VnReview
Hà Nội

Trung Quốc: Từ điểm nóng dịch bệnh thành 'thiên đường' trở về an toàn

Khi dịch bệnh bắt đầu diễn tiến xấu tại Anh vào tuần trước, Jennie Lan biết một nơi sẽ cho cô cảm giác an toàn nhất: Trung Quốc.

Sinh viên thạc sĩ Đại học University College London lo rằng người Anh đang không thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như đeo khẩu trang nơi công cộng. "Mọi người ở đây không cho là virus corona nghiêm trọng", Lan nói.

Hôm 16/3, cô bay về Trung Quốc sống với bố mẹ, thị trấn họ ở hiện có không có ca nhiễm nào được báo cáo. "Chính quyền địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh", Lan nói.

Vài tuần trước, nhiều người đã tháo chạy khỏi Trung Quốc để tránh virus corona chủng mới. Giờ đây tình thế đã lật ngược, nhiều người đang tìm tới Trung Quốc vì họ tin rằng đây là nơi an toàn.

Nhiều người dân Trung Quốc bắt đầu quay về sau khi tình hình dịch cơ bản được kiểm soát ở đây. Ảnh: Reuters.

Tập đoàn Apple đã mở cửa trở lại tất cả các cửa hàng tại thị trường Trung Quốc, nhưng cho biết hôm 13/3 rằng họ sẽ đóng cửa những tất cả mọi cửa hàng ở nơi khác trong hai tuần.

Một đội bóng thuộc liên đoàn bóng đá Trung Quốc đến từ Vũ Hán, nơi phát hiện virus viêm phổi mới lần đầu tiên, đã lên kế hoạch rời khỏi bản doanh tạm thời ở Tây Ban Nha để về Trung Quốc khi diễn biến dịch bệnh xấu đi ở châu Âu.

Jack Ma, tỷ phú sáng lập công ty bán lẻ trực tuyến khổng lồ Trung Quốc Alibaba, gần đây đã cam kết quyên góp 1 triệu khẩu trang y tế và 500.000 bộ kit xét nghiệm virus cho Mỹ.

Dù chỉ mới cách đây không lâu còn dồn toàn lực vào các ca nhiễm trong nước, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết hôm 16/3 rằng ưu tiên hàng đầu giờ đây là ngăn chặn các ca lây nhiễm từ nước ngoài. Chính quyền Bắc Kinh cho biết hôm 15/3 rằng những người tới thành phố từ nước ngoài phải cách ly tại các khách sạn và địa điểm được chỉ định trong 14 ngày, đây cũng là bước đi mới nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực bảo vệ thủ đô.

Hồi kết đang tới

Trong khi cuộc sống ở Trung Quốc vẫn còn xa mới trở lại bình thường, người dân ở đây cảm thấy tình hình chung cơ bản đã được kiểm soát.

Nhiều người khen ngợi người dân Trung Quốc sẵn sàng tuân theo các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt của chính phủ, như ngừng hoạt động kinh doanh, kiểm dịch tại nhà, bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt ở khắp mọi nơi.

Họ cũng tự hỏi: Tại sao các quốc gia khác có thể không chuẩn bị sẵn sàng khi đã theo dõi những gì diễn ra ở Trung Quốc suốt hai tháng qua?

Trung Quốc: Từ điểm nóng dịch bệnh thành 'thiên đường' trở về an toàn

Josh Liu, một nha sĩ người Mỹ ở Thượng Hải đang bế Baron, con trai mình khi tự cách ly tại nhà sau khi từ Mỹ trở về Trung Quốc. Ảnh: Wall Street Journal.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết trong khoảng thời gian 24 giờ trước sáng hôm 15/3, Trung Quốc chỉ báo cáo 27 trường hợp nhiễm virus corona mới trong khi trên thế giới ghi nhận 10.955 ca. Châu Âu đã trở thành tâm chấn của đại dịch, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết. Tới nay đà giảm các ca nhiễm bên trong Trung Quốc vẫn tiếp tục trong khi hàng loạt nước bên ngoài Trung Quốc đang trở thành điểm nóng mới của dịch.

Josh Liu, một nha sĩ người Mỹ làm việc tại Thượng Hải, đã trải qua những thăng trầm của Trung Quốc suốt hai tháng qua. Khi tới thăm gia đình ở tỉnh Tứ Xuyên vào cuối tháng 1, anh nói với vợ: "Chúng ta phải rời khỏi đây".

Họ đã mua vé máy bay vào phút chót và đưa đứa con trai 1 tuổi của mình đến quê nhà anh gần San Francisco, Mỹ. Hàng tuần, họ sẽ xem xét tình hình và cân nhắc xem nên quay lại Trung Quốc hay không.

