VnReview
Hà Nội

Lựa chọn giữa sống hoặc chết: Bệnh nhân Covid-19 tại New York phải dùng chung máy thở

Một bệnh viện tại New York đã bắt đầu cho hai bệnh nhân sử dụng chung một máy thở. Đây là một giải pháp trong tình huống tuyệt vọng do thiếu máy thở trầm trọng. Giải pháp tình thế này có thể giúp hệ thống y tế chống chọi lại với số người nhiễm Covid-19 dự báo tăng đột biến trong những ngày tới tại Mỹ.

Bác sỹ Laureen Hill, giám đốc điều hành hệ thống Trung tâm y tế thuộc Đại học Columbia, cho biết bệnh viện NewYork-Presbyterian đã bắt đầu "chia máy thở" cho các bệnh nhân từ tuần qua. Các bác sĩ tại đây đã phát triển một biện pháp nhằm linh động hóa và nhiều bệnh nhân được sử dụng máy thở hơn. Họ cũng đã chia sẻ biện pháp của mình cho liên bang và chính quyền địa phương, cũng như các bệnh viện khác.

Bệnh nhân Covid-19 tại New York phải dùng chung máy thở hoặc… chết

Ảnh: Reuters

Việc cho bệnh nhân sử dụng chung máy thở đã được chứng minh trong một vài nghiên cứu khoa học và nó cũng đã được áp dụng hai lần trong tình huống cấp bách. Đó là trong một vụ xả súng ở Las Vegas năm 2017 và lần thứ hai là vừa mới tuần trước bởi bác sỹ cấp cứu Marco Garrone trên các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Ý. Đây được cho là lần đầu tiên biện pháp này trở thành chiến lược dài hạn của Mỹ.

"Chúng tôi đã thực hiện một việc mà trước đây chưa từng có",;bác sỹ chuyên khoa phổi tại bệnh viện NewYork-Presbyterian, Jeremy Beitler cho biết. "Giờ là lúc phải làm thôi".

Thống đốc New York, Andrew Coumo vào hôm 26/3 cho biết chính quyền đã cho phép sử dụng biện pháp này và các cơ quan liên bang cũng đã học tập nó. Trong tuần rồi, FDA cũng đã phê duyệt khẩn cấp một thiết bị có tên VESper, thiết bị được phát triển bởi công ty Prisma Health, trụ sở tại Nam Carolina. Đây là thiết bị cho phép bốn bệnh nhân có thể sử dụng chung một máy thở.

Phản ứng của New York đã cho thấy sự cần thiết rất lớn của máy thở đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Hôm 14/2, bác sỹ cấp cứu tại bệnh viện Ascension St John, Charlene Babcock đã đăng tải một video trên Youtube về quá trình chỉnh sửa máy thở để có thể dùng cho cùng lúc bốn bệnh nhân. Video này đã có 724 nghìn lượt xem.

Về tổng quan, khi một bệnh nhân cần thở máy, một ống dẻo sẽ được đưa vào khí quản của bệnh nhân và máy bơm có hiệu suất phù hợp sẽ thổi không khí giàu oxy vào phổi.

Trong video của mình, bác sỹ Babcock đã dùng một ống chữ T và ba đoạn nối để chia hai van thành bốn van và các bệnh nhân sẽ được sắp xếp nằm xung quanh máy thở. Bác sỹ Babcock và đồng sự của mình là bác sỹ Greg Nyman đã công bố một nghiên cứu về giải pháp này từ năm 2006, tuy nhiên nó chỉ mới được thử nghiệm trên mô hình chứ chưa phải bệnh nhân thật.

Trong đoạn video, cô cho biết "Tôi không chịu trách nhiệm về việc này, đây là cách sử dụng máy thở ngoài công năng. Với cá nhân tôi, nếu có bốn bệnh nhân và họ đều cần phải thở máy, trong khi tôi chỉ có một máy thở. Tôi sẽ thảo luận với gia đình của cả bốn và nói rằng ‘Tôi có thể chọn một người để cứu sống, hoặc chúng ta có thể tìm cách cứu cả bốn'".

Bệnh viện NewYork-Presbyterian chỉ mới chia sẻ một máy thở cho hai bệnh nhân cùng một lúc với cách thực hiện tương tự. Bác sỹ Beiler cho biết mỗi bệnh nhân vẫn sẽ nhận được lượng oxy giống nhau và chế độ chăm sóc như nhau. Việc chia sẻ máy thở không có nghĩa là sẽ có gấp đôi số ca được điều trị, vì có rất nhiều bệnh nhân nghiêm trọng cần sử dụng máy thở riêng.

Thiếu hụt trang thiết bị

Hiện bệnh viện vẫn chưa hết máy thở, nhưng bác sỹ Beitler cho biết cần phải thử kỹ thuật này từ bây giờ còn hơn là "đến lúc không còn sự lựa chọn nào khác". Đáng chú ý là biện pháp này không cần tăng thêm số lượng nhân viên y tế.

