VnReview
Hà Nội

Chính sách chống Covid-19 của Việt Nam khác gì so với thế giới?

Đến hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đang trong tầm kiểm soát và những nỗ lực của nước ta được WHO cũng như các quốc gia khác đánh giá rất cao.

Financial Times khen ngợi mô hình chống dịch Covid-19 hiệu quả của Việt Nam

Việt Nam hiện tại có 134 ca nhiễm Covid-19, 17 người đã được chữa khỏi, 1 ca xét nghiệm âm tính lần 3, 4 ca xét nghiệm âm tính lần 2, 9 ca xét nghiệm âm tính lần 1, 3 ca bệnh nguy kịch, 2 ca bệnh nặng phải thở oxy. Hiện tại, nước ta đang đứng thứ 79/196 quốc gia/vùng lãnh thổ về số ca mắc Covid-19, đã xét nghiệm được 15.637 người (tính đến hết 20/3).

Nỗ lực chống Covid-19 của Việt Nam được rất nhiều nước trên thế giới đánh giá cao. Bên cạnh đó, WHO cũng từng khen ngợi nỗ lực của chúng ta trong cách phòng chống dịch bệnh.

Sự khác biệt trong phương pháp chống dịch

Việt Nam có đường biên giới trên bộ khá dài với Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh Covid-19. Loại virus nguy hiểm này lại xuất hiện đúng dịp một số nước châu Á (trong đó có Việt Nam) bước vào kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Đó chính là thách thức không hề nhỏ trong việc phòng chống dịch bệnh ngay từ khi nó bắt đầu.

Theo tờ Financial Times, ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, Việt Nam đã có những biện pháp phòng dịch hiệu quả. Cách làm của chúng ta là tập trung cô lập người nhiễm, truy tìm những người tiếp xúc gần. Covid-19 là loại virus lây lan qua việc tiếp xúc với người bệnh. Đó là lý do nếu tìm ra, cô lập và cách ly những người nhiễm bệnh, những người đã tiếp xúc với họ thì có thể triệt tiêu được đường lây lan của nó.

Bên trong một khu cách ly tại Việt Nam

Cách làm của Việt Nam là tìm ra người có thể tiếp xúc với mầm bệnh, trở về từ vùng dịch và sau đó tiến hành xét nghiệm với nhóm người này. Cùng với đó, chúng ta cũng cách ly tập trung bắt buộc với tất cả những trường hợp có tiếp xúc với người bệnh. Mỗi khi có một ca Covid-19 mới được phát hiện, tất cả những người có tiếp xúc gần với người bệnh đều sẽ bị cách ly. Thậm chí, những người sống quanh khu vực mà người bệnh ở cũng sẽ bị cách ly tại nhà. Không chỉ vậy, thông tin của người bệnh, địa chỉ, hành trình di chuyển cũng sẽ được thông báo rộng rãi để người dân chủ động cách ly, phòng tránh.

Tờ Financial Times cho biết ngày 13/2, Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới, sau tâm dịch bệnh khi đó là Trung Quốc phong tỏa cả một khu vực dân cư quy mô lớn. Lệnh cách ly được áp dụng trong 21 ngày cho một địa phương với khoảng 10.000 dân thuộc tỉnh Vĩnh Phúc sau khi một số ca nhiễm được xác nhận là người lao động trở về từ tâm dịch Vũ Hán. Cách làm này sẽ hạn chế tối đa được sự lây lan của virus khi mầm bệnh được khống chế trong một khu vực dân cư và rất khó lan ra ngoài.

Cách làm của Việt Nam là khác biệt hẳn so với Hàn Quốc. Nước này với nguồn lực mạnh hơn, không quá tập trung vào việc cách ly để hạn chế sự lây lan của mầm bệnh mà ưu tiên việc xét nghiệm quy mô lớn để tìm thấy nhanh nhất những người nhiễm bệnh. Tính đến hết ngày 20/3, Việt Nam đã xét nghiệm được 15.637 người trong khi đó Hàn Quốc xét nghiệm được hơn 338.000 người.

