VnReview
Hà Nội

Cầu Cổng Vàng nổi tiếng tại Mỹ điêu đứng vì dịch Covid-19, mất 300.000 USD mỗi ngày

Cầu Cổng Vàng của San Francisco mất 300.000 USD tiền thu phí mỗi ngày kể từ khi lệnh "ở yên tại chỗ" kéo dài ba tuần bắt đầu có hiệu lực vào hôm thứ ba trên toàn bang nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19.

Lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà càng lâu càng tốt và tránh ra ngoài đường phố, ngoài trừ việc đi lại cần thiết. Kết quả là giao thông trên cây cầu nổi tiếng thế giới đã giảm 70%, theo tờ San Francisco Examiner. Có khoảng 22.600 phương tiện đi lại trên cầu vào ngày 19 tháng 3 năm 2019, từ 5 cho đến 10 giờ sáng. Vào hôm thứ ba, khi lệnh có hiệu lực, chỉ còn 6.700 phương tiện lưu thông qua cầu trong cùng khoảng thời gian.

Các cây cầu khác trong khu vực vịnh San Francisco được điều hành bởi nhà nước, nhưng Quận Cầu Cổng Vàng lại giám sát hoạt động của cây cầu mang tính biểu tượng của thành phố. Địa hạt này đang yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp để bù đắp cho sự sụt giảm của dòng tiền – doanh thu chính của vùng này là phí cầu đường.

Bất chấp sự sụt giảm giao thông, quản lý hạt là Denis Mulligan cho biết đó là dấu hiệu của sự tuân thủ từ phía người dân thành phố.

"Điều đó có nghĩa là mọi người đã tôn trọng lệnh ở yên tại chỗ từ chính quyền. Đó là tin tốt", Mulligan nói với tờ San Francisco Examiner hôm thứ Tư.

Chính quyền có một quỹ dự trữ 25 triệu USD, nhưng thành viên hội đồng quận Cầu Cổng Vàng là Sandra Lee Fewer nói rằng họ vẫn cần thêm kinh phí.

"Đây là nơi chính phủ liên bang thực sự phải vào cuộc, chúng tôi không thể làm điều đó một mình, chúng tôi không phải là nơi duy nhất cần sự giúp đỡ", Fewer nói. "Không chỉ là một biểu tượng trên toàn thế giới, cây cầu thực sự đóng góp cho rất nhiều cư dân ở vùng vịnh".

Cây cầu được xây dựng vào năm 1933 và đã trở thành một trong những địa điểm được yêu thích nhất của thành phố.

Các hệ thống tàu thuyền trong thành phố, cũng như BART (hệ thống tàu điện, tàu hỏa nhanh phục vụ khu vực vịnh) ;đã chứng kiến sự sụt giảm số lượng hành khách. Theo BART, cơ quan điều hành vận chuyển sẽ bị lỗ 37 triệu USD mỗi tháng tiền vé và phí đậu đỗ vì sụt giảm hành khách, trong khi hệ thống vẫn tiếp tục vận hành trong suốt thời gian ban bố lệnh. BART cũng đang đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ chính phủ liên bang.

Giang Vu

Chủ đề khác