VnReview
Hà Nội

Đột ngột chuyển từ "virus corona" sang "virus Trung Quốc": Ông Trump đang có ý định gì?

Gần đây, ông Trump đã chủ động và có mục đích rõ ràng khi nhắc tới cụm từ "virus Trung Quốc".

Theo Sky News, "virus Trung Quốc" không phải là cụm từ các chuyên gia y tế Mỹ hay bất kì người nào khác ngoài chính quyền của ông Trump sử dụng. Tổng thống Mỹ đã phủ nhận các chỉ trích cho rằng cụm từ này mang đậm tính phân biệt chủng tộc và thiếu chính xác khi mô tả một đại dịch toàn cầu.

Trong những ngày vừa qua, ông Trump đã thường xuyên sử dụng cụm từ virus Trung Quốc trên Twitter của mình. Tổng thống Mỹ đã nhắc tới những người mất việc làm vì "sự tàn phá của virus Trung Quốc", nói mình sẽ tổ chức một cuộc họp báo "liên quan tới vấn đề virus Trung Quốc" và ông đã "luôn luôn đối phó với virus Trung Quốc một cách rất nghiêm túc" mặc dù trước đó ông Trump từng gọi dịch bệnh này là "điều hoang đường".

Đột ngột chuyển từ "virus corona" sang "virus Trung Quốc": Ông Trump đang có ý định gì?

Ảnh: Sky News

Sky News cho hay, trước ngày 16/3, ông Trump vẫn sử dụng cụm từ virus corona. Sự thay đổi trong cách dùng từ của ông Trump còn đi cùng với những sự thay đổi khác trong hành động của tổng thống Mỹ.

Cụ thể, ông Trump đang xử lí vấn đề khủng hoảng y tế một cách nghiêm túc. Ông Trump đã thừa nhận rằng virus corona có thể gây ra suy thoái kinh tế và dịch bệnh có thể kéo dài đến mùa hè, trước kì bầu cử tổng thống Mỹ chỉ vài tháng.

Ngoài sự "thức tỉnh" này, ông Trump còn nhận ra rằng ông sẽ phải chịu trách nhiệm cho các ca tử vong vì COVID-19. Nếu hàng triệu người Mỹ tử vong, thì đó là bởi quyết định trong chính sách của ông Trump. Do đó, đặt tên cho virus là "virus Trung Quốc" sẽ giúp tổng thống Mỹ phần nào tránh được chỉ trích.

Ông Trump hiện đang khiến người ủng hộ nghĩ rằng ông đang làm tốt nhất có thể để giải quyết vấn đề mà "ai đó" đã tạo ra. Ông Trump gọi virus corona là "kẻ thù tàng hình, không thể nhìn thấy" bởi ông Trump không thể trực tiếp chỉ trích hay sa thải loại virus này. Đây là thách thức chưa từng có đối với một vị tổng thống Mỹ.

Từ trước tới nay, một vị tổng thống đương nhiệm gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử nếu nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi vấn đề sinh - tử không phải là một mối đe dọa rõ ràng đối với người dân.

Sky News cho rằng, rõ ràng nền kinh tế Mỹ đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ virus corona. Ông Trump nói kinh tế Mỹ sẽ "tốt hơn bao giờ hết" nhưng có thể thấy ông Trump đang lo lắng. Việc đổ lỗi cho Trung Quốc sẽ giúp ông Trump giảm bớt những chỉ trích nhằm vào mình.

Khi thường xuyên nhắc đi nhắc lại cụm từ "virus Trung Quốc" một cách công khai, ông Trump cũng khiến những người ủng hộ có cùng suy nghĩ như vậy.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng triệu người Mỹ mất việc làm và mất nhiều thứ hơn trong tương lai nếu dịch bệnh không kết thúc, sẽ khó có khả năng họ sẽ tìm người khác để chỉ trích.

Trước khi trở thành tổng thống, ông Trump từng viết: "Lãnh đạo: Bất kể chuyện gì xảy ra, bạn phải chịu trách nhiệm. Nếu nó không xảy ra, bạn cũng phải chịu trách nhiệm".

Sự kì thị trong xã hội Mỹ

Theo US News, ông Trump không cho rằng việc gọi "virus Trung Quốc" - hay "kung-flu" (mô phỏng từ "kungfu" bắt nguồn từ Trung Quốc) - sẽ khiến người Mỹ gốc Á chịu sự kì thị tại đất nước này.

"Không, không hề. Không một chút nào. Tôi nghĩ họ sẽ đồng ý 100%. Virus tới từ Trung Quốc".

"Nó không hề phân biệt chủng tộc chút nào," ông Trump khẳng định và nói ông muốn gọi như vậy để chính xác sau khi một số quan chức Trung Quốc nói rằng quân đội Mỹ đã đưa virus tới thành phố Vũ Hán.

"Trung Quốc nói rằng virus được đưa tới bởi quân đội Mỹ. Điều đó không thể xảy ra. Miễn là tôi còn là tổng thống, thì điều đó không thể nào xảy ra. Virus tới từ Trung Quốc".

Mặc cho những lời chỉ trích từ Bắc Kinh, các quan chức dưới quyền ông Trump vẫn tiếp tục gắn virus corona với địa điểm bùng phát dịch đầu tiên.

Trong cuộc họp của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo dùng cụm từ "virus Vũ Hán" tới 6 lần và nói Trung Quốc đang cố gắng khiến thế giới quên đi sự thiếu sót của nước này trong giai đoạn đầu chống dịch. Ngoài ra, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ khó có thể kết thúc khi đại dịch biến mất.

Theo SoHa

Chủ đề khác