Tuy nhiên, việc không cách ly triệt để những người nhiễm bệnh và từng tiếp xúc với người bệnh đã mang lại hậu quả cho Hàn Quốc. Rất nhiều người bệnh nước này khi có triệu chứng vẫn trốn viện ra ngoài được. Đáng kể nhất là trường hợp 'bệnh nhân 31' của Hàn Quốc đã lây cho ít nhất 40 ca bệnh khác. Người này thuộc một giáo phái tại Hàn Quốc, trốn viện ra ngoài để tiếp tục đi truyền giáo.

Cách làm cách ly mầm bệnh của Việt Nam cũng khác hẳn với Mỹ và đa phần các quốc gia ở châu Âu. Những nước thường không xét nghiệm quá nhiều và không hề cách ly triệt để như Việt Nam khi vẫn để người dân tự do đi lại tại thời điểm dịch bệnh đang bùng phát dữ dội số ca nhiễm và tử vong. Hậu quả là hiện tại một loạt các quốc gia phương Tây đang phải gồng mình chống dịch với hàng chục nghìn ca nhiễm như Ý, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ..., số người tử vong tại Ý đã vượt Trung Quốc.

Chữa bệnh và xét nghiệm cho tất cả người nhiễm Covid-19

Tại Việt Nam, tất cả người được phát hiện nhiễm Covid-19 sẽ được chữa trị, cách ly và giám sát cẩn thận nhằm không để mầm bệnh có thể lây lan quá rộng. Việc xét nghiệm là bắt buộc với tất cả những người nghi nhiễm, từng tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Không chỉ vậy, xét nghiệm và chữa bệnh là miễn phí với người dân quốc tịch Việt Nam, được triển khai một cách rất quyết liệt, huy động tối đa nguồn lực y tế. Cách làm này khác hẳn với các nước châu Âu và Mỹ.

Tại Mỹ, quốc gia này chỉ xét nghiệm cho người có 'các triệu chứng nghiêm trọng', người già hoặc có tiếp xúc với người Ý và Trung Quốc gần đây. Việc này được thông báo là miễn phí nhưng người bệnh nếu đến khám ở các bệnh viện sẽ phải chịu nhiều khoản phí khổng lồ khác. Không chỉ vậy, theo tổ chức Kaiser Family Foundation thì chi phí điều trị trung bình với một người nhiễm Covid-19, có bảo hiểm và không có bệnh nền ở Mỹ rơi vào khoảng 9.763 USD. Trường hợp bệnh nhân phải điều trị các biến chứng thì số tiền có thể lên tới hơn 20.000 USD. Cá biệt có bệnh nhân đã mất tới khoảng 35.000 USD để chữa Covid-19 tại Mỹ.

Tại châu Âu, việc chữa trị Covid-19 thường chỉ dành cho những người có triệu chứng bệnh nặng. Những người bệnh nhẹ thường không được xét nghiệm hoặc có xét nghiệm cũng không nằm viện. Họ được khuyên ở nhà cách ly trong 14 ngày và chỉ đến bệnh viện khi tình trạng bệnh nặng lên. Điều này là rất nguy hiểm bởi virus có thể lây lan ra cộng đồng từ chính những người mắc bệnh này nếu họ không tuân thủ cách ly nghiêm ngặt.

Hạn chế tập trung đông người

Khi Trung Quốc đang là tâm điểm dịch Covid-19 của thế giới, Việt Nam đã hoãn mọi chuyến bay chiều đến và đi với nước này từ ngày 1/2. Đến nay, khi virus nói trên đã lan rộng trên toàn thế giới thì Việt Nam cũng đã thông báo cách ly bắt buộc trong 14 ngày với mọi trường hợp nhập cảnh và mới đây là ngừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam.

Nhiều cửa hàng đóng cửa để hạn chế tập trung nơi đông người

Việt Nam cũng áp dụng các chính sách hạn chế tập trung đông người từ rất sớm. Việc này sẽ giúp Covid-19 không thể lan rộng ra cộng đồng. Điển hình là sau dịp Tết Nguyên đán vừa qua rất nhiều lễ hội đã bị hoãn, hủy để phòng chống Covid-19. Tại Hà Nội, ngày 7/3, ngay sau khi phát hiện ca nhiễm thứ 17 tại Việt Nam, bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã yêu cầu tập trung các giải pháp quyết liệt, không để lây lan, hoãn tất cả các lễ hội, hội họp không cần thiết ở tất cả các cơ quan của thành phố. Năm du lịch Quốc gia, một hoạt động rất quan trọng dự kiến được tổ chức vào ngày 22/2/2020 cũng đã bị hoãn lại. Từ sau tết Nguyên đán, phần lớn các trường học ở 63 tỉnh/thành trên cả nước vẫn dừng hoạt động.