Giây phút quyết định đến vào tuần trước khi anh thấy phòng khám tư nhân ở Thượng Hải của mình có thể sớm mở cửa trở lại - trong khi các ca nhiễm virus mới bắt đầu xuất hiện ở Vùng Vịnh. "Chúng tôi xác định mình sẽ được an toàn ở Trung Quốc", anh nói.

Máy bay đưa gia đình anh hạ cánh xuống sân bay Thượng Hải hôm 17/3, trước khi các quan chức tiến hành kiểm tra thân nhiệt và hỏi chính xác những nơi họ đã đến ở Mỹ và liệu họ có tới bệnh viện hay không. Sau đó, gia đình anh được yêu cầu về nhà và bắt đầu tự cách ly 14 ngày. "Mọi người ở đây kiên nhẫn hơn một chút và sẵn sàng đối diện hoặc tuân thủ các quy tắc rất nghiêm ngặt", nha sĩ 33 tuổi nói.

"Tất cả đều nghĩ ‘đúng là rắc rối', nhưng đó cũng chính là lý do ở đây an toàn hơn".

Trong khi Mỹ và các nước ở châu Âu đang đóng cửa các cửa hàng và doanh nghiệp, Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và giao thông, mặc dù vẫn thưa thớt hơn bình thường, đã tăng đáng kể ở Bắc Kinh và Thượng Hải.

Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc vẫn bị cách ly, nhưng chuyến thăm gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy giới lãnh đạo cấp cao của đất nước đã nhìn thấy hồi kết đang tới của cuộc khủng hoảng vừa qua ở tâm dịch.

Nơi nguy hiểm nhất thành nơi an toàn nhất

Linda Reed, một người bản xứ dạy tiếng Anh ở thành phố Nam Kinh, miền đông Trung Quốc, muốn đến Tennessee vào tháng 4 để hỗ trợ em gái của cô, người sắp sinh. Lo lắng mình sẽ vô tình nhiễm phải virus trên đường về và lây cho gia đình, cô đã gửi email cho một nhà dịch tễ học của chính quyền địa phương để hỏi về các yêu cầu cách ly và thủ tục tương tự.

Thư hồi âm cho biết cô có thể cân nhắc việc ở lại khách sạn và khuyên cô nên tuân thủ các hướng dẫn chung. Giọng điệu bình thản của nhà dịch tễ học là một tín hiệu báo động và Reed quyết định hủy chuyến bay.

"Không phải họ nói gì sai", giáo viên 37 tuổi nói. "Vấn đề là họ rõ ràng không hề sẵn sàng cho dịch bệnh". Dù gia đình cô buồn vì cô không thể có mặt khi cháu gái cô ra đời, Reed nói rằng sẽ an toàn hơn khi người bố đã lớn tuổi của cô ở tại phía đông Washington còn cô ở lại Nam Kinh.

"Trong tất cả các quốc gia đã có ca nhiễm virus, tôi nghĩ rằng Trung Quốc là nơi an toàn nhất hiện nay", cô nói.

Một phát ngôn viên của Sở y tế Tennessee cho biết họ đang thực hiện cách tiếp cận chủ động đối với đại dịch luôn tuân theo hướng dẫn từ chính quyền liên bang. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị du khách từ các quốc gia có tỉ lệ lây nhiễm cao ở trong phòng trong 14 ngày và tự theo dõi sức khỏe.

Tính đến hôm 18/3, virus corona đã lây nhiễm hơn 80.000 người ở Trung Quốc và khiến hơn 3.200 người tử vong, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết.

Jennie Lan cho biết hồi tháng 1, do lo lắng cho bố mẹ, cô đã mua 500 chiếc khẩu trang và gửi chúng cho gia đình ở phía đông tỉnh Chiết Giang.

Mọi thứ đã đảo ngược một tuần trước. Gia đình cô đã đọc về tình hình đáng lo của nước Anh qua một tin nhắn trên nhóm chat WeChat của hơn 500 phụ huynh của các sinh viên Trung Quốc đang theo học tại đại học London. Họ năn nỉ con gái về nhà.

Không lâu sau đó, Lan tìm được người sẵn sàng tiếp quản hợp đồng thuê căn hộ ở London của cô, dự kiến ​​kết thúc vào tháng 9, sau đó cô mua vé máy bay giá 930 USD để quay về Trung Quốc hôm 17/3.

Quê hương của cô, thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang có rất ít trường hợp nhiễm virus corona. Khu phố của bố mẹ cô thậm chí không có ca nhiễm nào. Lan cho biết cô cảm thấy Trung Quốc hiện giờ minh bạch và chủ động hơn về tình hình virus corona so với Anh.

"Chính phủ Anh đã không kiểm soát tốt tình hình", cô nói.

Theo Zing

Chủ đề khác