VnReview
Hà Nội

Thuốc chống sốt rét chloroquin được săn lùng do tin đồn chữa được Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo việc tự ý dùng rất nguy hiểm

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn hoả tốc về việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc (gửi qua hệ thống https://duocquocgia.com.vn) về việc quản lý chặt hoạt động mua bán thuốc chống sốt rét có chứa chloroquin/hydroxychloroquin.

Thuốc này ghi rõ là "Thuốc bán theo đơn", không được tự ý mua và sử dụng

Theo phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng, giá thuốc điều trị sốt rét chứa chloroquin/hydroxychloroquin tăng cao do người dân tự ý đi mua thuốc khi có thông tin thuốc trên được sử dụng để dự phòng, điều trị COVID-19.

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết việc người dân tự ý mua thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin để điều trị, dự phòng COVID-19 có thể gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng.

Các thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin là thuốc kê đơn chỉ được sử dụng khi có chỉ định, theo dõi và hướng dẫn của thầy thuốc để phòng ngừa hoặc điều trị sốt rét cấp tính, diệt amíp ngoài ruột, điều trị viêm đa khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, phản ứng dị ứng với ánh sáng (da nhạy cảm với ánh sáng), chưa có chỉ định để điều trị COVID-19 do Bộ Y tế phê duyệt.

"Vì vậy, người dân tuyệt đối không mua, tích trữ và sử dụng để điều trị, dự phòng COVID-19" - ông Đạt khẳng định.

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc không được tăng giá bán, không găm hàng, tích trữ gây ra tình trạng khan hiếm trên thị trường đối với các thuốc có chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin và các thuốc khác trong danh mục thuốc phòng chống dịch COVID-19.

Cùng đó, thực hiện nghiêm quy định của Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, chỉ được bán thuốc chứa hoạt chất chloroquin/hydroxychloroquin và các thuốc kê đơn khi người mua có đơn thuốc theo quy định.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm việc bán thuốc kê đơn và các biện pháp quản lý giá thuốc theo các văn bản nêu trên;; Tăng cường giám sát, kiểm tra việc kinh doanh của các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn và xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).

Được biết, trong 1 tuần qua, giá thuốc điều trị sốt rét đã tăng chóng mặt, ban đầu dưới 100.000đ/hộp giờ đã bị đẩy lên nhiều lần mà không có để mua, tất cả là do thông tin 'thuốc này dùng để dự phòng COVID-19', trong khi thuốc chỉ dùng khi bệnh nặng.

Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Thanh Dương, viện trưởng Viện sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng trung ương, cho biết hôm 18/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump có phát biểu trên CNN, cho biết Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đồng ý cho sử dụng thuốc trị sốt rét điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp bệnh nặng tại Mỹ (ông Dương nhấn mạnh điều trị trong trường hợp bệnh nặng).

Trước đó, tại Trung Quốc cũng đã có nghiên cứu tương tự và cũng đã có thử nghiệm trong điều trị cho bệnh nhân nặng. Từ thời điểm này, một đồn mười, mười đồn trăm, rất nhiều người đi tìm mua thuốc chứa hoạt chất chloroquine và hydroxychloroquine, giá thuốc từ dưới 100.000đ/hộp tăng gấp rưỡi chỉ trong buổi sáng rồi tăng liên tục, giờ giá mua buôn đã trên 200.000 đồng và cửa hàng lẻ đã hết hàng.

Riêng loại thuốc nhập khẩu hộp 3 vỉ, mỗi vỉ 10 viên đã tăng lên 500.000đ/hộp, tăng rất mạnh so với trước mà nhiều nơi còn không có để mua.

"Đây là thuốc điều trị sốt rét, hiện vẫn đang sử dụng trong điều trị sốt rét tại Việt Nam nhưng muốn sử dụng điều trị bệnh khác thì phải có phác đồ và phác đồ đó phải được Bộ Y tế phê duyệt. Thuốc cũng có chống chỉ định với trường hợp dị ứng thuốc, người bị bệnh gan... nên không thể sử dụng tràn lan và đây cũng không phải thuốc sử dụng cho dự phòng, chỉ dùng khi đã mắc bệnh" - ông Dương cho biết.

Trên trang cá nhân, bác sĩ Huynh Wynn Tran, bác sĩ gốc Việt đang làm việc tại Mỹ, cho biết các tác dụng phụ có thể gặp của thuốc này là ói mửa, buồn nôn, đau bụng, nổi mẩn đỏ trên da, xuất huyết dưới da, ảnh hưởng đến mắt và thị lực, người có bệnh thận, tiểu đường và mắt phải thật cẩn thận khi uống và phải theo dõi kỹ với bác sĩ khi dùng. Ngay tại Mỹ, thuốc chỉ được đồng ý cho dùng trong trường hợp bệnh nhân mắc bệnh nặng, không sử dụng để dự phòng.

M.A

Chủ đề khác