Cách chống dịch này tại Việt Nam là khác biệt so với rất nhiều nước trên thế giới. Ngay tại Đông Nam Á, các hoạt động lễ hội của người Hồi giáo vẫn diễn ra ở Malaysia. Đầu tháng 3, nước này có sự kiện tôn giáo tại thánh đường Seri Petaling, Kuala Lumpu với 16.000 người tham dự. Ngay sau đó, chính quyền Malaysia đã phát hiện hơn 1.600 trong số 5.000 công dân nước này tham gia sự kiện có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Hay tại Indonesia, ngày 18/3 vẫn có hơn 8.000 người hành hương Hồi giáo tập trung tại nhà thờ ở thành phố Gowa, tỉnh Nam Sulawesi...

Ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh

Tờ Financial Times dẫn lời bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết mạng lưới trình báo trên khắp cả nước Việt Nam giúp hỗ trợ phát hiện ca nhiễm hiệu quả. Ông nói: 'Hàng xóm sẽ biết rõ nếu bạn đến từ nước ngoài, nếu có người nhiễm trong khu vực, họ sẽ trình báo'. Điều này thể hiện sự tự giác cao của người dân Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh và mọi người sẵn sàng báo cáo ca nghi nhiễm nếu phát hiện được nhằm phòng chống sự lây lan của virus ra cả một khu vực rộng lớn.

Ngoài ra, người dân Việt Nam cũng rất tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch. Mọi người đeo khẩu trang, dùng nước rửa tay thường xuyên. Các vật dụng này xuất hiện khắp tại các khu dân cư, siêu thị, nơi công cộng,... để người dân có thể phòng dịch dễ dàng. Ngoài ra, đa số mọi người cũng tích cực hưởng ứng lời kêu gọi ở nhà để phòng chống dịch bệnh và câu slogan 'Ở nhà là yêu nước' được lan truyền mạnh mẽ.

Khoảng 8.000 người vẫn tập trung tại nhà thờ Hồi giáo ở Indonesia giữa lúc dịch Covid-19 đang căng thẳng

Ý thức phòng chống dịch bệnh của một số người dân tại một số nước châu Âu và Mỹ không giống như Việt Nam. Người dân những quốc gia này, vẫn ùn ùn kéo nhau ra những bãi biển, quán bar, công viên... tụ tập vui chơi khi dịch bệnh đang leo thang căng thẳng. Điển hình là vào cuối tuần trước, hàng ngàn người đã đổ ra bãi biển ở California, những con đường tại các công viên ở New York chật người bất chấp lời khuyên không nên ra nơi đông người. Tại Úc, bãi biển Bondi nổi tiếng cũng trong tình trạng tương tự trước khi chính quyền ra lệnh đóng cửa. Cuối tuần trước, người dân nước Anh đổ ra đường ăn mừng 'Ngày của mẹ'. Các con phố nổi tiếng, công viên, địa điểm du lịch ở nước này chật cứng người bất chấp lời khuyên không nên tụ tập. Khi dịch bệnh bắt đầu lan rộng, toàn bộ nước Ý đã bị phong tỏa vào ngày 9/3 với hình phạt cho những người vi phạm là 232 USD và 6 tháng tù giam. Thế nhưng, theo CNN đã có hàng trăm nghìn người Ý tự tiện bỏ qua lệnh phong tỏa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thu Hằng cho biết: 'Đến nay, các ca nhiễm virus corona tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp và không có ca tử vong nào'. Điều này phần nhiều đến từ những chính sách đúng đắn, quyết liệt và mang tính thực tiễn của nước ta khi đối phó với đại dịch Covid-19.

T.T

Chủ đề khác