt ống nội khí quản cho người đó. Nếu bệnh nhân nào bị suy đa tạng hơn 3 cơ quan quan trọng thì có nghĩa tỷ lệ tử vong là 100%'.

Theo Reuters, trong những ngày qua, tại vùng Bologna của Ý có khoảng 1.135 người cần được chăm sóc đặc biệt vì bệnh nặng do Covid-19. Tuy nhiên, khu vực này chỉ có 800 giường ICU. Điều này dẫn đến tình trạng các bác sĩ ICU ở đây luôn phải đánh giá cơ hội phục hồi của bệnh nhân trước khi đặt ống nội khí quản.

Bác sĩ Marco Resta, phó trưởng khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện Policlinico San Donato - một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất của Ý nói với Reuters: 'Khi đưa ai đó lớn tuổi vào ICU chúng tôi phải tính đến việc họ có gia đình chăm sóc khi rời khỏi ICU hay không, bởi vì họ cần giúp đỡ. Ngay cả khi ai đó không có cơ hội cứu chữa nữa, chúng tôi vẫn phải nhìn vào mặt bệnh nhân vào nói 'Tất cả đều ổn'.

Hiện tại, ở Việt Nam đang có 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được điều trị trong phòng hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Đó là 1 bệnh nhân nữ 64 tuổi người Việt Nam, vào ICU từ ngày 15/3 và một bệnh nhân nam người Anh, 69 tuổi, vào ICU từ 2h30 ngày 16/3.

T.T

Chủ đề khác