Các bệnh viện đang trong tình trạng thiếu hụt trang thiết bị y tế vì dự báo trong những tuần tới, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế sẽ cao hơn nhiều so với khả năng đáp ứng. Thậm chí sau khi đã có thêm 4,000 trang thiết bị hiện đại từ chính quyền liên bang cũng như các biện pháp khẩn cấp khác, hiện New York vẫn đang thiếu hụt hàng nghìn thiếu bị.

"Mối thách thức lớn nhất chính là máy thở. Chúng ta cần khoảng 30 nghìn máy, trong khi hiện nay chỉ có 11 nghìn", ông Coumo viết trên Twitter hôm 25/3.

Với khoảng 175.000 máy thở trong các bệnh viện và kho dự trữ của liên bang, các bang khác cũng đang chuẩn bị đối mặt với sự thiếu hụt trang bị. Các bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ cần thở máy trong nhiều ngày hoặc thậm chí là nhiều tuần.

Tuy vậy, bác sỹ Josh Farkas, phó giáo sư chuyên khoa phổi và khoa cấp cứu tại Đại học Vermont, cho biết việc chia sẻ máy thở giữa các bệnh nhân vẫn còn "gây tranh cãi".

"Kỹ thuật này có khả năng sẽ hoạt động trong vài giờ đồng hồ, tuy nhiên nó sẽ có một số trở ngại đáng kể",bác sỹ khoa phổi MeiLan Han, phát ngôn viên Viện Phổi Mỹ cho biết.

Một trong số các trở ngại là không thể giám sát hiệu quả thở máy trên từng bệnh nhân. Ngoài ra còn có nguy cơ lây nhiễm chéo các mầm bệnh; thay vì một bệnh nhân được cứu sống, nhiều bệnh nhân khác có thể được điều trị không phù hợp.

"Khi chúng tôi cho một bệnh nhân thở máy, sẽ có hai thứ chúng tôi phải kiểm soát: áp suất và thể tích khí. Và để biện pháp trên hoạt động tốt, các bệnh nhân phải có cùng một thông số",bác sỹ Han cho biết.

Dù không nhắc cụ thể đến biện pháp của bệnh viện NewYork-Presbyterian, bác sỹ Han nhấn mạnh rằng mỗi một bệnh nhân đều có thông số phù hợp riêng và không cố định.

"Nếu bạn có lá phổi tốt, nó sẽ nở ra rất đẹp. Nhưng nếu phổi đã bị viêm do Covid-19, có thể phối của bạn sẽ không nhận được gì. Không có cách nào có thể điều tiết được."

Thiếu bằng chứng

Đã có ba nghiên cứu về biện pháp này sau nghiên cứu của bác sỹ Babcock. Năm 2008, một nghiên cứu đã thử nghiệm trên bốn con cừu và cho thở máy trong 12 giờ. Một nghiên cứu nhỏ năm 2009 được tiến hành trên hai người khỏe mạnh và tỉnh táo, họ đã chia sẻ máy thở trong 10 phút. Và một nghiên cứu năm 2012 trên mô hình phổi kết luận rằng biện pháp này "không thể ứng phó với tình huống suy hô hấp hàng loạt".

"Không có cách nào để theo dõi từng bệnh nhân một mà không xảy ra việc trùng dẫm thông số hay thêm máy theo dõi cho từng bệnh nhân",bác sỹ Richard Branson, đồng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu năm 2012, ông là bác sỹ chuyên khoa phổi tại Đại học Y Cincinnatri và là tổng biên tập tạp chí Respiratory Care.

Vấn đề bác sỹ Branson lo ngại là thiếu chứng cứ.

"Tôi nghĩ thời điểm để thử một phương pháp điều trị chưa được kiểm nghiệm trên người không phải là giữa một cơn đại dịch", ông nói.

Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến các bác sỹ bỏ qua những nguyên tắc bình thường.

Một trong những tác giả của nghiên cứu năm 2008, bác sỹ Lorenzo Paladine, ông là phó giáo sư tại Đại học Khoa học Sức khỏe SUNY Downstate. Ông và một vài đồng nghiệp đã có thể duy trì sự sống cho bốn chú cừu khỏe mạnh chỉ với một máy thở.

Ngày 24/3, trong khi thăm khám các bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện King County, ông đã nhận được một cuộc gọi mới đến Washington để thảo luận nghiên cứu của ông với giới chức liên bang. Ngày 25/3, ông đã gặp các quan chức tại trụ sở FEMA để nghiên cứu khả năng chia sẻ một máy thở cho nhiều bệnh nhân.

"Chúng tôi dành cả ngày để soạn thảo cách thực hiện",bác sỹ Paladino cho biết. Mục đích là để chính quyền liên bang có thể hướng dẫn cho các bác sỹ và bệnh viện trên cả nước, ông nói.

Ông biết rằng biện pháp này có nguy cơ kèm theo.

"Không ai cho rằng đây là biện pháp tốt nhất khi bệnh nhân cần thở máy, đây là một kịch bản khi chúng ta không còn chiếc máy thở nào cho bệnh nhân. Đó là sự lựa chọn tối ưu, nhưng còn một lựa chọn khác… đó là cái chết", ông nói.

Minh Bảo theo Strait Times

Chủ đề khác